04:02, 29/02/2020

Thiêng liêng biên đảo Trường Sa

Đã 8 năm tôi lại mới có dịp trở lại Trường Sa, đứng trên boong tàu đưa mắt nhìn tứ bề mênh mông sóng nước, những cảm xúc tự hào, hồi hộp lại ùa về. Khi nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay giữa bạt ngàn bàng vuông, cảm giác nghèn nghẹn nơi lồng ngực dâng lên khó tả.

Kỳ 1: Hiên ngang nơi đầu sóng


Đã 8 năm tôi lại mới có dịp trở lại Trường Sa, đứng trên boong tàu đưa mắt nhìn tứ bề mênh mông sóng nước, những cảm xúc tự hào, hồi hộp lại ùa về. Khi nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay giữa bạt ngàn bàng vuông, cảm giác nghèn nghẹn nơi lồng ngực dâng lên khó tả.


Bia chủ quyền ở Song Tử Tây


Trong ánh nắng hanh vàng, đảo Song Tử Tây như một khu rừng thu nhỏ hiên ngang giữa đại dương. Đặt chân lên đảo, ngắm những con đường bê tông thẳng tắp, những mái ngói đỏ tươi, nhìn trẻ em tung tăng đến trường mới thấy thấm thía công sức, xương máu của bao lớp người đã hòa mình vào sóng nước. Tinh thần thép của cha ông đã chế ngự những con sóng bạc đầu dập dồn, bất tận. Ở nơi mà bão giông luôn thường trực ghé qua, mầm sống vẫn tuôn trào mãnh liệt.

 

Canh gác cột mốc chủ quyền.

Canh gác cột mốc chủ quyền.


Dẫn tôi dạo một vòng quanh đảo, Thượng tá Đậu Đình Dân - Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây dừng lại ở tấm bia chủ quyền đã nhuốm màu thời gian. Dưới những tán bàng vuông và phong ba cổ thụ xòe bóng, trong khuôn viên hơn 15m2, bia chủ quyền được bảo vệ cẩn thận bằng hàng rào gạch. Trên mặt bia khắc lõm dòng chữ: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22-8-1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”. Chỉ tay vào những ký tự đã rêu phong, Thượng tá Đậu Đình Dân tự hào nói: “Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia. Việc xếp hạng bia chủ quyền trên quần đảo Trường Sa thể hiện thái độ trân trọng và tinh thần quyết tâm đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, của dân tộc ta. Bia chủ quyền di tích quốc gia đã, đang và sẽ được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) gìn giữ, bảo quản”.


Những ngày lưu lại Song Tử Tây, được sống cùng quân và dân trên đảo, tôi càng thấm thía sự thay đổi trên quần đảo Trường Sa hôm nay. Đời sống của quân và dân trên đảo được cải thiện hơn trước rất nhiều. Hệ thống năng lượng sạch (điện gió, năng lượng mặt trời) đã cung cấp đủ điện cho toàn đảo sử dụng. Việc tăng gia sản xuất cũng ngày càng hiệu quả với mô hình trồng rau sạch, nuôi bò, heo, gà, vịt… Nhìn âu tàu rộng lớn, tạo điểm tựa cho ngư dân mỗi khi biển động, càng khiến chúng tôi cảm thấy trân quý hơn những tấc đất mà cha ông gìn giữ.


Nếu như năm 1975, đây là đảo được giải phóng đầu tiên thì ngày nay, Song Tử Tây là một trong những xã đảo đi đầu trong phong trào xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. “Dù trong hoàn cảnh nào, người lính hải quân Việt Nam nói riêng và toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung đều có ý thức rất lớn trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chúng tôi tin tưởng rằng, lớp lớp thế hệ CB-CS hải quân sẽ luôn vững vàng tay súng, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”, Thượng tá Đậu Đình Dân tâm sự.


Nam Yết anh hùng


May mắn cho tôi, trong hải trình quay lại Trường Sa lần này, lần đầu tiên được đặt chân lên đảo Nam Yết anh hùng. Đã nghe kể nhiều về “đảo dừa” Nam Yết, song tôi thật sự ngạc nhiên trước sức sống mãnh liệt ở nơi đây. Mặc dù trên đảo chủ yếu là san hô, cát và mùn cây lâu năm (không có nước ngọt), nhưng Nam Yết lại có rất nhiều cây cối xanh tươi, trong đó có những cây mù u hàng trăm năm tuổi và cây bàng 8 nhánh như một kỳ quan. Tại đây còn trồng được cả đu đủ, dừa, xoài, nhàu…

 

Cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết tuần tra trên biển.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết tuần tra trên biển.


Là một trong những đảo lớn trong quần đảo Trường Sa, giống như Song Tử Tây, Nam Yết có vị trí địa chính trị quan trọng, bao quát một ngư trường sôi động. Cách đây đúng 45 năm, sau khi hoàn thành giải phóng đảo Song Tử Tây và đảo Sơn Ca, ngày 27-4-1975, quân ta đã hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió Trường Sa. Kể từ đó đến nay, lớp lớp CB-CS của đảo luôn phát huy truyền thống Lữ đoàn Trường Sa anh hùng, sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, khắc phục khó khăn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Trung tá Đào Văn Kha - Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết tự hào cho biết, đảo Nam Yết vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới vào năm 2004. Chính vì thế, mỗi CB-CS được công tác tại hòn đảo anh hùng đều ý thức rất rõ về trách nhiệm mà Tổ quốc và đồng bào giao phó. Trên đảo, có những đồng chí đã gắn cả tuổi thanh xuân của mình cho Trường Sa. Phát huy truyền thống vẻ vang của Đoàn Trường Sa anh hùng (Lữ đoàn 146), CB-CS đảo Nam Yết tiếp tục xây dựng đảo Nam Yết vững mạnh về mọi mặt; xác định đúng đối tượng, đối tác, nhất là đối tượng tác chiến trên vùng biển được đảm nhiệm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và chủ động đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của đối phương, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.


Mặt trời đứng bóng, trên trận địa các chiến sĩ của đảo Nam Yết vẫn hăng say luyện tập. Nhìn những chàng trai mới độ tuổi 20 dù mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn nở nụ cười lạc quan, chúng ta có quyền tin tưởng vào thế hệ trẻ của đảo. Họ sẽ dần thay thế cha, anh gánh vác nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.


Kiên cường đảo chìm


Ở Trường Sa, nếu các đảo nổi đã khó khăn thì đảo chìm sự gian khó còn gấp bội. Ai đã từng đi qua các đảo chìm mới cảm nhận đầy đủ sự kiên cường của những người lính công tác trên đảo. Giữa mênh mông sóng nước, các đảo chìm Đá Nam, Đá Thị… như ngọn hải đăng giữa Trường Sa. Do diện tích rất hẹp nên các đảo chìm đều có kiến trúc giống nhau. Từ cầu cảng, nơi cập xuồng và ca nô, đường thẳng dẫn vào là cột mốc chủ quyền, tiếp đến là khu nhà bếp, phòng ở, hội trường...; phía trên nóc của tòa nhà kiên cố là lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh trước sóng gió...

 

Đảo Đá Nam.

Đảo Đá Nam.


Đại úy Nguyễn Quang Khắc - Chính trị viên đảo Đá Thị tâm sự: “Được sinh sống, làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên đảo chìm là quãng thời gian đáng nhớ nhất của lính hải quân. Những ngày đầu, lính đảo thiếu hơi ấm từ đất liền, những cánh thư phải chờ đợi đến 6 tháng mới đến được tay CB-CS cũng như người thân. Tuy vậy, anh em thường xuyên chia sẻ, dành cho nhau những tình cảm yêu thương, gắn bó nhất, để đảo thực sự là nhà”.


Trong thời gian thăm các đảo Đá Nam, Đá Thị… tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh biển động do áp thấp. Những con sóng lớn đập liên tục, dồn dập vào đảo nhỏ như muốn nhấn chìm các trụ bê tông. Khu nhà xây dựng kiên cố là vậy nhưng sau mỗi đợt sóng cửa sổ vẫn rung lên bần bật. Tuy nhiên, dường như sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã trở thành điều bình thường đối với người lính đảo. Khi có sóng to, gió lớn, không ai bảo ai, người che phủ diện tích rau xanh, người huy động chiến sĩ buộc dây giữ cửa, người thì không quên chuẩn bị dụng cụ hứng nước mưa. Thiếu tá Lê Văn Dương - Chỉ huy trưởng đảo Đá Nam nói vui: “Chiến sĩ đảo chìm khổ quen rồi, sướng không chịu được đâu. Anh em đã quá quen với sóng to, gió lớn. Chuyện bão tới, trong nhà ướt như ngoài trời là chuyện ai cũng được nếm trải. Ai từng công tác ở đảo chìm thì không có khó khăn nào có thể làm họ chùn bước”.


Đến với Trường Sa, đi qua đảo nổi, đảo chìm, tôi như cảm nhận rõ hơn bản hùng ca bất tử trong công cuộc giữ nước của tiền nhân. Mỗi nhánh san hô, mỗi hạt cát, cành cây, ngọn cỏ nơi đây đều mang hình hài của hồn thiêng sông núi, thấm đẫm máu xương của các thế hệ người con đất Việt. Giữa trùng khơi, hướng mắt lên lá cờ đỏ sao vàng trên cột chủ quyền, lòng thấy phơi phới niềm tin. Trường Sa thân yêu!.


Đình Lâm



Kỳ 2: Để Tổ quốc trường tồn