10:08, 13/08/2019

Thêm những ngôi trường mới

Cùng với việc quan tâm đầu tư xây mới, thành lập thêm các trường học, TP. Cam Ranh đã và đang triển khai sáp nhập một số trường, từng bước quy hoạch lại mạng lưới trường lớp.

Cùng với việc quan tâm đầu tư xây mới, thành lập thêm các trường học, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) đã và đang triển khai sáp nhập một số trường, từng bước quy hoạch lại mạng lưới trường lớp.


Đầu tư cho tương lai


Trong không khí chộn rộn trước thềm năm học mới, tại Trường THCS Lê Hồng Phong, những công nhân vẫn đang khẩn trương thi công các hạng mục xây mới toàn bộ ngôi trường này. Chỉ tay vào những dãy phòng đang còn mùi vôi vữa và ngổn ngang sắt thép, thầy Đinh Văn Liêm - Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết, công trình do UBND thành phố làm chủ đầu tư với tổng vốn 42 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 29,4 tỷ đồng, ngân sách thành phố 12,6 tỷ đồng), khởi công từ ngày 15-5, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020. Năm học 2019 - 2020, gần 1.700 học sinh (HS) và gần 100 cán bộ, giáo viên, nhân viên vẫn sẽ đón khai giảng cũng như dạy và học trong điều kiện cơ sở cũ. Nhưng không lâu nữa, 45 phòng học lý thuyết, 8 phòng học bộ môn và nhiều hạng mục phụ trợ khác sẽ thay thế cho cơ sở vật chất cũ kỹ, xuống cấp đã tồn tại hơn 50 năm kể từ khi trường thành lập. Sau khi xây dựng xong, đây sẽ là trường THCS chất lượng cao của thành phố, tất cả HS sẽ được học 2 buổi/ngày. Cơ sở mới sẽ tạo điều kiện tốt hơn để nhà trường cải tiến phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học để giữ vững vị thế lá cờ đầu ngành Giáo dục thành phố. 

 

Các dãy phòng học của Trường Tiểu học Cam Lộc 1 đang được xây mới.

Các dãy phòng học của Trường Tiểu học Cam Lộc 1 đang được xây mới.


Mơ ước về một ngôi trường sạch, đẹp, tiện nghi hơn của thầy cô và các em HS Trường Tiểu học (TH) Cam Thịnh Tây 1 đã sắp thành hiện thực, khi trường được ngân sách tỉnh và thành phố đầu tư tổng cộng 20 tỷ đồng để xây dựng 18 phòng học, nhà hành chính, phòng chức năng, nhà đa năng, sân nền, tường rào, bếp ăn, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm tới. Thầy Măng Bén - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, toàn bộ khoảng 270 HS của trường đều là người dân tộc thiểu số. Do cơ sở vật chất không đáp ứng nên chỉ có khối 1 được học 2 buổi/ngày, gần 60 HS lớp 1 được ăn bán trú tại trường. Khi trường mới hoàn thành, toàn bộ HS từ khối 1 đến khối 5 sẽ được học 2 buổi/ngày, đồng thời bước đầu nhà trường có thể tổ chức bán trú cho HS khối 1 và khối 2. Hiện nay, dãy phòng học đang gần hoàn thiện.

 

Trường THCS Lê Hồng Phong đang được đầu tư xây mới toàn bộ, thay thế các phòng học,  phòng chức năng đã xuống cấp.

Trường THCS Lê Hồng Phong đang được đầu tư xây mới toàn bộ, thay thế các phòng học, phòng chức năng đã xuống cấp.

 

TP. Cam Ranh hiện có 19 trường mầm non, 20 trường TH, 4 trường TH-THCS, 10 THCS, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú, 3 trường THPT. Ngoài điểm chính, khá nhiều trường còn có các điểm lẻ. Cam Ranh là điểm sáng về xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh với tỷ lệ đạt 84,9%, cao nhất trong các địa phương.

Khuôn viên đẹp với sân trường rợp bóng me xanh, thư viện hiện đại của Trường TH Cam Lộc 1 là mơ ước của nhiều trường. Sắp tới, trường sẽ còn khang trang hơn khi 10 phòng học, nhà hành chính, khối 4 phòng học chức năng với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng hoàn thành. Thầy Văn Nhân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dự kiến cuối năm 2019 dãy phòng học mới sẽ đi vào hoạt động.


Ông Nguyễn Văn Du - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Cam Ranh cho biết, theo quy hoạch xây dựng mạng lưới trường học giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến 2025, thành phố sẽ xây dựng mới 14 trường công lập. Đến nay, đã xây dựng được 6/14 trường, gồm 1 trường mầm non, 2 trường TH, 3 trường THCS. Thực hiện quy hoạch phát triển đô thị Cam Ranh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu đầu tư sửa chữa hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp nhằm tăng tỷ lệ phòng học kiên cố, phòng chức năng và phòng học bộ môn. Đồng thời xây dựng mới Trường THCS Lê Hồng Phong, Trường Mầm non Ba Ngòi; thành lập mới Trường THCS Trà Long; kêu gọi đầu tư xã hội hóa xây dựng Trường TH Nội trú Cam Ranh, Trường THCS Tư thục Cam Ranh. Bên cạnh đó, xây mới 18 phòng học cho 8 trường mầm non để thực hiện Đề án tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên huy động trẻ mầm non từ 12 đến 36 tháng tuổi giai đoạn 2017 - 2020.  UBND thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025. Riêng năm 2019, hơn 108 tỷ đồng đã và sẽ phân bổ cho 14 trường để xây mới nhiều phòng học, phòng chức năng, nhà hành chính và cải tạo sửa chữa các cơ sở xuống cấp. Trong đó, ngân sách tỉnh hơn 60 tỷ đồng, ngân sách thành phố hơn 48 tỷ đồng.

 

Một góc Trường THCS Nguyễn Trung Trực - hiện nay đã sáp nhập  thành Trường Tiểu học - THCS Bình Ba.

Một góc Trường THCS Nguyễn Trung Trực - hiện nay đã sáp nhập thành Trường Tiểu học - THCS Bình Ba.


Tuy đã được đầu tư, song do nguồn ngân sách hạn hẹp nên cơ sở vật chất trường lớp vẫn không đủ để đáp ứng theo yêu cầu thực tế, trong lúc tất cả các trường trên địa bàn đều có nhu cầu. Bên cạnh đó, việc nâng cao tỷ lệ HS, trường, lớp học 2 buổi/ngày ở một số trường TH vùng khó khăn và cấp THCS còn thấp. Hiện mới chỉ có 2/14 trường THCS có cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày, gây khó khăn cho công tác chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng gặp khó khăn do cơ sở vật chất một số trường đã xuống cấp. Theo thầy Đinh Văn Liêm, mong muốn của nhà trường là khi trường mới hoàn thành sẽ có sự đầu tư đồng bộ về trang thiết bị dạy và học vì hiện nay, trang thiết bị sử dụng nhiều năm đã cũ, chất lượng không còn đảm bảo. Về phía nhà trường cũng đã đầu tư xây dựng 2 phòng vi tính chuẩn, mỗi phòng 30 máy để triển khai dạy Tin học cho HS từ lớp 6 đến 9.

 

Nhà vệ sinh học sinh Trường Tiểu học Cam Lộc 1 được “làm đẹp”  bởi chính tay các giáo viên dạy Mỹ thuật.

Nhà vệ sinh học sinh Trường Tiểu học Cam Lộc 1 được “làm đẹp” bởi chính tay các giáo viên dạy Mỹ thuật.

 

. Sáp nhập, giảm tối đa 10 trường

 

Trường TH Cam Linh 1 và TH Cam Linh 2 đã sáp nhập thành TH Cam Linh từ ngày 1-8-2019. Theo lộ trình, trong năm học 2020 - 2021, Trường TH Cam Thịnh Tây 1 và TH Cam Thịnh Tây 2 sẽ sáp nhập thành TH Cam Thịnh Tây; Trường Mầm non Căn cứ và Trường Mầm non Trường Sa thành Trường Mầm non Căn cứ Cam Ranh. Năm học 2021 - 2022, Trường MN Cam Lộc và MN 2-4 sáp nhập thành MN Cam Lộc. Giai đoạn 2022 đến 2025, Trường TH Cam Thịnh 1 và TH Cam Thịnh Đông sáp nhập thành TH Cam Thịnh Đông; TH Cam Phúc Bắc 1 và TH Cam Phúc Bắc 2 thành TH Cam Phúc Bắc; TH Cam Thành Nam và THCS Phan Chu Trinh thành Trường TH-THCS Cam Thành Nam; TH Cam Phúc Nam và THCS Chu Văn An thành TH-THCS Cam Phúc Nam; TH-THCS Căn cứ và TH Cam Nghĩa 1 thành Trường TH Cam Nghĩa 1.

Song song với việc xây và thành lập mới các trường, TP. Cam Ranh đã và đang tiến hành sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, dự kiến sẽ giảm tối đa 10 trường. Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, việc này sẽ khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao, từ đó có điều kiện tập trung đầu tư nguồn lực về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Bên cạnh đó, góp phần giảm biên chế, sử dụng biên chế giảm để điều chuyển cho các đơn vị trường học khác có nhu cầu của thành phố. Một số cán bộ quản lý đến tuổi nghỉ hưu nên việc bố trí, sắp xếp cán bộ quản lý, người đứng đầu sẽ thuận lợi hơn. Việc sáp nhập cũng sẽ bổ khuyết các vị trí việc làm lâu nay còn thiếu, nhất là các giáo viên bộ môn: Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật...


Nằm trên xã đảo Bình Ba, Trường TH-THCS Bình Ba là trường đầu tiên trên địa bàn thành phố được sáp nhập từ Trường TH Cam Bình và THCS Nguyễn Trung Trực (từ tháng 1-2019). Tuy việc dạy và học của nhà trường đang từng bước đi vào ổn định nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Cô Đỗ Thị Thanh Phương - Hiệu trưởng nhà trường không khỏi trăn trở vì 2 điểm trường cách xa nhau nên việc dạy và học, đi lại rất vất vả. Cán bộ quản lý, nhân viên của trường không ít lần phải chạy đi chạy về để giải quyết công việc. Đặc thù 2 cấp học khác nhau nên không hỗ trợ được về chuyên môn. Khi mới sáp nhập, nhân viên văn thư chỉ có 1 người nhưng do hệ số lương thấp nên đã nghỉ. Trong khi chưa thể tìm được nhân sự cho bộ phận này, nhân viên kế toán tạm thời phải kiêm nhiệm song không thể đảm nhận xuể các công việc. Do biên chế co lại, cấp tiểu học từ 11 lớp còn 10 lớp nên sĩ số HS/lớp tăng…


Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết đã và đang rà soát các vị trí việc làm và số người làm việc của các trường để điều động, sắp xếp phù hợp. Đồng thời chỉ đạo các trường có giải pháp khắc phục tình trạng các điểm trường lẻ có quy mô nhỏ, chất lượng chưa cao để đầu tư, có phương án sắp xếp sĩ số HS/lớp hợp lý…


H.NGÂN