12:04, 04/04/2020

Âm thầm giữa mùa dịch

Trong những ngày đại dịch Covid-19 hoành hành, những công nhân vệ sinh môi trường vẫn âm thầm đối mặt với nguy cơ dịch bệnh để giữ cho phố phường sạch đẹp. Tâm nguyện của họ, đơn giản là được góp phần công sức của mình để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
 

Trong những ngày đại dịch Covid-19 hoành hành, những công nhân vệ sinh môi trường vẫn âm thầm đối mặt với nguy cơ dịch bệnh để giữ cho phố phường sạch đẹp. Tâm nguyện của họ, đơn giản là được góp phần công sức của mình để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

 

Công nhân đang làm việc tại bãi chôn lấp rác Lương Hòa.
Công nhân đang làm việc tại bãi chôn lấp rác Lương Hòa.
 
 
Vượt qua nỗi lo
 
 
Khoảng 15 giờ, chúng tôi theo chân bà Vương Thị Ngọc Hà - công nhân Đội Môi trường 1 đẩy xe đi thu gom rác ở các con hẻm xung quanh đường Đoàn Trần Nghiệp (TP. Nha Trang). Giữa ánh nắng chiều gay gắt, mùi hôi nồng bốc lên từ xe rác như càng trở nên khó chịu hơn. Dọc đường đi, có gia đình đưa rác ra đúng giờ, nhưng cũng có không ít nhà để rác ra từ sớm nên bị các loại động vật đến cào xé, xới tung mất vệ sinh. Len lỏi trong từng ngõ ngách, cứ khoảng 1 giờ, bà Hà lại thu gom xong một xe rác đầy để đẩy ra khu vực tập kết cho xe ô tô chuyên dụng tới chở đi. Khi việc thu gom rác ở khu vực được phân công vừa xong, cũng là lúc thành phố lên đèn. Ngồi nghỉ một lúc, bà Hà lại xuống đường 2-4 để quét dọn, vệ sinh. Vừa đẩy xe, vừa quét, vừa hốt rác trên một đoạn đường dài, đồng hành với bà là chiếc chổi và hai miếng ván dùng để hốt rác. Thỉnh thoảng, bà bắt gặp những chiếc khẩu trang, găng tay y tế được vứt trên đường, bà cẩn thận dùng dụng cụ gắp bỏ vào xe rác. Phải đến 22 giờ, công việc của bà Hà mới hoàn thành. “Tôi làm công việc này mới hơn 1 năm, nhưng cũng đã hiểu hết những vất vả của nghề. Giữa những ngày dịch bệnh, lúc đầu tôi cũng cảm thấy có chút ái ngại. Sau khi được lãnh đạo đội phổ biến các quy định, cách phòng tránh nên cũng đã yên tâm hơn”, bà Hà chia sẻ. 
 
 
Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác ở khu vực tổ dân phố Ngọc Thảo.
Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác ở khu vực tổ dân phố Ngọc Thảo.
 
 
Cùng chung đội với bà Hà, nhưng ông Võ Đức Bình có hơn 25 năm trong nghề thu gom rác nên mọi vui buồn với nghề ông đã trải qua. Vẫn biết công việc mình làm vất vả, độc hại và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao, nhưng đã là công việc nên khó có thể dứt ra được. “Bình thường, nghề của chúng tôi đã đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh tật. Trong mùa dịch Covid-19 thì nguy cơ này càng lớn hơn. Nói không lo thì không đúng, nhưng nếu lo mà không đi làm thì rác thải ùn ứ lại càng nguy hiểm hơn. Nhất là khi ý thức của nhiều người dân vẫn chưa được tốt. Nhiều người còn tùy tiện vứt khẩu trang, khạc nhổ xuống đường. Chúng tôi đành nhắc nhở nhau tuân thủ nghiêm túc các quy định để tự bảo vệ mình”, ông Bình chia sẻ. 
 
 
Đội Môi trường 1 của Xí nghiệp Môi trường (thuộc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang) phụ trách việc thu gom rác thải sinh hoạt ở 8 phường, 2 xã và 2 thôn. Trung bình mỗi ngày, công nhân của đội thu gom khoảng 158 tấn rác các loại. Công việc nặng nhọc, địa bàn rộng, nhưng chỉ có 152 công nhân đảm nhận công việc. Trong đó, có nhiều khu dân cư địa hình khó khăn như: tổ dân phố Ngọc Thảo (phường Ngọc Hiệp), khu vực xung quanh Trường Đại học Nha Trang (phường Vĩnh Phước), các xã Vĩnh Lương, Vĩnh Phương. “Khu dân cư của chúng tôi ở đường hẻm đi lại khó khăn, ý thức của người dân chưa cao. Nhưng ngày nào, công nhân môi trường đô thị cũng đến từng nhà để thu gom rác. Chưa có ngày nào chúng tôi phải chịu cảnh rác thải bị ùn ứ. Trong mùa dịch bệnh như thế này, nhưng tinh thần làm việc của công nhân vẫn tích cực”, bà Phan Thị Hòa - tổ 14 Ngọc Thảo cho biết. Theo ông Ngô Văn Đừng - Đội trưởng Đội Môi trường 1, tinh thần chung của anh em công nhân không ngại khó khăn, vất vả. Chỉ mong người dân ý thức hơn trong việc bỏ rác đúng nơi, đúng giờ quy định. Trong những ngày dịch bệnh, chính việc làm đó giúp cho công nhân bớt được những mối nguy và nỗi lo trong công việc. 
 
 
Chủ động phòng tránh
 
 
Có mặt tại bãi chôn lấp rác Lương Hòa (xã Vĩnh Lương) lúc 8 giờ sáng, nhưng chúng tôi đã thấy các công nhân nơi đây thực hiện các công đoạn xử lý rác từ những xe ô tô chở rác về đây. Nắng nồng oi bức, cùng mùi hôi thối bốc lên khiến chúng tôi không thể đứng được lâu hơn. Nhưng những công nhân nơi đây vẫn ở giữa bãi rác để cào xới, tưới nước, phun thuốc khử mùi, đầm nén rác… Chỉ với bộ đồ bảo hộ gồm: quần áo, khẩu trang, găng tay, ủng, mũ và dụng cụ lao động, các công nhân phơi mình giữa nắng để hoàn thành công việc. Ông Nguyễn Thành Liêm - công nhân Đội Quản lý vận hành bãi chôn lấp rác Lương Hòa đã làm việc ở đây hơn 3 năm. Trước tình hình dịch bệnh, ông và những công nhân ở đây chấp hành tốt quy định về bảo hộ lao động của công ty và hạn chế tập trung đông người sau giờ làm. “Để phòng tránh dịch bệnh, tôi đeo hai lớp khẩu trang, đeo găng tay cao su, về nhà tôi thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn”, ông Liêm cho biết. Còn theo ông Nguyễn Ba - Đội trưởng Đội Quản lý vận hành bãi chôn lấp rác Lương Hòa, mỗi ngày nơi đây xử lý chôn lấp khoảng 500 đến 600 tấn rác. Các công đoạn xử lý rác đều bằng máy móc, nhưng vẫn phải có công nhân trực tiếp điều hành. Làm việc trong môi trường độc hại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc dịch bệnh nên mỗi công nhân đều chủ động tự bảo vệ mình bằng các biện pháp bảo hộ lao động. 
 

 

Bà Vương Thị Ngọc Hà đi thu gom rác ở khu vực các con hẻm xung quanh đường Đoàn Trần Nghiệp.
Bà Vương Thị Ngọc Hà đi thu gom rác ở khu vực các con hẻm xung quanh đường Đoàn Trần Nghiệp.
 
Cũng tương tự như công nhân ở bãi xử lý rác, các công nhân trực tiếp đi thu gom rác cũng được trang bị bảo hộ lao động cần thiết. Trong những ngày dịch bệnh, mỗi công nhân đều chấp hành nghiêm túc việc đeo khẩu trang, găng tay, thường xuyên vệ sinh cá nhân. Trước hoặc sau giờ làm việc không tập trung ăn uống như trước. Để đảm bảo việc chấp hành nội quy của công ty, việc theo dõi kiểm tra được thực hiện thường xuyên. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định. “Ngay từ những ngày đầu mới bùng phát dịch bệnh, chúng tôi đã xác định đội ngũ công nhân là những người có nhiều nguy cơ bị lây nhiễm. Chính vì thế, chúng tôi quán triệt đến từng đội, từng công nhân phải chấp hành nghiêm quy định để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng”, ông Trần Văn Hương - Giám đốc Xí nghiệp Môi trường cho biết. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang đã yêu cầu toàn bộ lãnh đạo, công nhân Xí nghiệp Môi trường phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, trang bị bảo hộ lao động trong lúc làm việc và nơi công cộng; hạn chế tối đa việc tổ chức hội họp, tập trung đông người; hạn chế di chuyển đến các địa phương khác và phải chủ động khai báo tình hình sức khỏe của bản thân. 
 
 
Những công nhân vệ sinh môi trường đứng làm việc ngay trên bãi rác.
Những công nhân vệ sinh môi trường đứng làm việc ngay trên bãi rác.
 
 
Ngày tiếp ngày, khoảng 500 công nhân vệ sinh môi trường lại tỏa ra trên mọi ngả đường, con hẻm của phố biển Nha Trang. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, công việc của họ càng trở nên nặng nề hơn. Nhưng họ luôn tâm niệm công việc của mình là làm cho thành phố sạch hơn, đẹp hơn và mong muốn của họ cũng thật đơn giản, đó là người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.
 
 
Giang Đình - Vĩnh Thành
 
 
 

 
Trong mấy tháng qua, công nhân vệ sinh của Xí nghiệp Môi trường đều đến thu gom rác sinh hoạt hàng ngày tại khu cách ly tập trung ở Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh (phường Vĩnh Hải) và khu cách ly tập trung ở Thao trường huấn luyện thuộc Ban Chỉ huy Quân sự TP. Nha Trang (xã Vĩnh Phương). Mặc dù lượng rác ở những khu cách ly tập trung này không nhiều (khoảng 20kg/ngày), nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm nếu không được thu gom, xử lý kỹ lưỡng, đúng quy trình. Để không xảy ra những tình huống đáng tiếc, rác sinh hoạt ở đây được bỏ vào từng bịch ni-lông và buộc kỹ, sau đó được phun thuốc tiêu độc khử trùng rồi mới đưa thẳng lên xe rác vào giờ cố định. Xe rác tiếp nhận lượng rác này liền chở đến bãi xử lý rác để thực hiện việc chôn lấp.