11:02, 18/02/2020

Nỗi lo mùa hạn

Tuy mới bước qua mùa mưa nhưng tại Khánh Hòa, hạn hán đã bắt đầu xuất hiện, nhiều khả năng sẽ xảy ra gay gắt, ảnh hưởng đến cả nước sinh hoạt của người dân.

Kỳ 1: Bắt đầu khô hạn

Tuy mới bước qua mùa mưa nhưng tại Khánh Hòa, hạn hán đã bắt đầu xuất hiện, nhiều khả năng sẽ xảy ra gay gắt, ảnh hưởng đến cả nước sinh hoạt của người dân.

Những cánh đồng khô khát

Những ai có dịp đến Khánh Sơn những ngày này sẽ cảm nhận được cái khắc nghiệt của thời tiết hanh khô. Những vườn sầu riêng, cà phê... đang độ ra hoa bắt đầu có dấu hiệu héo, ủ rũ.

 

 Hồ chứa nước Cam Ranh chỉ còn chưa đầy 7,5 triệu m3 nước

Hồ chứa nước Cam Ranh chỉ còn chưa đầy 7,5 triệu m3 nước


Gặp chúng tôi khi đang đắp đập chặn dòng suối Mã để đưa nước lên đồi cao, ông Cao Văn Điển (thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm) chia sẻ, gia đình ông có 2ha sầu riêng trồng trên đồi cao, cách nguồn nước hơn 800m. Hiện nay, cây sầu riêng đang độ ra hoa, để cây đủ sức chống chọi với thời tiết khô hanh, ông và mấy người thân trong gia đình chung nhau 1 máy bơm tưới luân phiên. Thế nhưng, càng vào mùa khô, lá héo, bông rũ rượi nên ngày nào ông cũng phải ở ngoài vườn để chờ nước từ trên nguồn theo con suối Mã về bơm tưới cho cây.


Đi dọc theo triền sông Tô Hạp, đoạn từ xã Ba Cụm Bắc, qua Sơn Trung, thị trấn Tô Hạp, Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn Lâm đến xã Thành Sơn, chúng tôi bắt gặp hàng trăm chiếc máy bơm nước lớn nhỏ đang chạy hết công suất để đưa nước lên tưới cho những ruộng mía tím, những vườn cà phê, cây ăn quả ven sông suối. Giữa trưa nắng, thay vì ở nhà nghỉ trưa thì ông Cao Văn Liên (thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp) lại tất bật lo bơm nước từ sông Tô Hạp lên tưới cho ruộng mía tím lưu gốc hơn 1ha đang phát triển của gia đình. Đưa tay quệt những giọt mồ hôi lăn trên má, ông tâm sự: “Từ trước Tết đến nay khô quá, đến người ở trong nhà còn khó chịu huống chi là cây trồng ngoài ruộng. Ruộng mía của gia đình tôi mới tưới đẫm cách đây 1 hôm nhưng bây giờ đã khô khốc, lá rủ xuống, có dấu hiệu thiếu nước nên dù trời đang nắng tôi cũng phải bơm nước tưới cho cây”.


Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, trên địa bàn huyện hiện có 962ha sầu riêng, 319ha bưởi da xanh, 166ha chôm chôm, 32ha măng cụt, 66ha quýt đường, 300ha mía tím và nhiều loại cây trồng khác. Hiện nay, các loại cây ăn quả đang độ ra hoa, thiếu nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Qua rà soát ban đầu, trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng khô hạn cục bộ, nước mặt đã cạn kiệt ở các địa bàn như: suối Cối, suối Ngựa, suối Mã (xã Sơn Lâm); các thôn: Ka Tơ, Suối Me (xã Ba Cụm Nam), Tha Mang, A Thi (xã Ba Cụm Bắc), Tà Nĩa, Chi Chay, Ma O (xã Sơn Trung), Ko Lăk (xã Sơn Bình)…

 

Ruộng lúa ở Khánh Vĩnh khô cháy.

Ruộng lúa ở Khánh Vĩnh khô cháy.


Tại huyện Khánh Vĩnh, các xã cánh bắc huyện như: Khánh Hiệp, Khánh Bình… mùa khô năm nay cũng đến sớm hơn mọi năm chừng 2 tháng. Ông Pơ Căng Y Hoang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hiệp chia sẻ: “Trước Tết Nguyên đán, vừa chi xong tiền hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán năm 2019 thì các hộ lại báo tiếp hạn hán gây thiệt hại nặng nề trên khắp các cánh đồng thôn: Hòn Lay, Cà Thêu, Ba Cẳng, với diện tích lên đến hàng chục héc-ta lúa bị khô cháy”. Để chứng minh điều mình nói, ông Hoang đưa chúng tôi đến đập dâng Hòn Lay, nơi tích nước phục vụ tưới cho cánh đồng Hòn Lay rộng 28,5ha. Theo quan sát của chúng tôi, đập dâng này chỉ còn 1 vũng nước nhỏ, cạnh đó, 2 chiếc máy bơm của gia đình ông Lý Đức Luận (thôn Hòn Lay) đang chạy hết công suất để đưa chỗ nước ít ỏi còn lại hòng cứu 2,6 sào lúa cạnh đập. Phóng tầm mắt ra xa, cánh đồng Hòn Lay lúa đang độ làm đòng nhưng đã cháy vàng từ lúc nào, chân ruộng nứt nẻ. “Đến thời điểm này đã có 28,16ha trong tổng số 28,5ha lúa trên cánh đồng Hòn Lay bị thiệt hại hoàn toàn do thiếu nước. Hiện nay, diện tích lúa này chỉ còn tận dụng được cho bò ăn”, ông Hoang nói.   


Tại thị xã Ninh Hòa, hơn 22km dọc theo Tỉnh lộ 5 đoạn qua các xã: Ninh Lộc, Ninh Tân, Ninh Xuân, Ninh Tây…, những cánh đồng mía cũng chực chờ cháy. Bà Huỳnh Thị Lan đang chặt mía tại xã Ninh Xuân cho biết, năm nay người trồng mía đường tiếp tục thua lỗ nặng nề, phần vì mía không được chăm sóc chu đáo như trước, nhưng chủ yếu là do từ đầu năm trước đến nay thời tiết nắng nóng, trời không mưa trong khi cây mía nơi đây hoàn toàn dựa vào nước trời. Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại xã Ninh Tây, nơi có gần 3.000ha mía đường mà hầu hết những cây mía đến độ thu hoạch cũng chỉ dài độ sải tay, chi chít mắt vì không thể vươn lóng do thiếu nước.


Không chỉ mía, hàng trăm héc-ta lúa đông xuân của nông dân Ninh Hòa cũng đang đối mặt với khô hạn. Đơn cử tại đập dâng Đồng Tròn - Phước Mỹ (xã Ninh Hưng), hiện người dân đang phải ngày đêm tất bật bơm tát để cứu 270ha lúa đông xuân.


Dự báo thiếu nước gay gắt


Được biết, toàn tỉnh hiện có 31 hồ chứa nước, trong đó có 28 hồ thủy lợi và 3 hồ thủy điện, tổng dung tích 250 triệu m3 nước. Nếu như thời điểm này năm trước, tổng dung tích các hồ chứa lên đến 226 triệu m3 thì đến thời điểm này chỉ còn chưa đầy 130 triệu m3, chỉ đạt 52% so với khả năng chứa của các hồ. Việc thiếu hụt gần trăm triệu khối nước so với năm trước khiến cho việc chống hạn đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.


Ông Lê Xuân Thái - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, tính đến ngày 18-2, lượng nước trên các hồ chứa đạt rất thấp. Đặc biệt, những hồ chứa lớn như: hồ Đá Bàn chỉ có 32,6/75 triệu m3 nước; hồ Suối Dầu 13 triệu m3 nước, chiếm 40% dung tích hồ; hồ Cam Ranh chưa đầy 7,5 triệu m3 nước, trong khi hồ này có dung tích hơn 22 triệu m3.


Tìm hiểu được biết, năm 2019, mùa mưa chỉ kéo dài đến tháng 11 là kết thúc, sớm hơn trung bình nhiều năm. Trên các con sông của tỉnh chỉ xuất hiện 4 đợt mưa trên diện rộng, tổng lượng mưa thấp hơn những năm trước đến 30%. Do đó, ngoài các hồ chứa bị thiếu hụt nguồn nước thì mực nước trên các sông trong tỉnh cũng thấp hơn trung bình nhiều năm, đang tiếp tục xuống thấp.


Theo ông Võ Anh Kiệt - Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Trung bộ, những tháng đầu năm 2020, lượng mưa, lưu lượng dòng chảy thấp kết hợp với nắng nóng đến sớm và kéo dài nên tỉnh Khánh Hòa có khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước, khô hạn và xâm nhập mặn. Vì vậy, các đơn vị, địa phương trong tỉnh cần chủ động đề phòng, có biện pháp sử dụng nguồn nước hợp lý.


Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung bộ dự báo, năm nay, nắng nóng có khả năng cao xuất hiện sớm hơn và số đợt nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều hơn những năm trước, thời gian cao điểm sẽ diễn ra từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 8, đặc biệt là trong các tháng 7, 8 có khả năng xảy ra nhiều đợt nắng nóng kéo dài với mức nhiệt cao nhất lên đến 38 - 390C, nhiệt độ trung bình sẽ cao hơn mọi năm 0,5 - 10C. Nhiệt độ tăng cao, nắng nóng xuất hiện nhiều sẽ khiến cho nước mặt càng bốc hơi nhanh, lượng nước trên các sông suối, ao hồ càng vơi đi nhanh chóng. Trong khi đó, từ nay cho đến tháng 6-2020, tổng lượng mưa các nơi trong tỉnh ở mức thấp, thiếu hụt đến 30%, lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt 40 - 60% so với trung bình nhiều năm.


HỒNG ĐĂNG - HẢI LĂNG
 


Kỳ 2: Triển khai các giải pháp
(Xem tiếp Báo Khánh Hòa thứ Năm, ngày 20-2)

 


 

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Khánh Hòa là một trong những địa phương trong khu vực Nam Trung bộ chịu nhiều thiệt hại khi xảy ra nắng hạn. Trước diễn biến khó lường của thời tiết, địa phương cần chủ động kế hoạch sản xuất, giảm diện tích canh tác, sử dụng nguồn nước tiết kiệm để giảm thiểu thiệt hại trong trồng trọt; ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân.

 

______________________________________________



Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh có  17.665ha lúa; về cây trồng hàng năm có 738ha bắp, hơn 910ha rau, 58ha lạc, 107ha đậu các loại, có 1.100ha mía trồng mới; về cây lâu năm có hơn 8.169ha xoài, hơn 1.650ha sầu riêng, hơn 1.379ha bưởi. Trong vụ này, cơ bản đảm bảo nước tưới phục vụ trồng trọt, chỉ khoảng 5% diện tích lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước. Đến vụ hè thu, tình trạng thiếu nước sẽ nặng nề hơn, nhiều diện tích sản xuất sẽ bị thiếu nước, thậm chí phải bỏ vụ.