Khi nghe tin Khu du lịch Tàu Ngầm Nha Trang khai trương ai cũng cảm thấy lạ, bởi tàu ngầm sao lại nằm trong núi? Chính điều đó đã thôi thúc chúng tôi quyết định vào núi xem… tàu ngầm với một sự háo hức khác lạ!
Khi nghe tin Khu du lịch (KDL) Tàu Ngầm Nha Trang khai trương ai cũng cảm thấy lạ, bởi tàu ngầm sao lại nằm trong núi? Chính điều đó đã thôi thúc chúng tôi quyết định vào núi xem… tàu ngầm với một sự háo hức khác lạ!
Lời tự tình của đá
Nằm ở núi, nhưng KDL Tàu Ngầm Nha Trang không hình thành theo kiểu tận dụng nét đẹp thiên nhiên, mà được kết hợp giữa du lịch sinh thái với văn hóa lịch sử. Sau vài phút hòa mình vào không gian thiên nhiên tươi đẹp với tiếng suối, mùi hương thơm của hoa rừng, chúng tôi được anh Trịnh Bá Dũng (người xây dựng dự án Đường hầm đất sét ở Đà Lạt) - đại diện các nhà đầu tư dẫn đi tham quan. “Mọi câu chuyện phải bắt đầu từ văn hóa truyền thống”, anh Dũng nói vậy và dẫn tôi ngược lên núi dọc theo công trình Con đường Việt Nam. Khởi đầu từ hình ảnh con trâu, bờ tre, gốc rạ rồi đến mô hình điêu khắc trống đồng, đàn tranh, bánh chưng, bánh dày. Xen giữa còn có những chiếc mũ tai bèo, chiếc võng như từ cánh rừng Trường Sơn tụ về. Đến cuối con đường, không ít du khách ngỡ ngàng khi bắt gặp tác phẩm điêu khắc Bác đang cùng chúng cháu hành quân… Xa xa phía trước là bản đồ Việt Nam với đầy đủ 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên mái nhà, phía trên cửa vào nhà là bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt. “Có được đất nước thống nhất tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa như ngày hôm nay là nhờ ông cha đã dày công vun đắp, gìn giữ suốt bao đời nay, chúng ta phải luôn ghi nhớ điều đó...”, anh Dũng chia sẻ.
Tiếp đó, chúng tôi bước vào không gian “Nha Trang xưa và nay” với những vách đá tự nhiên, qua bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ đã biến thành những bức tranh 3D tái hiện các công trình văn hóa tiêu biểu của xứ Trầm Hương như: Tháp Bà Ponagar, cổng thành Diên Khánh, nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang, chùa Long Sơn…, rồi cảnh phố xá hiện đại với khách sạn cao tầng. Đi bên tôi, nhiều du khách xuýt xoa khen ngợi không ngớt. Hai bên đường là các quán nước nghỉ chân được thiết kế nhỏ nhắn vừa phải với những chỗ ngồi ngắm cảnh đẹp mộng mơ tựa như phố núi. Cạnh đó còn có khu vườn tượng 12 con giáp với tạo hình rất sinh động. Dường như, những nghệ sĩ tạo dựng vườn tượng đá này ước mong về một cuộc sống an lành, hạnh phúc cho du khách.
Thông điệp của tàu ngầm
Đến khu nhà hàng tàu ngầm và tàu chiến, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Kỳ lạ thay, dù chỉ xem qua phim ảnh, nhưng anh Dũng đã tạo nên một mô hình tàu ngầm y hệt chiếc tàu ngầm kilo ở Quân cảng Cam Ranh. Phía trong lòng tàu ngầm được thiết kế nội thất rất ấn tượng bằng vật liệu poly silica do chính nhà máy của anh sản xuất, cùng nhiều họa tiết trang trí mô phỏng các loại rượu danh tiếng trên thế giới mà đại diện của Việt Nam là rượu cần - loại rượu thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc. Cạnh đó là một nhà hàng được thiết kế mang dáng dấp tàu hộ vệ tên lửa, cùng nhiều mô hình vũ khí hiện đại khác.
Đem nỗi băn khoăn vì sao chọn tàu ngầm làm điểm nhấn, cũng là tên gọi của KDL, anh Dũng chia sẻ: “Đó là cách tạo sự chú ý cho du khách. Tàu ngầm thì thế giới có nhiều, nhưng tàu ngầm trên núi thì chỉ Khánh Hòa mới có. Qua đó, chúng tôi muốn du khách nhớ đến vịnh Cam Ranh, 1 trong 3 vịnh quân sự đắc địa nhất thế giới, và nhắc đến tàu ngầm là phải nhớ đến Nha Trang - Khánh Hòa. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn du khách hiểu rằng, đất nước Việt Nam rất mến khách, nhưng luôn có tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Con đường Việt Nam, ngôi nhà Việt Nam với bài thơ thần là những bằng chứng cho quyết tâm, truyền thống bảo vệ chủ quyền của người Việt…”.
Kỳ công xây dựng
Ngồi bên bờ suối nước chảy róc rách, anh Dũng hồi tưởng lại quá trình xây dựng KDL Tàu Ngầm kể từ giữa năm 2016. Suốt 1 năm trời, kể từ khi nhận bàn giao đất, anh gần như ăn ngủ tại điểm xây dựng KDL Tàu Ngầm Nha Trang trong điều kiện điện nước thiếu thốn.
Khó khăn nhất chính là sự phức tạp về địa hình, địa chất. “90% mặt bằng ở đây là đá nhưng lại không được nổ mìn. Thay vào đó, anh em phải khoan sâu vào đá 1,5m, mỗi mũi khoan cách nhau khoảng 20cm, sau đó đổ hóa chất vào cho đá tách ra; cứ phân chia dần từ lớn đến nhỏ, cho đến khi bằng cái bàn mới có thể vận chuyển di dời. Chỉ riêng hơn 2.000m2 mặt bằng để xây dựng nhà hàng tàu ngầm đã mất đến 6 tháng để thi công”, anh Dũng nhớ lại. Do phải giữ lại tất cả các cây tự nhiên nên việc thi công rất khó khăn. “Chúng tôi là những người yêu thiên nhiên và muốn truyền tình yêu đó đến du khách. Cây cối là “máu”, nên phải giữ lại bằng hết, chỗ nào có cây là phải thi công bằng tay, dù điều đó làm chậm tiến độ rất nhiều”, anh Dũng chia sẻ.
Để làm nên vẻ đẹp riêng của KDL Tàu Ngầm Nha Trang, anh Dũng cùng các cộng sự đã ăn dầm nằm dề, dốc hết công sức, trí tuệ. Hàng tháng trời, anh nghiền ngẫm, tìm vị trí tái hiện lại các công trình: Tháp Bà Ponagar, cổng thành Diên Khánh, nhà thờ Chánh Tòa, chùa Long Sơn... Mấy ai biết rằng, để có được công viên tượng đá 12 con giáp, anh em đã phải chọn từ hàng ngàn viên đá, tìm cho được viên đá phù hợp, có tượng phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần… Dẫu vậy, trong câu chuyện với người viết, anh Dũng thường chia sẻ về ý tưởng, thông điệp trong các công trình hơn là sự khó khăn. Bởi khó khăn là hiển nhiên, khi anh và các đồng sự của mình đã không làm du lịch theo kiểu dễ dãi. Phần thưởng lớn nhất chính là lời khen, nụ cười của du khách. Mở cửa chưa lâu, nhưng nhiều du khách cũng đã đồng cảm với tâm huyết của nhà đầu tư. “Bề thế, nghiêm túc, có định hướng rõ rệt là cảm nhận đầu tiên của mình khi bước tới đây. Một KDL mà chủ đầu tư bỏ ra rất nhiều kinh phí lại không nhằm đáp ứng thị hiếu vui chơi chung chung của mọi tầng lớp xã hội, theo mình đã là dũng cảm và đáng ngưỡng mộ. Gần như toàn bộ cảnh quan thiên nhiên của khu vực rừng núi Suối Lùng ngày xưa vẫn còn được giữ lại, được khai quang tôn tạo, nhấn nhá đậm nét”, nhà văn Ái Duy bày tỏ cảm nhận về KDL Tàu Ngầm Nha Trang.
Các nhà đầu tư KDL Tàu Ngầm Nha Trang cho biết, tới đây sẽ xây dựng thêm khoảng 30 bungalow trên sườn núi để đáp ứng nhu cầu lưu trú qua đêm của du khách. Rồi biến con đường lên núi thành khu phố đi bộ với hàng quán sáng đèn, có nghệ sĩ chơi nhạc đường phố hàng đêm. Mai này, khách đến đây có thể nghỉ ngơi trong không gian yên tĩnh, nhưng cũng chỉ cách cảnh phố xá, hàng quán một vài bước chân… Và khi ấy, chắc chắn sẽ có nhiều du khách lại tình nguyện làm lữ khách lạc bước ở KDL Tàu Ngầm!
XUÂN THÀNH
KDL Tàu Ngầm Nha Trang nằm ở khu vực Suối Lùng (thôn Khánh Thành Nam, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) do Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại - Du lịch Ngọc Thiên Long làm chủ đầu tư, có diện tích 15ha. Hiện nay, nhà đầu tư đã hoàn thành giai đoạn 1 và mở cửa cho du khách vào tham quan từ 14 giờ - 22 giờ hàng ngày với giá vé: 100.000/khách (đã giảm giá). Tại đây đã có dịch vụ ăn uống, giải khát…
Bà Nguyễn Thị Tường Anh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại - Du lịch Ngọc Thiên Long: Nói đến Nha Trang - Khánh Hòa, nhiều người nghĩ ngay đến du lịch biển, nhưng thật ra rừng ở đây cũng rất đẹp, có điều là ít được chú ý khai thác. Chính vì vậy, khi có ý định đầu tư du lịch ở Khánh Hòa, tôi và các cộng sự đã quyết định chọn rừng để đầu tư du lịch. Ở đó, chúng tôi xem phong cảnh thiên nhiên là “cơ sở hạ tầng” để triển khai các ý tưởng, xây dựng nên các sản phẩm du lịch riêng biệt. Và KDL Tàu Ngầm Nha Trang ra đời từ đó.