Gần 10 năm qua, người dân thôn Thượng (xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) phải "gồng mình" sống trong cảnh bức bối, ngột ngạt bởi mùi hôi thối từ những trại chăn nuôi heo trên địa bàn. Không chỉ vậy, đất đai không thể canh tác được do ô nhiễm từ nước thải từ các cơ sở chăn nuôi này.
Gần 10 năm qua, người dân thôn Thượng (xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) phải “gồng mình” sống trong cảnh bức bối, ngột ngạt bởi mùi hôi thối từ những trại chăn nuôi heo trên địa bàn. Không chỉ vậy, đất đai không thể canh tác được do ô nhiễm từ nước thải từ các cơ sở chăn nuôi này.
Xả thải trực tiếp
Một ngày giữa tháng 6, chúng tôi tìm về thôn Thượng. Dù chưa nhìn thấy khu vực chăn nuôi chỗ nào, nhưng mùi hôi đặc trưng đã xộc vào mũi. Đưa chúng tôi đi men theo bờ ruộng, băng qua cánh đồng Hóc Nhỏ nằm giữa thôn Thượng và thôn Hạ, ông Ng., người dân thôn Thượng lắc đầu ngán ngẩm: “Mấy anh nhìn xem, nói là ruộng thôi chứ bây giờ ngập nước phân heo đen ngòm, mùi hôi thối chịu không nổi. Chỉ cần một cơn gió đông thổi về, mùi phân heo lại bay khắp vùng”. Theo ông Ng., 10 năm trở lại đây, khi những cơ sở chăn nuôi heo bắt đầu hoạt động, người dân ở đây bắt đầu phải “gồng mình” sống trong cảnh bức bối, ngột ngạt.
Đi hết cánh đồng Hóc Nhỏ, đến khu vực Hòn Nghê, đập vào mắt chúng tôi cảnh xả thải từ một khu vực chuồng trại. Theo ghi nhận, dù có khu vực xử lý chất thải, hầm biogas, tuy nhiên, cơ sở này vẫn có tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường, dòng nước thải đen ngòm men theo những mương nước nhỏ, đổ thẳng ra những cánh đồng.
Cách đó không xa, một trại chăn nuôi heo ở Cửa Truông thuộc thôn Hạ của xã, chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng xả thải tương tự. Những họng xả không lớn, nước thải chảy theo dòng, băng qua những rẫy keo của người dân rồi lại đổ ra vùng trũng. Nước thải đi đến đâu, cây cối ở đấy không phát triển được. Ngoài chịu cảnh hôi thối, những người nông dân quanh năm sống nhờ vào cây lúa cũng phải... bỏ ruộng.
Những cánh đồng hoang
Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mẫu (thôn Thượng) dường như vẫn còn ấm ức khi kể về vụ việc xảy ra cách đây vài năm. Bà kể: “Cách đây khoảng 3, 4 năm, tôi thuê 2ha ruộng ở Hóc Nhỏ để trồng lúa; lúa chưa kịp trổ bông thì đã chết vì nước thải phân heo ở đâu chảy về, tìm không ra nguyên nhân do trại nào xả thải, tôi đành phải bỏ vụ, trồng lại vụ khác. Một ngày ra thăm đồng, tôi lại thấy thửa ruộng của mình bị nước thải phân heo chảy vào, men theo thì phát hiện ra được trang trại của một người tên Trung. Sau khi báo cho thôn, xã kiểm tra, lập biên bản rồi nhiều lần đi lại, tôi mới được chủ trại đền bù thiệt hại 30 triệu đồng. Thuê ruộng 2 năm mong kiếm cái ăn qua ngày, gia đình tôi mất trắng 100 triệu đồng. Từ đó, tôi bỏ luôn ý định làm ruộng ở đây, vì hầu như quanh đây đều bị nhiễm nước có chất thải chuồng trại, trồng gì chết đấy!”.
Không chỉ bà Mẫu, hầu như nhắc đến vùng ruộng Hóc Nhỏ, ai cũng lắc đầu chịu thua, thế nên, khoảng 10ha ruộng ở đây bị người dân bỏ hoang vì không canh tác được, cỏ mọc um tùm, bây giờ chỉ còn những người đến chăn thả bò. Bà Phan Thị Ẩn Triều từng có 1ha đất trồng lúa và sen ở đây, nhưng rồi cũng phải bỏ không vì... cứ làm lại chết. Theo bà Triều, các trại heo không xả theo giờ cố định nên khó bắt quả tang. Hễ có mưa lớn, lưu lượng xả lại nhiều hơn, hòa vào nước mưa rồi chảy xuống ruộng. “Từ một trại nhỏ ban đầu, bây giờ khu vực này có đến 4 trại nuôi heo, cánh đồng Hóc Nhỏ từ đất trồng lúa giờ bỏ hoang hết, cuộc sống của chúng tôi càng chật vật hơn. Thế nhưng, bao nhiêu năm qua, dù nhiều lần kiến nghị, tình trạng này đâu vẫn hoàn đấy”, bà Triều bức xúc.
Sẽ kiểm tra, xử lý
Mang những bức xúc của người dân đến làm việc với lãnh đạo địa phương, chúng tôi được biết, khu vực nói trên có 4 trại chăn nuôi heo, hoạt động khoảng chục năm nay. Hiện tại 3 trong 4 trại đang hoạt động bình thường, 1 trại đang tạm ngừng hoạt động. Thời gian qua, do các cơ sở chăn nuôi này không tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan và có nhiều vi phạm như: Xây dựng trại vượt diện tích, thả nuôi vượt quy mô theo giấy phép, không có hoặc hệ thống thu gom, xử lý chất thải không đúng quy trình dẫn đến gây ô nhiễm môi trường… nên đã nhiều lần bị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Đặc biệt từ năm 2017, do quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, 2 trong số các cơ sở chăn nuôi heo ở khu vực này đã bị UBND huyện Diên Khánh đề nghị Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam ngừng cung cấp con giống và vật tư; đồng thời đề nghị UBND xã Diên Lâm xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, cũng trong khoảng thời gian đó, có cơ sở xả chất thải từ trại heo trực tiếp ra ruộng lúa, ruộng sen của dân làm chết cây trồng, bị lực lượng của xã bắt quả tang nên phải bồi thường hàng chục triệu đồng.
Theo ông Phạm Văn Tám - Chủ tịch UBND xã Diên Lâm, những năm qua, địa phương đã nhận được rất nhiều phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do các trại heo nói trên gây ra. Xã cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra điều kiện bảo đảm môi trường của các cơ sở này, nhắc nhở khắc phục, thậm chí xử phạt, nhưng do các trại heo có quy mô lớn lại hoạt động suốt thời gian dài nên những tác động xấu về môi trường rất khó tránh khỏi. “Hiện tại, xã đã được cấp trên phê duyệt quy hoạch khu chăn nuôi tập trung. Vì thế, những trường hợp nào đăng ký hoạt động chăn nuôi, chúng tôi sẽ hướng vào khu chăn nuôi tập trung này. Riêng đối với các cơ sở chăn nuôi hiện hữu nói trên, chúng tôi cũng sẽ vận động di dời vào khu chăn nuôi tập trung để giải quyết vấn đề môi trường trong khu vực”, ông Tám cho biết.
Ông Võ Thành Nhân - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Diên Khánh cũng cho biết, với đặc điểm địa hình khu vực các trại heo nói trên có độ dốc hướng xuống khu đồng ruộng nên khi trời mưa, nước thải sẽ dễ lan ra ảnh hưởng trên diện rộng. Vì thế, đơn vị sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra hệ thống thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi đối với các cơ sở này trước mùa mưa năm nay và sẽ có các biện pháp xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm nếu có.
THẾ ANH - VĨNH THÀNH