Năm nay 56 tuổi, lại khuyết tật mất một chân, nhưng lão ngư Mai Xuân Phụng (trú tổ dân phố Tân Hải, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã có tới 46 năm mưu sinh trên vùng đầm Thủy Triều bằng nghề lặn. Ông được người dân địa phương gọi với cái tên trìu mến: Rái cá Ba bèo, "vua lặn" đầm Thủy Triều.
Năm nay 56 tuổi, lại khuyết tật mất một chân, nhưng lão ngư Mai Xuân Phụng (trú tổ dân phố Tân Hải, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã có tới 46 năm mưu sinh trên vùng đầm Thủy Triều bằng nghề lặn. Ông được người dân địa phương gọi với cái tên trìu mến: Rái cá Ba bèo, “vua lặn” đầm Thủy Triều.
Một đời gắn với đáy biển
Đúng hẹn, từ sáng sớm chúng tôi có mặt tại nhà ông Ba bèo ở tổ dân phố Tân Hải, thị trấn Cam Đức để cùng “vua lặn” ra đầm Thủy Triều khai thác hải sản. Ông Ba bèo chỉnh lại những ốc vít trên chiếc chân giả cho chắc chắn rồi mới chuẩn bị đồ nghề đi biển như thường nhật. Hành trang của lão ngư này ngoài áo, quần mặc đi biển, kính lặn, mũ, còn có một dây chì nặng trĩu, chiếc ắc quy và mô tơ điện loại nhỏ. Men theo con đường bê tông nhỏ hẹp hướng về phía mép đầm Thủy Triều, chỉ sau ít phút, chúng tôi đã tới nơi neo chiếc ghe hai mũi nhỏ. Đó là con lạch chạy thẳng ra đầm Thủy Triều. “Trời nắng càng lớn và không có gió thì lặn biển càng thuận”, ông Ba bèo vừa nói vừa khệ nệ xách đồ đi biển lên ghe.
Khởi động máy, lão ngư khéo léo cho chiếc ghe tách khỏi những ghe bạn, chầm chậm rời khỏi con lạch và hướng ra phía nam đầm. Trong câu chuyện, ông Ba bèo cho biết, lúc 14 tuổi, ông không may giẫm phải trái nổ, mất đi chân trái. Khi những vết thương vừa kịp lành lại cũng là lúc nỗi sợ hãi bao trùm trong ông, bởi với người bình thường, để kiếm được việc làm đã khó, còn với ông, một người khuyết tật, mai đây cuộc sống sẽ ra sao? Không cam chịu số phận, ông đã kiên trì theo cha tiếp tục bám nghề lặn biển. Từ nỗi tuyệt vọng bao trùm, nhưng sau những chuyến lặn biển, ông cũng tìm ra cho mình một công việc phù hợp và gắn bó suốt quãng đời còn lại, đó là nghề lặn.
Câu chuyện chưa dứt, ông Ba bèo đã tắt máy và ra hiệu đã đến vùng lặn. Theo kinh nghiệm của ông, đây là vùng có nhiều hàu sinh sống dưới tầng đáy. Ông Ba bèo đeo kính lặn, khởi động mô tơ điện, ngậm dây ống thở, đeo dây chì bên hông, rồi cầm theo chiếc vợt, nhảy ùm xuống biển. Giữa làn nước đầm trong veo gợn sóng nhấp nhô, bọt khí từ ống thở ông Ba bèo sủi lên lăn tăn. Lão ngư chẳng khác nào con rái cá, mò mẫm dưới đáy biển, cần mẫn để tìm hải sản và kéo theo chiếc ghe hai mũi nhỏ. Dưới làn nước, chúng tôi có thể thấy rõ từng động tác của ông dưới đáy đầm. Sau ít phút lùng sục dưới đáy biển, ông trồi lên khỏi mặt nước, quẳng mấy con hàu xù xì vào ghe rồi lại lặn xuống…
Đầm vịnh về trưa nắng càng gay gắt hơn, thưa thớt dần bóng ghe thuyền qua lại. Chứng kiến ông Ba bèo làm việc, chúng tôi mới thấy nghị lực phi thường của người đàn ông này. Một người con sinh ra từ vùng đầm vịnh, lớn lên từ đầm và mưu sinh trên đầm đích thực. Gần 3 giờ ông ngâm mình dưới làn nước biển, những loại hải sản như: hàu, tôm, cua, ghẹ… lần lượt được đưa lên ghe. Lúc này, làn da đen sạm của ông sau nhiều giờ lặn biển đã nhúm nhó và nhợt nhạt.
Nghề nguy hiểm
3 giờ trầm mình dưới biển, thành quả thu được của ông Ba bèo là 700.000 đồng từ tiền bán các loại hải sản để trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng không phải lúc nào ông cũng có thể đi biển và gặp may như vậy. Bởi lẽ, không phải thời tiết lúc nào cũng thuận mà còn có gió, bão và nguy hiểm chực chờ.
Mưu sinh bằng nghề lặn biển chỉ bằng hai tay là công việc hết sức nặng nhọc, thậm chí nguy hiểm. Vậy nhưng với ông Ba bèo lại chẳng khác nào như cơm ăn, nước uống mỗi ngày. Ngày qua ngày, nắng, gió và nước trong đầm vịnh đã tôi luyện ông thành ngư dân lão luyện vùng đầm vịnh. Trong vùng đầm Thủy Triều này có chiều dài đến gần 20km, vậy mà chẳng có ngóc ngách nào trong đầm là ông chưa lặn tới. “Mọi ngóc ngách trong đầm vịnh tôi đều biết. Vùng nào biển sâu, nông, có loại hải sản nào sinh sống tôi đều biết”, ông tâm sự.
Ông Lê Văn Đàng - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cam Đức: Ở địa phương, mọi người đều cảm phục vì ông Phụng là người nỗ lực vượt lên số phận. Bao năm nay, nghề lặn không chỉ giúp gia đình ông Phụng mà còn nhiều ngư dân khác ở địa phương ổn định cuộc sống. Tuy vậy, do việc đánh bắt quá dày đặc, nhất là việc sử dụng các ngư cụ bị cấm đã khiến hải sản trên đầm ngày càng thưa thớt. Trước đây, mỗi ngày đối với những người lặn biển kinh nghiệm như ông Phụng có thể thu nhập tiền triệu, hiện nay may mắn lắm chỉ được vài trăm nghìn đồng |
Dẫu lão luyện là vậy, ông cũng không thể tránh khỏi quy luật tự nhiên. Có lẽ hoạt động trong môi trường áp lực của nước quá dài, cách đây ít năm, ông bị hỏng một mắt. “Có lẽ câu nói sinh nghề tử nghiệp đã nghiệm vào tôi. Bao năm lặn biển, tôi nhận ra một bên mắt của mình ngày một mờ đi rồi không thể nhìn được nữa”, lão ngư trầm ngâm, chỉ vào con mắt phải giờ đã lòa.
Trong câu chuyện với những thành viên trong gia đình ông, chúng tôi được biết, ông có 3 người con thì chỉ có người con trai lớn theo nghiệp cha. Đó là anh Mai Xuân Thắng, năm nay 31 tuổi và có đến hơn 10 năm theo chân cha ra đầm Thủy Triều mưu sinh. Cảm nhận được nỗi vất vả, nguy hiểm, đồng thời chứng kiến nghề biển đã cướp đi một con mắt của cha mình, nhưng với anh Thắng, nối nghề của cha như một định mệnh. “Nghề lặn nguy hiểm là thế nhưng tôi vui, hạnh phúc vì đó là nghề của cha. Tôi hãnh diện vì cha mình đã vượt lên số phận, bám biển và nuôi anh chị em chúng tôi khôn lớn”, anh Thắng tâm sự.
Dù vậy, nghề lặn biển trên đầm vịnh với những người như cha con ông Ba bèo lại đang bị “đe dọa”. “Giờ đây, hải sản trên đầm ngày một thưa thớt. Nguyên do là việc đánh bắt theo kiểu tận diệt bằng các ngư cụ bị cấm”, ông Ba bèo buồn nói. Theo lời kể của ông, khi lặn bắt hải sản, mỗi khi thấy những con nhỏ, cha con ông đều bỏ qua, chỉ những con đủ lớn họ mới bắt. Còn hiện tại, nhiều người sử dụng các ngư lưới cụ bị cấm như lờ dây, đánh bắt hải sản bằng xung điện khiến vùng đầm Thủy Triều đang dần cạn kiệt nguồn lợi hải sản.
THÀNH LONG