Nhờ sự chuyển biến về ý thức của người dân, những cánh rừng ngập mặn ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang được hồi sinh, màu xanh đã được phủ rộng. "Bức tường xanh" này không những bảo vệ môi trường mà còn giúp người dân địa phương cải thiện cuộc sống.
Nhờ sự chuyển biến về ý thức của người dân, những cánh rừng ngập mặn ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang được hồi sinh, màu xanh đã được phủ rộng. “Bức tường xanh” này không những bảo vệ môi trường mà còn giúp người dân địa phương cải thiện cuộc sống.
Sinh kế bền vững
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Hoàng ở thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích vào ngày đầu tháng 4. Những ngày đầu mùa hè, ngôi nhà của gia đình ông đầy gió mát do ở sát những cánh rừng ngập mặn. Khu rừng được quy hoạch rất bài bản, những cây đước được trồng từng hàng thẳng tắp, ở giữa là những con lạch nhỏ để thuận tiện cho việc đánh bắt thủy sản.
Chở chúng tôi đi tham quan khu rừng ngập mặn bằng xuồng, ông Hoàng kể, gia đình ông có 4,5ha đất đìa, trong đó 1,5 ha diện tích để nuôi cá bớp theo kiểu công nghiệp, phần còn lại giáp mép biển trồng rừng ngập mặn và nuôi thủy sản theo kiểu quảng canh. Những năm 2000, chạy theo phong trào, gia đình ông phá hết rừng ngập mặn để nuôi tôm thẻ chân trắng theo kiểu công nghiệp, nhưng kết quả là thất bại, thua lỗ hơn 100 triệu đồng. Sau đó, gia đình ông phục hồi lại rừng ngập mặn, thả tôm, cua và cá dìa nuôi theo kiểu quảng canh và giữ đến bây giờ. “Nuôi kiểu quảng canh ở rừng ngập mặn tuy thu nhập không cao bằng nuôi công nghiệp nhưng rất bền vững; tỷ lệ giống thả nuôi chết rất thấp, có thể kết hợp nuôi nhiều loại cùng nhau, ít tốn chi phí đầu tư, công lao động. Sau khi trừ chi phí, nguồn lãi thu được từ nuôi quảng canh ở khu rừng ngập mặn từ 50 đến 60 triệu đồng/ha/năm, đủ cho gia đình trang trải các chi phí”, ông Hoàng khoe.
Giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa, nhưng dọc bờ đìa rộng 1,5ha của gia đình ông Nguyễn Minh Trực - thôn Lệ Cam, xã Ninh Lộc đầy bóng mát của những cây đước. Dưới những tán cây, con rể ông Trực đang dọn vệ sinh mặt đìa, thả thức ăn cho tôm, cua, cá nuôi bên dưới. Ông Trực cho hay, trước năm 2005, gia đình ông chặt bỏ hết cây đước để nuôi tôm thẻ chân trắng theo kiểu công nghiệp, chưa thu hồi vốn thì trắng tay vì tôm chết hàng loạt. Cạn vốn, ông quyết định phục hồi lại rừng đước và chuyển sang nuôi tôm quảng canh. “Lợi ích của việc trồng đước giúp gia đình tôi giữ được đất, không bị xói mòn, có thể khai thác bán khi cây lớn. Nguồn thu nhập từ nuôi quảng canh tuy không cao nhưng ổn định, không phải nơm nớp lo lắng mất ăn, mất ngủ như nuôi kiểu công nghiệp”, ông Trực nói.
Tương tự, thấy được lợi ích của rừng ngập mặn, gia đình ông Minh Hiệp, xã Ninh Ích cũng đã mở rộng diện tích trồng rừng kết hợp nuôi tôm, cá theo hướng quảng canh từ 1,5ha lên 4,5ha tại thôn Ngọc Diêm và Hòn Cò.
Diện tích ngày càng tăng
Theo nhiều người dân ở xã Ninh Ích, trước năm 1975, khu vực bãi triều của xã nằm ở vùng đầm Nha Phu có diện tích rừng ngập mặn nguyên sinh lên đến hàng trăm héc-ta. Tuy nhiên, từ khi phong trào nuôi tôm công nghiệp phát triển rầm rộ, không ít người dân nơi đây đã đưa các loại máy móc tàn phá khu rừng và nơi này trở thành vùng nuôi trồng thủy sản.
Vài năm đầu, con tôm trúng mùa, được giá, thu nhập khá cao. Thế nhưng, sau một thời gian, nguồn nước bắt đầu bị ô nhiễm, thả nuôi con gì cũng chết. Các hộ dân đều lao đao, thua lỗ, nợ nần chồng chất, phải xin ngân hàng khoanh, giãn nợ…. Không chỉ ảnh hưởng đến người nuôi mà việc rừng ngập mặn bị mất, khiến nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên cũng giảm sút trầm trọng. Từ thực tế đó, chính quyền địa phương, người dân mới thấy được tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn nên bắt đầu tái tạo lại rừng đước.
Năm 2006, một tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản hỗ trợ xã Ninh Ích trồng mới 2ha rừng ngập mặn. Từ đó, mỗi năm, xã có kế hoạch phát triển thêm 5ha. Đến nay, trên địa bàn xã đã trồng được gần 50ha rừng ngập mặn, nhiều cây có đường kính 35cm, chiều cao từ 10 đến 15m. Nhờ có vành đai của rừng ngập mặn, vùng đất nuôi thủy sản của Ninh Ích với khoảng 320ha đã được bảo vệ, tránh được tình trạng xói mòn như trước kia, vừa phát triển môi trường sinh vật biển. Ông Trương Quốc Tường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Ích cho biết: “Tuy rừng ngập mặn chưa được như ban đầu, nhưng hiện nay, ý thức bảo vệ và khôi phục rừng trong người dân rất cao. Vì vậy, hy vọng trong tương lai, diện tích rừng ngập mặn ở xã sẽ tiếp tục tăng”.
Tại thôn Lệ Cam, xã Ninh Lộc, những năm qua, việc trồng rừng ngập mặn ven các đìa tôm, ven biển cũng được người dân chú trọng, diện tích ngày càng tăng. Ông Phan Minh Thông - Trưởng thôn Lệ Cam cho biết, ngoài diện tích người dân tự trồng để giữ bờ cho các đìa nuôi trồng thủy sản của mình, năm 2015, xã phát động phong trào trồng rừng ngập mặn với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể địa phương. Theo đó, xã đã trồng được 20.000 cây với diện tích khoảng 5ha tại khu vực Hòn Dung thuộc 3 thôn gồm: Lệ Cam, Tam Ích, Tân Thủy. Hiện nay, cây phát triển khá tốt, có những cây chiều cao khoảng 10m.
Ngoài việc khuyến khích người dân trồng, hàng năm thị xã Ninh Hòa chỉ đạo các xã ven biển rà soát lại quy hoạch phát triển thủy sản, điều chỉnh theo hướng ưu tiên bảo tồn rừng ngập mặn hiện có; đồng thời, tiếp tục trồng phục hồi số diện tích năm 2017 bị đổ, gãy do ảnh hưởng của mưa, bão. Trong định hướng nuôi trồng thủy sản ven biển, thị xã chỉ đạo các địa phương dành quỹ đất để trồng các dải rừng ngập mặn làm vành đai xanh bảo vệ bờ biển và các đìa nuôi nhằm giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Theo đánh giá của UBND thị xã Ninh Hòa, việc khôi phục, trồng mới rừng ngập mặn những năm gần đây có tín hiệu đáng mừng, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, các địa phương và hộ dân ven biển. Tính đến nay, trên địa bàn thị xã đã trồng được khoảng 70ha rừng ngập mặn, tập trung tại các xã, phường: Ninh Ích, Ninh Hà, Ninh Lộc; trong đó, Ninh Ích chiếm 2/3 diện tích của toàn thị xã.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, một trong những yếu tố giúp rừng ngập mặn trên địa bàn thị xã hồi sinh là nhờ sự chuyển biến về ý thức của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp. Cùng với đó là sự chung tay bảo vệ, hỗ trợ của một số tổ chức, cá nhân có liên quan trong và ngoài nước.
Việc rừng đước được phục hồi không những giúp người nuôi trồng thủy sản có thu nhập ổn định, người dân không có đìa nuôi có thêm thu nhập từ việc bắt ốc, cua để bán…. Quan trọng hơn, nó còn góp phần bảo vệ, khôi phục lại môi trường sống của các loài thủy sản nơi đây.
LY VÂN