Thời điểm này, khi mà việc chăn nuôi heo đang cho lợi nhuận rất cao thì nhiều hộ lại trăn trở, chưa dám tái đàn.
Thời điểm này, khi mà việc chăn nuôi heo đang cho lợi nhuận rất cao thì nhiều hộ lại trăn trở, chưa dám tái đàn.
Chưa dám tái đàn
Tại trang trại nuôi heo rộng hơn 3.000m2 của gia đình ở thôn Cửu Lợi, xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), bà Nguyễn Thị Hiền dẫn chúng tôi đến khu nhà kho, nơi đang chất đầy các thiết bị dùng để chăn nuôi heo. Bà Hiền chia sẻ, năm ngoái, gia đình bà đang nuôi 30 con heo nái và hơn 500 con heo thịt, dịch tả heo châu Phi (ASF) ập tới khiến toàn bộ số heo phải tiêu hủy; bao nhiêu chi phí giống, thức ăn… lên tới hàng tỷ đồng bốc hơi trong phút chốc. Nhắc đến chuyện tái đàn, bà Hiền cho biết: “Giá heo giống hiện nay 3,5 triệu đồng/con, cộng toàn bộ chi phí chăn nuôi thì 1kg heo hơi hiện có giá thành khoảng 50.000 đồng. Với giá xuất chuồng khoảng 90.000 đồng/kg, hiện nay, người nuôi heo lãi to. Tuy nhiên, từ khi tái đàn cho đến khi có heo thịt bán ra thị trường mất khoảng 4 tháng, không ai biết 4 tháng sau giá heo hơi có còn cao như hiện nay hay không? Vì thế, tôi không dám tái đàn”.
Không chỉ bà Hiền, mà hầu hết các hộ nuôi heo chúng tôi gặp tại Cam Lâm đều có suy nghĩ trên, nhất là các hộ từng có heo bị ASF lại càng lo sợ về độ an toàn. Vì thế, cho đến lúc này, khi dịch bệnh đã lắng xuống khá lâu, vẫn không có nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ tổ chức tái đàn. Với những hộ còn khả năng gắng gượng, thì trên nền chuồng trại nuôi heo, họ chuyển sang nuôi gia cầm. Đơn cử như trại heo của bà Hiền đã được dẹp bỏ vách ngăn, thay thiết bị nuôi heo thành nuôi gà, thả vào đó khoảng 10.000 con gà.
Tại xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, nơi đầu tiên phát hiện ASF trên địa bàn tỉnh vào tháng 4-2019, đến nay, tình trạng “treo chuồng” vẫn đang phổ biến dù tình hình dịch bệnh đã lắng xuống từ lâu. Theo cán bộ thú y xã, toàn xã có 26 hộ chăn nuôi nhưng đến nay một nửa trong số đó chưa tái đàn. Số còn lại cũng chỉ nuôi 1 đến 2 con theo kiểu thăm dò chứ chưa dám đầu tư mua hàng chục con giống để nuôi như trước.
Còn nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Thành Đô, chủ trại heo được xem là lớn nhất xã Cam Tân, huyện Cam Lâm, người thường xuyên cung cấp heo giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cho biết, hầu hết các hộ nuôi đã cụt vốn, muốn tái đàn phải đi vay ngân hàng. Nhưng không có tài sản đảm bảo, các ngân hàng cũng ngại cho vay. Vì vậy, khoảng 200 con heo giống mỗi tháng trước đây ông chủ yếu cung cấp cho các hộ chăn nuôi, thì nay phải chuyển qua cung cấp cho các công ty.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích các hộ chăn nuôi heo tổ chức tái đàn. Tuy nhiên, ở khu vực chăn nuôi nông hộ, việc này đang gặp không ít khó khăn. Ngoài các nguyên nhân về chi phí đầu tư để tái đàn còn quá cao, hầu hết các hộ nuôi nhỏ lẻ chưa đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, nguy cơ dịch bệnh tái diễn vẫn còn nên các hộ chưa mạnh dạn tái đàn.
Tìm hiểu tại một số hộ nuôi heo nhỏ lẻ tại Nha Trang, Diên Khánh, điều dễ dàng nhận thấy là hệ thống chuồng trại nhỏ hẹp, chuồng heo thường là phần mở rộng, kéo dài của ngôi nhà, quy mô chăn nuôi chỉ trên dưới 10 con. Việc đáp ứng được các điều kiện như: Heo giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh, được nuôi theo quy trình an toàn, trong hệ thống trại lạnh, khép kín, đáp ứng vệ sinh thú y… sẽ giảm thiểu được nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, để đầu tư được một trang trại nuôi heo thịt quy mô 1.000 con hiện nay cần khoảng 2 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn đối với hầu hết các hộ nuôi nhỏ. Vì vậy, theo cơ quan chuyên môn, để phát triển chăn nuôi bền vững, các hộ cần tập hợp lại với nhau, hình thành nên các tổ liên kết để vừa có thể khôi phục chăn nuôi, vừa đổi mới hình thức chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững. Để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, trong đó có hội nông dân các cấp.
Hoàng Dung - Hồng Đăng
Ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa: Hiện nay, đàn heo toàn tỉnh có khoảng 287.000 con. Mặc dù hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa tổ chức tái đàn, nhưng sự biến động về tổng đàn là không lớn. Nguyên nhân là khu vực chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, chiếm tỷ trọng chưa đầy 18% tổng đàn heo, nên việc khu vực này chưa tái đàn không ảnh hưởng nhiều đến tổng đàn heo trên địa bàn.
_____________________________________________
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 5 doanh nghiệp chăn nuôi heo thịt và heo giống quy mô lớn, tổng đàn khoảng 55.000 con. 180 trại gia công có tổng đàn 180.000 con; 25 trang trại 6.200 con; 3.400 hộ chăn nuôi có tổng đàn 45.000 con. Thời gian qua, việc tăng đàn heo diễn ra ở các hộ chăn nuôi quy mô trang trại, hộ gia công. Đơn cử như hệ thống gia công cho Công ty TNHH CJ Vina Agri tại Khánh Hòa, số liệu vào tháng 5-2020 là 72 trại, hơn 77.000 con heo. Trước đó, tháng 4-2020, CJ Khánh Hòa chỉ có 53 trại, hơn 54.300 nghìn con.