Những ngày này tại huyện Vạn Ninh, giữa những cánh đồng lúa đến thì con gái, thay cho xanh ngắt mỡ màng thì tất thảy đã héo khô. Còn tại thị xã Ninh Hòa, nơi những ruộng mía đang thì vươn lóng, giờ chỉ còn lại tro tàn. Nắng hạn ngày một gay gắt đã và đang gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân…
Những ngày này tại huyện Vạn Ninh, giữa những cánh đồng lúa đến thì con gái, thay cho xanh ngắt mỡ màng thì tất thảy đã héo khô. Còn tại thị xã Ninh Hòa, nơi những ruộng mía đang thì vươn lóng, giờ chỉ còn lại tro tàn. Nắng hạn ngày một gay gắt đã và đang gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân…
Cháy mía
Trưa 4-8, trên Quốc lộ 26, nắng như chảo rang ụp trên đầu, từng đụn khói cao ngút bao phủ cả một khu vực rộng lớn đoạn qua xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa. Trong cái nóng thiêu đốt của tiết hè khô nực, không khí như quện lại khi cánh đồng mía của 2 xã Ninh Xuân và Ninh Thân bốc cháy rừng rực. 9 giờ sáng, không rõ ai đó bất cẩn, ngọn lửa khởi phát từ đồng mía Phước Lâm của xã Ninh Xuân. Cộng hưởng với cái nắng nóng khô hanh từ bao lâu, đám cháy nhanh chóng bùng lên và những ngọn gió lớn đã đẩy chúng lan sang cánh đồng mía suối Mét của xã Ninh Thân. Cháy dữ dội, khiến 40 người trong lực lượng cứu hỏa của xã cùng với hàng trăm người dân lấm lem vì tro, nhưng gần như bất lực trước ngọn lửa điên cuồng. Nguồn nước ở quá xa, phương tiện chữa cháy thô sơ nên không thể khống chế được đám cháy. Hàng trăm hộ dân chỉ biết xót xa chứng kiến ngọn lửa hung hãn thiêu rụi hơn 60ha mía 7 tháng tuổi.
Bà Lê Thị Thanh, người có 5ha mía bị cháy ở Ninh Xuân nghẹn ngào: “Cháy sạch rồi! Hôm trước, gần 4ha mía của nhà tôi đã bị cháy rụi, bây giờ lại bị cháy 5ha nữa. Đúng là họa vô đơn chí. Bao công sức, vốn liếng gia đình đổ vào cây mía, giờ coi như trắng tay. Nợ cũ trả chưa hết, giờ mía cháy, nợ lại chồng nợ”. Ngồi bên ruộng mía, ánh mắt bần thần nhìn những gốc mía bị cháy đen, ông Võ Hữu Trung (xã Ninh Thân) buồn rầu: “Giữa trưa, nghe bà con báo cháy mía, cả gia đình và anh em họ hàng hơn 10 người tất tả đi dập lửa. Dù rất cật lực, nhưng do nguồn nước ở quá xa, đám cháy lớn, nên chúng tôi không tài nào cản được lửa. Vậy là hơn 3ha mía hơn 5 tháng tuổi của gia đình tiêu tan trong chốc lát”.
Theo người dân nơi đây, để chống cháy, người ta đã làm các con đường đất rộng 4 đến 5m ngang dọc giữa cánh đồng. Đây là những đường ranh cản lửa khi xảy ra cháy. Nhưng mùa này, gió nam thổi rất mạnh, những tàn lửa vẫn bay qua làn ranh khiến cho đám cháy lan rộng. Tất tả khiêng từng thùng nước cứu mía, toàn thân đen kịt vì tro, ông Lưu Văn Phi (xã Ninh Thân) rầu rĩ: “Hầu hết diện tích mía nơi đây phụ thuộc vào nước trời, trong khi nắng nóng kéo dài không chỉ khiến cho cây mía chậm phát triển, mà còn khiến vỏ, lá mía khô khốc, dễ bắt lửa. Đã vậy, gió còn thổi mạnh. Việc cứu mía biết là rất khó khăn nhưng phải cố, cứu được chút nào hay chút đó thôi”.
Lúa chết khô
Bà Đinh Thị Nhu, nhà ở cạnh cánh đồng Bàu, nơi sản xuất lúa của bà con thôn Tân Đức Đông và Tân Đức Tây của xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh chia sẻ: “Tôi ở đây từ năm 1982 đến giờ mà chưa khi nào thấy khô hạn như năm nay. Cả cánh đồng lúa chết khô vì thiếu nước. Nhà có 8 sào ruộng, mùa này chỉ trổ bông được hơn 2 sào, còn lại chết khô hết. Ngay cả giếng nước sinh hoạt cũng bắt đầu cạn khô. Tôi phải dẫn nước sinh hoạt từ nhà đứa con gái cách đây gần nửa cây số về dùng”. Cạnh nhà bà Nhu, nhà ông Khiêm đang xây dựng dở dang. Ông cho biết, để có nước xây nhà, ông phải mua từng xe nước với giá 100.000 đồng/m3. Toàn bộ giếng trong làng không cạn khô thì cũng đã bị nhiễm mặn.
Tìm đến cánh đồng Bàu, chúng tôi bắt gặp nhiều người dân đang lùa hàng trăm con bò xuống ruộng để gặm chút lúa non còn sót lại. Ông Nguyễn Lép, thôn Tân Đức Tây cho biết: “Chưa có năm nào mà tình trạng khô hạn kéo dài như năm nay. Khu ruộng lúa nhà tôi thuộc dạng thấp nhất vùng này nhưng cũng bị cháy khô vì thiếu nước. Hơn 4,3ha lúa vụ này, gia đình đã đầu tư hơn 15 triệu đồng đành mất trắng. Mong Nhà nước, chính quyền địa phương có hướng hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại, để phần nào có vốn làm vụ khác sau khi có nước”.
Qua thống kê ban đầu của xã Vạn Lương, 50ha lúa hè thu ở cánh đồng kể trên đều đã bị khô cháy, không thể cứu vãn. Nguyên nhân các khu vực sản xuất này sử dụng nguồn nước từ đập dâng suối Rễ, Vinh Huề, thượng nguồn sông Hiền Lương; do không có lũ tiểu mãn, nắng nóng kéo dài, mực nước rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm nên không đảm bảo cấp tưới. Ngoài ra, diện tích lúa đang bơm tát chống hạn là 127ha, hiện địa phương đang tận dụng nguồn nước còn lại trên sông Hiền Lương để cấp nước tưới. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới không mưa, nước sông Hiền Lương cạn kiệt thì phần diện tích lúa này khả năng bị cháy khô là rất cao.
Tập trung ứng phó
Ông Võ Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân cho biết, toàn xã có hơn 2.500ha mía từ 5 đến 7 tháng tuổi. Mặc dù địa phương đã tuyên truyền, khuyến cáo đến bà con thường xuyên kiểm tra, chủ động trong việc phòng cháy mía. Nhưng do quá khô hanh, đến nay trên địa bàn xã đã xảy ra 2 vụ cháy mía với tổng diện tích hơn 50ha.
Không chỉ cây mía, nắng hạn cũng đã khiến nhiều khu vực rừng trồng của người dân trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh bị cháy. Điển hình ngày 24-7, một đám cháy bùng phát dữ dội tại thôn 4, xã Ninh Sơn, Ninh Hòa thiêu rụi hơn 50ha rừng trồng, cây ăn quả của người dân. Nguyên nhân được người dân địa phương xác định có thể xuất phát từ việc đốt dọn nương rẫy gây cháy lan. Tại Vạn Ninh, tính đến hết tháng 7-2019 đã xảy ra 3 vụ cháy rừng trồng, gây thiệt hại 0,5ha rừng trồng phòng hộ và 2,71ha rừng trồng ngoài quy hoạch.
Theo lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, trên địa bàn thị xã có khoảng 11.200ha mía từ 3 đến 7 tháng tuổi. Do hạn hán nên nhiều diện tích mía kém phát triển, khô lá, thực bì dày và khô, chỉ cần một tàn lửa nhỏ sẽ bùng cháy. Để đề phòng cháy mía và rừng, UBND thị xã đã yêu cầu UBND các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng cháy. Nông dân cần thường xuyên kiểm tra, tích cực, chủ động hơn nữa trong việc phòng cháy mía. Khi xảy ra cháy, cần chủ động tạo đường ranh cản lửa, không cho đám cháy lan rộng ra toàn vùng.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, từ đầu năm đến nay, lượng mưa trên toàn tỉnh thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm. Các đợt nắng nóng kéo dài diễn ra liên tục. Đã thế, năm nay lại không có mưa tiểu mãn vào tháng 4 hàng năm. Vì vậy, tuy lượng nước tại các hồ chứa vẫn đảm bảo, nhưng nguồn nước từ các suối, đập dâng nhỏ gần như cạn kiệt, đặc biệt tại một số vùng thuộc Vạn Ninh, Ninh Hòa.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng, tình trạng nắng nóng sẽ còn tiếp tục kéo dài. Cuối tháng 7-2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện khẩn, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Khánh Hòa tập trung triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trong đó, tập trung nạo vét cửa lấy nước, kênh mương, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước, tuyên truyền người dân chủ động sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm. Thực hiện công điện trên, tỉnh đã liên tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi tình hình nguồn nước, thực hiện các giải pháp bơm tát, điều tiết nước hợp lý nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước gây ra. Trong điều kiện nắng hạn tiếp tục khốc liệt hơn, các ngành, địa phương phải đảm bảo ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi và cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đối với các diện tích lúa chết khô, mía bị cháy, các địa phương cũng đang lập hồ sơ đề xuất hỗ trợ theo quy định.
Hồng Đăng - Văn Giang