Một ngày giữa tháng Giêng, chúng tôi về các xã vùng ven TP. Nha Trang: Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương… Con đường Lương Định Của (trước đây là Hương lộ 45) chạy từ Ngọc Hiệp đến Vĩnh Phương đưa chúng tôi về một vùng quê yên bình, trù phú.
Một ngày giữa tháng Giêng, chúng tôi về các xã vùng ven TP. Nha Trang: Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương… Con đường Lương Định Của (trước đây là Hương lộ 45) chạy từ Ngọc Hiệp đến Vĩnh Phương đưa chúng tôi về một vùng quê yên bình, trù phú. Đây đó sắc xuân còn vương bên nhà với những chậu cúc còn sót lại từ Tết Nguyên đán…
Lòng dân theo cách mạng
Vùng đất này một thời gắn bó với cách mạng. Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh, từ năm 1930, các chi bộ đảng đã được thành lập ở Lư Cấm (phường Ngọc Hiệp), Phú Nông (xã Vĩnh Ngọc), Phú Vinh (xã Vĩnh Thạnh). Khi nổ ra Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến, người dân ở các xã này đã hết lòng ủng hộ cách mạng. Trong tập hồi ký Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa (do Ban liên lạc 23-10 và Tạp chí Văn hóa - Thông tin phối hợp xuất bản năm 2000), nhiều tướng lĩnh, chiến sĩ mặt trận Nha Trang đã ngợi ca tinh thần cách mạng của người dân các xã vùng ven Nha Trang. Trong bài hồi ức Những ngày đầu tiên ở Mặt trận Nha Trang, Thiếu tướng Hà Vi Tùng nhớ lại: “Tôi liên hệ với Ủy ban hành chính và Việt Minh xã ủng hộ bộ đội ta tre, thân dừa, rơm và cho mượn dụng cụ. Cùng một số anh em, tôi đi vào từng gia đình nói chuyện tình hình thời sự và nhiệm vụ xây dựng trận địa. Những buổi nói chuyện với dân quân và thanh niên góp phần đáng kể vào việc dân quân tham gia canh gác, bố trí quân ở những đoạn mà trung đội không đủ người đảm nhiệm ở ven sông Lư Cấm. Mối liên hệ giữa quân và dân chan hòa như người thân giúp đỡ nhau trong nhiệm vụ sinh hoạt ngày càng thắm thiết”.
Ngày ấy, để hưởng ứng mặt trận, trung đội dân quân tự vệ của Xuân Lạc (Vĩnh Ngọc) và Xuân Phong (Vĩnh Phương) đến hỗ trợ phòng tuyến Chợ Mới - Brơten do đồng chí Hà Văn Lâu chỉ huy. Trung đội dân quân Xuân Lạc được phân công cùng các đơn vị bộ đội đào công sự chiến đấu, thay phiên canh gác, liên lạc tiếp tế cho bộ đội ở phòng tuyến phía Bắc. Việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội và dân quân ở phòng tuyến phần lớn giao cho người dân Xuân Lạc và Phú Nông đóng góp.
Ông Nguyễn Văn Dân (sinh năm 1930, thôn Xuân Lạc) - nguyên Phó Trưởng Ban liên lạc 23-10 TP. Nha Trang kể lại: “Tôi còn nhớ, ông Võ Đình Hiển - Ủy viên Ban Kinh tài của xã họp toàn dân thông báo, lệnh khẩn cấp của Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Vĩnh Xương (một phần Nha Trang hiện nay) giao cho làng ta phải huy động lương thực, thực phẩm nấu cơm phục vụ bộ đội tại mặt trận Chợ Mới. Sau đó, mọi người chia nhau, người đi vận động lương thực, thực phẩm, người đi xây lò, tìm củi để nấu cơm… bằng chảo nấu đường. Việc xay lúa do hội phụ nữ đảm trách, 3 cối xay lúa chạy suốt ngày. Tôi còn nhỏ nên được sung vào đội khiêng cơm. Cứ hai người khiêng một giỏ cần xé đựng cơm nắm, đồ ăn ra tiếp tế cho bộ đội. Đi một đoạn thì máy bay “đầm già” từ cửa biển bay lên rà soát, khiến chúng tôi phải nằm bẹp xuống lề đường để trốn. Đến khi giao cơm, chúng tôi và các chú bộ đội tay bắt mặt mừng thắm tình quân dân”. Trong câu chuyện về lòng dân ủng hộ kháng chiến, ông Dân cứ nhắc mãi chuyện ông Trần Đinh đã bí mật chôn cất thi thể của cán bộ trinh sát tại thủ kỳ (bàn thờ trời) ở nhà ông. Từ ấy về sau, vào ngày giỗ, năm nào gia đình ông Đinh cũng làm cơm cúng như người thân trong gia đình!
Cách Vĩnh Ngọc không xa, phía bờ bắc sông Cái, người dân xã Vĩnh Phương đã ủng hộ hết mình cho cách mạng. Bao năm đã qua, ông Nguyễn Leo (sinh năm 1927) ở thôn Xuân Phong, Vĩnh Phương vẫn còn nhớ những ngày tháng đó: “Lúc đó, người dân ai cũng lo lắng vì chiến sự nhưng một lòng tin tưởng vào cách mạng, tin tưởng vào Chính phủ của cụ Hồ và bộ đội ta sẽ đánh thắng quân địch, tích cực tham gia ủng hộ kháng chiến. Thanh niên vào dân quân tự vệ, phụ nữ vận động lương thực, còn tôi đảm nhận nhiệm vụ liên lạc đưa thư ”.
Truyền thống cách mạng đó còn được tiếp nối trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông Bùi Hồng Thái - cố Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa từng kể về những năm tháng nằm hầm bí mật ở Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc để hoạt động cách mạng, kháng chiến chống Mỹ. Trong đó, nhà ông Nguyễn Phùng Thạnh - thôn Phú Vinh (xã Vĩnh Thạnh) có 3 hầm bí mật; nhà má Thông (tức bà Nguyễn Thị Kiểm, đã mất) có 6 hầm bí mật… từng nuôi giấu nhiều cán bộ lãnh đạo của tỉnh.
Chuyển mình đi lên
Các xã vùng ven Nha Trang hôm nay đã đổi thay rất nhiều. Thành phố đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Chính những người dân ở đây thấu hiểu hơn cả về cuộc chuyển mình đi lên. Ông Nguyễn Văn Dân chia sẻ: “Ngày xưa khi cách mạng Tháng Tám mới thành công, cả làng tôi chỉ có 2 chiếc xe đạp… giờ thì con cháu trong nhà đã có xe hơi riêng. Nhà cửa đứa nào cũng khang trang”.
Thuộc thế hệ sinh ra và trưởng thành sau chiến tranh, ông Lê Văn Mỹ - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng của quê hương, đặc biệt những năm gần đây. “Xã được công nhận nông thôn mới từ năm 2014. Cơ sở hạ tầng điện đường trường trạm đều được đầu tư xây dựng. Hiện nay, nhiều người dân Vĩnh Ngọc đã chuyển đổi sang buôn bán, làm dịch vụ, chỉ còn ít hộ làm nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt gần 33 triệu đồng/người/năm. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao…”, ông Mỹ cho biết.
Các xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương… cũng đang phát triển khá tốt. Theo ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh, số hộ nghèo của xã chỉ còn 9 hộ (0,11%), thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm. Xã Vĩnh Phương còn 45 hộ nghèo, tỷ lệ 1,1%, thu nhập bình quân 43,8 triệu đồng/người/năm... Tại các xã này, những xóm nghèo đã được thay bằng những ngôi làng khang trang, sạch đẹp. Nhiều nhà cao tầng được xây dựng, có cả biệt thự. Riêng Vĩnh Phương có cả Cụm công nghiệp Đắc Lộc.
Dẫu vậy, đây đó vẫn còn những điều trăn trở trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Câu chuyện tận dụng lợi thế để phát triển du lịch sinh thái đồng quê, chuyển đổi từ việc trồng lúa thành các vườn rau màu phục vụ du lịch đã được đề cập khá nhiều nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Hiện nay, TP. Nha Trang đặt mục tiêu đến năm 2025 các xã này sẽ nâng lên phường, trong thời gian tới chắc chắn thành phố sẽ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực này. Việc tập trung đầu tư hạ tầng để phục vụ cho sự phát triển là quan trọng nhưng việc gìn giữ cảnh quan, môi trường, giữ gìn sự bình yên của thôn xóm, nét hiền hòa mến khách mới là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững cũng cần được lưu tâm.
XUÂN THÀNH