Dự án Quốc lộ 1 - Đầm Môn ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Tuy đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2017, nhưng sau 3 năm, công tác đền bù giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều bất cập, gần 30 hộ vẫn làm đơn khiếu nại gửi khắp nơi.
Dự án Quốc lộ 1 - Đầm Môn ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Tuy đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2017, nhưng sau 3 năm, công tác đền bù giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều bất cập, gần 30 hộ vẫn làm đơn khiếu nại gửi khắp nơi.
Kỳ 1: Lùm xùm giải tỏa
Đường qua vùng dừa Tuần Lễ bây giờ trở nên bí bách. Các vạt dừa xanh tươi hiện nay được đốn hạ để nhường đất cho đường Đầm Môn. Dọc 2 bên dự án mịt mù bụi đất, xuất hiện hàng loạt băng rôn “nhà, đất đang khiếu nại” như một lời khẩn cầu gửi đến cơ quan chức năng.
Bám trụ giữ đất
Hiện nay, cả tuyến đường rộng lớn, cốt nền thẳng tắp nhưng đang phải thi công theo kiểu cóc nhảy, đoạn làm, đoạn bỏ. Suốt chiều dài vài cây số, đường Đầm Môn bị bóp nghẹt bởi hàng chục “lát cắt” chắn ngang vì các hộ chưa giải tỏa được. Hiện còn gần 30 hộ có đất bị thu hồi nhưng nhất quyết không nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng. Họ cho rằng việc đền bù, bồi thường của dự án còn nhiều bất cập.
Ghé vào một gia đình đang “cố thủ” giữ đất, một người đàn ông khoảng hơn 70 tuổi chạy ra hỏi với giọng đầy nghi hoặc: “Các chú là người của dự án à, hay là người của chính quyền?”. Không đợi người đối diện kịp trả lời, ông lại tiếp tục hỏi dồn: “Mấy chú xuống giúp dân hay lại vận động chúng tôi bàn giao nhà đất?”. Sau một hồi nói chuyện, ông tự giới thiệu tên là Phạm Ẩn, gia đình đã nhiều đời ở trên mảnh đất này. Ngày xưa, để mở đường Đầm Môn cũ, gia đình ông đã hiến cả héc-ta đất. Giờ dự án đường Đầm Môn mới, gia đình ông bị giải tỏa trắng toàn bộ căn nhà cấp 4 và mấy trăm mét đất. “Bị giải tỏa như vậy mà các chính sách đền bù, bồi thường không thỏa đáng. Tôi đã nhiều lần khiếu nại nhưng chính quyền giải quyết không đến đâu. Đã vậy, việc đền bù cũng có nhiều khuất tất, không công bằng. Giải tỏa cả căn nhà với 2 hộ đang sinh sống, nhưng không bố trí tái định cư thì chúng tôi ở đâu? Dứt khoát cha con tôi sẽ bám trụ đến cùng trên phần đất này. Khi nào giải quyết thỏa đáng thì chúng tôi mới giao đất, giao nhà”, ông Ẩn nói.
Được biết, ngoài gia đình ông Ẩn còn mấy chục hộ khác cũng chưa chịu bàn giao mặt bằng. Trong đó, có 28 hộ chưa nhận tiền bồi thường, đang làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan từ địa phương đến Trung ương. Thậm chí có vài chục gia đình đã nhận tiền, nhưng xét thấy chưa thỏa đáng, còn nhiều khuất tất nên tiếp tục ở lại giữ đất.
Bất bình về giá
Gặp các hộ chưa chịu bàn giao đất, tất cả đều khẳng định, giá đền bù đất quá thấp, các cơ quan chức năng thực hiện đền bù không đúng. Đất được thu hồi từ trước năm 2018 nhưng đến năm 2020 mới thực hiện đền bù, đã vậy lại tính giá đất năm 2017 là điều vô lý. Cụ thể, đất thổ cư được đền bù 306.000 đồng/m2; đất trồng cây hàng năm 194.000 đồng/m2; đất nuôi trồng thủy sản 25.200 đồng/m2. Đơn giá này thấp hơn hàng chục lần so với giá thực tế trên thị trường. Bà Nguyễn Thị Kim Anh (người có đất bị thu hồi) bức xúc: “Đất ở ngay Khu Kinh tế Vân Phong mà đền bù có 306.000 đồng/m2 thì quá thấp. Đất ở đây vào giai đoạn có quyết định bồi thường toàn mười mấy, hai mươi triệu đồng 1m2. Cho dù không bằng giá thị trường thì ít nhất cũng bằng phân nửa, nếu so sánh với giá thực tế thì người dân đang bị thiệt đến mấy chục lần”. Bà Kim Anh còn cho biết, cách tính giá đền bù cũng rất vô lý. Các hộ phía đồi dương có sổ đỏ hẳn hoi nhưng chỉ được đền bù 306.000/m2, trong khi những hộ lấn chiếm đất rừng bần lại được đền bù 728.000 đồng/m2. “Bồi thường thiếu công bằng như vậy thì làm sao người dân chấp nhận. Cho dù đất của họ bây giờ có là đất gì thì nguồn gốc cũng là đất lấn chiếm rừng bần, không thể cao hơn đất ở mà chúng tôi đã bỏ công sức làm thuê bao nhiêu năm để mua được”, bà Kim Anh nói.
Ông Nguyễn Sơn, 45 tuổi, ở thôn Tuần Lễ, cũng cho biết: “Tôi bị thu hồi 903,5m2 đất, trong đó có một ngôi nhà kiên cố trên 100m2 nhưng chỉ được bồi thường 764 triệu đồng và không hỗ trợ tái định cư. Với số tiền này, gia đình tôi không thể mua được một lô đất khoảng 100m2 cùng vị trí chứ nói gì làm nhà ở. Đây là sự bất cập, nói đúng hơn là sự bất công trong công tác giải tỏa, đền bù. Chính quyền lấy giá đền bù từ năm 2016, 2017 để áp cho giá đền bù năm 2020 thì thiệt hại đều thuộc về người dân. Chưa kể chính quyền áp giá dự án, chứ không theo quy định áp giá đất bồi thường chung của tỉnh là trái quy định của pháp luật”. Không chấp nhận điều này, gia đình đã khiếu nại nhiều lần, nhưng UBND huyện lại cho rằng đây là chủ trương chung, huyện đã áp dụng đúng các quy định.
Mong được giải quyết công bằng
Đã gần nửa năm nay, hầu hết các hộ có đất bị thu hồi ở thôn Tuần Lễ đều bỏ hết công việc làm ăn để lo chuyện đất cát. Gia đình còn đất thì lo xây sửa, gia đình bị giải tỏa trắng nhưng không được tái định cư thì đem đơn khiếu nại gõ cửa khắp nơi đòi quyền lợi. Họ cảm thấy bị thu hồi và giải tỏa toàn bộ nhà đang ở nhưng không được bố trí tái định cư là điều vô lý. Ông Bùi Trọng Thừa (85 tuổi, thôn Tuần Lễ) cho hay: “Nhà tôi có 9 nhân khẩu, các con và cháu đều ở chung một căn nhà cấp bốn đang nằm trong diện thu hồi để giao cho dự án. Tôi bị thu hồi cả đất và nhà với diện tích 361,1m2 nhưng chỉ được bồi thường 425 triệu đồng, không được tái định cư. Với số tiền này làm sao chúng tôi mua đất xây nhà ở. Dự án làm đường ngoài đảm bảo phát triển kinh tế địa phương, thì cũng phải đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn trước theo tinh thần của Chính phủ đề ra. Làm đường, dân bị mất nhà, mất đất mà không được tái định cư thì rất thiệt thòi”.
Không những vậy, các hộ còn bất bình về việc nhiều gia đình cũng bị thu hồi tương tự nhưng lại được tái định cư. Ông Phạm Ẩn bức xúc: “Tôi bị giải tỏa toàn bộ nhà đang ở thì không được tái định cư, trong khi nhà bà Huỳnh Thị Thanh ngày xưa lấn chiếm đất mương nước làm nhà bây giờ bị thu hồi lại được tái định cư. Hay như hộ ông Tu Ngọc Chung, không hiểu sao lại được cấp 2 lô tái định cư?!”. Các hộ cho rằng, dù những khiếu nại của họ đã được UBND huyện trả lời, việc bị thu hồi toàn bộ nhà ở nhưng không được tái định cư là do phần đất còn lại của các hộ là trên 40m2 nên không thuộc diện tái định cư. Nếu xét về luật thì đúng nhưng xét về tình, về thực tế lại không hợp lý. Nhiều gia đình dù đất vẫn đứng tên cha mẹ nhưng thực tế đã chia hết cho con cái làm nhà riêng. Hiện nay bị thu hồi phần nhà đang ở coi như hết đất, chẳng lẽ lại yêu cầu con cái phải trả lại đất.
Ngoài ra, người dân còn thắc mắc khi thu hồi đất, xã Vạn Thọ không niêm yết công khai, minh bạch bảng giá bồi thường của các hộ, gây hoang mang và thiệt thòi cho người dân. “Người dân chỉ được UBND xã mời đến làm việc và nói rằng chúng tôi bị thu hồi số diện tích này và bồi thường bao nhiêu tiền, rồi yêu cầu ký vào biên bản chứ không giải thích rõ. Khi chúng tôi yêu cầu được tái định cư thì chính quyền từ chối mà không rõ lý do”, ông Nguyễn Văn Minh, một người dân cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thành Hòa - Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ khẳng định: “Những khiếu nại, thắc mắc của người dân là do họ chưa hiểu hết quy định của pháp luật. Chúng tôi đã làm đúng các quy định. Các trường hợp tái định cư cũng rất công bằng. Sắp tới, UBND huyện sẽ có kết luận thanh tra về việc này”.
Nhật Minh - Thành Nam
Tiến độ chậm do vướng mặt bằng
Ông Hoàng Đình Phi - Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong: Công tác giải phóng mặt bằng của huyện Vạn Ninh quá chậm, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án. Theo kế hoạch, cuối năm nay dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác, nhưng hiện nay tiến độ đang bị chậm. Nếu việc giải phóng mặt bằng không được giải quyết rốt ráo, tôi e rằng khó đạt được tiến độ đề ra. Hiện nay, nhà thầu đang phải thi công theo dạng da beo, da báo, chỗ nào giải tỏa được thì mới thi công, không thể thi công thông suốt toàn dự án. Ban đã có nhiều văn bản đề nghị địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà thầu.
______________________________________________
Dự án Quốc lộ 1 - Đầm Môn có chiều dài 14km, nền đường rộng 34m từ Quốc lộ 1 đi Đầm Môn được triển khai từ tháng 10-2016, có 575 thửa đất với 460 hộ bị ảnh hưởng; số hộ bị giải tỏa chủ yếu nằm trên địa bàn xã Vạn Thọ. Dự án do Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 998 tỷ đồng. Việc giải tỏa mặt bằng và bồi thường do UBND huyện Vạn Ninh thực hiện.