Công việc hàng ngày của các cán bộ, nhân viên y tế trong bài viết này là băng rừng, lội suối đến từng nhà dân để hướng dẫn bà con cách phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên bám thôn, bám làng nên nhiều người dân Khánh Vĩnh xem họ như những người thân trong gia đình.
Công việc hàng ngày của các cán bộ, nhân viên y tế trong bài viết này là băng rừng, lội suối đến từng nhà dân để hướng dẫn bà con cách phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên bám thôn, bám làng nên nhiều người dân Khánh Vĩnh xem họ như những người thân trong gia đình.
Gắn bó với công tác chống dịch
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến Trạm Y tế xã Khánh Thành, đây là 1 trong 5 xã có số ca mắc sốt rét cao ở huyện Khánh Vĩnh. Chưa kịp bắt chuyện, y sĩ Phạm Hữu Trình - Trưởng trạm Y tế xã Khánh Thành cùng y tế thôn bản đã vội vã đi đến nhà dân kiểm tra ca bệnh nghi sốt rét sau khi nhận được thông báo. Trong cặp của y sĩ Trình, có chứa đủ các dụng cụ test nhanh, lấy mẫu để xác định bệnh chính xác và thuốc điều trị. Đến nơi, y sĩ Trình trao đổi nhanh với người nhà về lịch trình đi rẫy của người bệnh trong mấy ngày qua, test nhanh mẫu máu của bệnh nhân và lấy mẫu để soi chiếu. Sau 10 phút chờ đợi, xác định bệnh nhân sốt do siêu vi, y sĩ Trình cho thuốc và dặn dò, lưu ý người nhà cách chăm sóc người bệnh; đồng thời nhắc nhở người nhà ngủ mùng, phát quang cây cỏ để diệt muỗi.
Y sĩ Trình được điều về xã Khánh Thành phụ trách mảng phòng, chống sốt rét từ năm 1994. Những năm này ở Khánh Vĩnh, số ca mắc sốt rét rất cao nên gần như quanh năm y sĩ Trình và hơn 20 thành viên phòng, chống dịch ở huyện… đều có mặt ở các thôn, bản và những vùng trọng điểm có số ca mắc cao của huyện để tuyên truyền, phát hiện và điều trị ca bệnh, giám sát dịch tễ, phun hóa chất và tẩm mùng cho người dân. Thời điểm đó, đường sá chưa có, các anh phải mang vác các dụng cụ lội suối, vượt đèo có nơi xa hơn 10km để đến với người dân ở những vùng sâu, vùng xa. Bởi thế, chuyện phải “nằm vùng” mấy tháng ở thôn, bản mới được về nhà hoặc bị mắc sốt rét là chuyện “thường ngày ở huyện”.
Cực khổ là thế, nhưng khi hỏi về nghề, các anh không kể khó, kể khổ. Câu chuyện chỉ xoay quanh những kỷ niệm vui khi phát hiện và điều trị kịp thời cho những trường hợp nặng; dập các ổ dịch kịp thời để không lây bệnh ra cộng đồng. Gặp lại y sĩ Trình, ông Cao Thánh (thôn Gia Răng, xã Khánh Thành) vui mừng như gặp người nhà. Cách đây 10 năm, ông Thánh bị sốt rét ác tính nhưng vẫn đi rẫy mà không tới trạm để khám. Trong đợt đi giám sát ca bệnh, y sĩ Trình phát hiện, kịp thời đưa ông đến bệnh viện huyện để điều trị. “Nhờ được đưa đi kịp thời nên tôi mới sống đến giờ này. Y sỹ Trình còn thường xuyên đến nhà hướng dẫn cách phòng bệnh, tẩm mùng cho cả thôn nên giờ ở đây ai cũng hiểu, cũng ngủ mùng, lên rẫy cũng thế” - ông Thánh nói.
Y sĩ Trần Thanh Hải - Thư ký chương trình phòng, chống sốt rét xã Khánh Phú kể, anh về đội y tế dự phòng huyện và tham gia công tác này từ năm 1988. Thời gian đầu, thấy công việc quá vất vả anh cũng có định chuyển nghề. Nhưng trong 1 lần đi lấy mẫu điều tra bệnh ở thôn Ba Cẳng, xã Khánh Hiệp, anh mắc phải bệnh sốt rét. Lúc đó, thuốc điều trị khan hiếm, số thuốc mang theo phát hết cho người dân, thời tiết xấu không thể về, anh đành phải cắn răng chịu đựng gần cả tuần với những cơn sốt, cơn rét run cả người. “Sau khi mắc, tôi mới cảm nhận rõ những nguy hiểm của căn bệnh này. Chứng kiến nhiều người dân bị mắc bệnh sốt rét, nguy hiểm đến tính mạng nhưng họ không hiểu, không biết, vẫn hàng ngày đi rẫy, đi nương để kiếm sống, từ đó, tôi quyết định gắn bó lâu dài với công tác phòng chống dịch” - y sĩ Hải chia sẻ.
Đối với cử nhân điều dưỡng Trần Hữu Trí, hơn nửa đời người tham gia công tác này, hạnh phúc lớn nhất của anh là khi soi chiếu các mẫu bệnh nghi sốt rét, phát hiện các ca âm tính. Và mừng hơn khi người dân ngày càng có ý thức, tự biết cách phòng bệnh.
Vượt qua khó khăn...
Ông Trần Văn Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh cho biết, Khánh Vĩnh là huyện có số ca mắc cao nhất tỉnh. Toàn bộ 14 xã đều nằm trong vùng sốt rét lưu hành nặng. Đặc biệt, tại huyện có cả 5 loài ký sinh trùng sốt rét gây bệnh ở người và là điểm nóng về sốt rét kháng thuốc. Tuy nhiên những năm qua, nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, hỗ trợ của các đơn vị tuyến trên; đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, tích cực của đội ngũ làm công tác phòng, chống sốt rét và lực lượng y tế thôn bản đã góp phần làm giảm nhanh số ca mắc sốt rét ở huyện Khánh Vĩnh. Nếu năm 2011 toàn huyện ghi nhận 658 ca mắc, với tỷ lệ mắc trên tổng số dân là 18,9‰ thì đến năm 2018, số ca ghi nhận chỉ có 67 ca, tỷ lệ mắc giảm xuống còn 1,7‰. Đặc biệt, trong 8 năm trở lại đây, toàn huyện không có ca tử vong do sốt rét.
Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng khi được hỏi, hầu hết những người làm công tác phòng, chống sốt rét của huyện Khánh Vĩnh không đòi hỏi gì cho mình. Điều họ mong muốn nhất là có chế độ hỗ trợ thêm cho đội ngũ y tế thôn bản; đồng thời, thường xuyên được tập huấn kiến thức phòng chống dịch bệnh. Bởi với họ, y tế thôn bản là cánh tay nối dài, hỗ trợ họ rất nhiều trong việc giám sát, phát hiện sớm ca bệnh sốt rét.
Điều dưỡng Trần Hữu Trí chia sẻ: “Trước đây, ngoài tiền hỗ trợ chung 700.000 đồng/tháng, khi tham gia chương trình phòng, chống sốt rét, y tế thôn bản được hỗ trợ 100.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây nguồn hỗ trợ này bị cắt nên họ gặp khó khăn trong hoạt động, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống sốt rét. Đa phần cuộc sống của y tế thôn bản còn khó khăn, họ phải làm thêm nhiều việc để kiếm sống, được hỗ trợ họ sẽ yên tâm công tác hơn”. Được biết, hiện nay mỗi trạm chỉ có 1 cán bộ làm công tác phòng, chống sốt rét và phải kiêm thêm công tác khác như khám và điều trị bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêm chủng… nên nhiều khi gặp khó khăn khi triển khai hoạt động. Do đó, cần bố trí thêm nhân lực cho công tác này ở những xã trọng điểm...
Chia tay với chúng tôi, những người làm công tác phòng, chống sốt rét ở huyện Khánh Vĩnh lại tất bật quay về trạm khám bệnh, điều trị cho người dân.
C.ĐAN
Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Những năm trước, huyện Khánh Vĩnh là trọng điểm với số ca mắc sốt rét rất cao. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, tỷ lệ ca mắc giảm hơn 9 lần so với 10 năm trước. Có được kết quả trên, một phần là nhờ sự tích cực, chủ động trong giám sát dịch tễ, phát hiện sớm, quản lý tốt ca bệnh tại cộng đồng, truyền thông tư vấn liên tục cho người dân… của đội ngũ nhân viên y tế làm công tác phòng chống sốt rét của huyện. Sở Y tế chỉ đạo ngành Y tế huyện Khánh Vĩnh tiếp tục giữ vững những kết quả đạt được, đồng thời đẩy mạnh công tác phòng chống, giảm tỷ lệ mắc, trong đó, chú trọng giám sát sốt rét kháng thuốc”.