Những năm gần đây, Nha Trang liên tiếp xảy ra lở núi, lũ quét… gây chết người. Sẽ còn rất lâu, nỗi ám ảnh về thảm họa lở núi mới có thể nhòa đi trong ký ức của những người sống bên chân núi.
Kỳ 2: Giải pháp nào cho khu dân cư tự phát?
Những năm gần đây, Nha Trang liên tiếp xảy ra lở núi, lũ quét… gây chết người. Sẽ còn rất lâu, nỗi ám ảnh về thảm họa lở núi mới có thể nhòa đi trong ký ức của những người sống bên chân núi.
Hoảng loạn sau thảm họa
Đã hơn 20 ngày trôi qua, kể từ buổi sáng định mệnh lở núi, không khí tang thương vẫn bao trùm xóm Núi (thuộc thôn Thành Phát, xã Phước Đồng). Đất đá trên núi cao đã vùi lấp 11 mạng người và hơn 130 căn nhà bị sập, hư hỏng nặng. Trên những lối đi ngoằn ngoèo, hàng chục ngôi nhà vẫn nằm xiêu vẹo bởi những tảng đá lớn đè lên. Các hộ gia đình may mắn thoát nạn, tuy còn lo sợ nhưng vẫn phải dọn dẹp đất đá để ở, bởi ngoài nơi ở này họ không biết đi đâu về đâu. Bà Trần Thị Chín - 58 tuổi, có nhà bị sập tại thôn Thành Phát cho biết: “Tôi vẫn còn quá hoảng loạn sau tai họa lở núi. Nhưng không biết đi đâu, nên cứ ở liều, tới đâu hay tới đó”.
Ông Nguyễn Lê Văn (58 tuổi, cũng ở thôn Thành Phát), cho biết: “Xóm Núi thôn Thành Phát được hình thành từ đầu những năm 2000 với hơn 300 căn nhà, nằm từ chân lên lưng chừng núi. Nhiều ngôi nhà tạm bợ được dựng chênh vênh bên sườn núi rất dễ gây sạt đất, đổ nhà khi có mưa lớn. Người dân trong thôn đa phần làm nghề biển, do không có tiền mua đất đồng bằng nên đành lên đây mua đất rẫy, làm nhà chui. Trận mưa vừa qua quá lớn, trong khi lối thoát nước hẹp hơn so với trước đây nên tức nước mới vỡ nhà”.
Hơn 300 hộ ở thôn Thành Phát đã trải qua những phút giây hãi hùng nhất cuộc đời. Nhưng mối lo lắng nhất hiện nay của họ là không biết rồi những mùa mưa tiếp theo, sinh mạng của những cư dân xóm Núi này sẽ như thế nào. Bà Hoàng Thị Tú (70 tuổi) lo lắng: “Sợ lắm! Nhưng bây giờ muốn đi cũng không biết đi đâu. Núi đã sạt một lần thì lần sau sẽ còn sạt tiếp. Tôi già rồi, sống chẳng được bao nhiêu nữa, nhưng tội tụi nhỏ, hiểm nguy cứ rình rập thế này chẳng biết tai họa sẽ ập đến lúc nào”.
Phường Vĩnh Trường cũng hứng chịu hậu quả rất nặng nề trong trận lở đất kinh hoàng vừa qua. Toàn phường có 3 người chết, 7 người bị thương và hơn 50 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó hơn 20 căn bị sập, vùi lấp hoàn toàn. Bà Ngô Thị An (61 tuổi, tổ 2 Trường Sơn, phường Vĩnh Trường) đang thẫn thờ bên bãi đất đá ngổn ngang mà phía dưới là những căn nhà của hàng xóm bị vùi lấp. Bà cho biết, những gia đình lên núi làm nhà đa phần là dân nghèo, không có tiền. “Giờ đây, thiên tai ập xuống vùi lấp nhà cửa, cướp đi mạng người ai cũng sợ. Có mấy hộ gia đình bị đá đè sập một góc phải đi tá túc nhà người thân hiện nay cũng chưa dám về. Gia đình tôi may mắn thoát khỏi vụ lở núi nhưng từ hôm đó đến nay, cứ thấy tiếng động lớn là giật mình thon thót. Tất cả cũng vì cái nghèo”, bà An than thở.
Hàng ngàn căn nhà chênh vênh
Qua thống kê sơ bộ, toàn thành phố có cả ngàn hộ ở những địa điểm có nguy cơ lở núi. Trong số đó, nhức nhối nhất phải kể đến các xã: Phước Đồng, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, các phường: Vĩnh Trường, Vĩnh Hòa. Chỉ tính riêng xã Phước Đồng đã có gần 1.000 hộ làm nhà ngay sát các chân núi. Điều đáng nói, gần như tất cả các hộ đều làm nhà trái phép và hình thành tự phát. Điển hình như thôn Thành Phát có hơn 300 hộ, thôn Thành Đạt hơn 400 hộ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn diện tích đất ở khu vực thung lũng và các sườn đồi tại 2 thôn này, trước năm 2000 thuộc quyền sử dụng của khoảng 4 - 5 cá nhân. Ban đầu, họ chỉ dựng trại trên núi để làm rẫy; nhưng từ khi có làn sóng lên núi mua đất ở, các cá nhân đã ồ ạt thuê máy xúc mở đường, bạt núi để phân lô bán nền. Khi chính quyền địa phương phát hiện, cấm đưa máy xúc đến mở đường và ban núi thì họ chuyển sang ban đất nền theo kiểu thủ công. Càng lên cao, những lô đất có diện tích càng nhỏ do độ dốc lớn; nhìn từ dưới lên trông như một dãy bậc thang. Hành vi ban núi, phân lô đất nền ở Phước Đồng đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhiều lần Báo Khánh Hòa đã cảnh báo về thực trạng này.
Ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho rằng, vấn đề quản lý đất đai có nhiều thiếu sót nên mới dẫn tới hình thành các khu dân cư tự phát. Người dân thì cố tình xây dựng trái phép, trong khi chính quyền địa phương không quản lý hết được. “Các khu dân cư trên núi tồn tại hàng chục năm nay. Chúng tôi nhìn nhận có sự yếu kém trong công tác quản lý của chính quyền. Tuy nhiên, rất khó ngăn chặn làn sóng làm nhà tự phát sát núi do dân cư sinh sôi mà quỹ đất tại thành phố quá hiếm hoi”, ông Pháp nhận định.
Thời gian gần đây, nhiều ngọn núi ở các thôn: Như Xuân, Đắc Lộc, Tân Thành, xã Vĩnh Phương tiếp tục bị “xẻ thịt”. Đất núi san ủi đến đâu, đất nền được phân lô rao bán đến đó… Cùng với việc đào đồi, núi để phân lô bán nền đất ở, nhiều khu vực đất rừng sản xuất trên địa bàn xã Vĩnh Phương đang diễn ra tình trạng xây dựng trái phép. Đặc biệt, có khu vực đã hình thành khu dân cư tự phát khá đông đúc, thậm chí mọc lên cả những ngôi chùa, cốc. Nếu không nhanh chóng xử lý, chỉ vài năm nữa thực trạng như ở Phước Đồng sẽ tái diễn.
Giải pháp nào cho người dân
Trao đổi với lãnh đạo các địa phương về thực trạng các khu dân cư tự phát dưới những khu vực núi cao, câu trả lời là những tiếng thở dài lo lắng. Ông Nguyễn Bá Thuận - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường tâm sự: “Với những diễn biến phức tạp của thời tiết vài năm gần đây, đặc biệt là đợt mưa lũ vừa qua, chúng tôi rất lo lắng cho tính mạng của người dân. Cả phường Vĩnh Trường có khoảng 400 hộ ở núi Chụt thì có đến 238 hộ nằm trong diện nguy hiểm, lở núi có thể xảy bất cứ lúc nào. Họ cũng toàn dân nghèo, ở trên núi Chụt từ nhiều đời nay. Bây giờ chỉ có cách di dời đi nơi khác thì mới an toàn”. Tuy nhiên, để di dời số lượng dân lớn như vậy không hề đơn giản. Quỹ đất tái định cư của phường không còn. Trước mắt, mỗi khi có mưa lớn, phường chỉ biết huy động lực lượng giúp các hộ di dời tạm về những địa điểm an toàn.
Lãnh đạo xã Phước Đồng cũng thừa nhận, để đảm bảo an toàn cho các hộ ở khu vực đồi, núi là không đơn giản. “Từ năm 2016, tại địa phương đã từng xảy ra sạt núi gây sập nhà, chết người nhưng lực bất tòng tâm, chưa thể có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn. Tại thôn Phước Lộc (khu vực núi Xanh), có hơn chục căn nhà bị sập cuối năm 2016 đã di dời, tái định cư. Số hộ ở xa điểm sạt lở đã có chủ trương di dời nhưng đến nay chưa sắp xếp được. Toàn xã có hơn 1.000 căn nhà dựng sát vách núi như vậy, muốn di dời là cả một bài toán khó cho địa phương”, ông Pháp nói.
Ông Lê Hữu Thọ - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang thừa nhận thực trạng hàng ngàn hộ sống men các sườn núi là rất nguy hiểm. Hiện nay, thành phố đang rà soát lại, tại những điểm xung yếu, có nguy cơ cao phải di dời ngay để đảm bảo không xảy ra tai họa như vừa qua. “Chúng tôi đã bàn rất nhiều giải pháp để di dời dân đi nơi khác, nhưng thẩm quyền quyết định đưa đi đâu, vào dự án nào là của tỉnh. Thực sự, thành phố cũng muốn tốt cho người dân, nhưng hiện nay còn nhiều khó khăn nên chưa thực hiện ngay được”, ông Thọ nói.
Về giải pháp, ông Thọ cho biết thành phố đang lập đề án “Làng ngư dân ven biển” khu vực Hòn Rớ trên diện tích thí điểm nghiên cứu khoảng 52ha. Theo đó, thành phố sẽ nâng cấp, cải tạo cảng cá hiện nay; tăng cường số lượng và chất lượng các cầu tàu để đáp ứng nhu cầu về chỗ neo đậu tàu thuyền, cả tàu cá và ca nô phục vụ khách du lịch trong tương lai. Một trong những nhiệm vụ của đề án là cập nhật các số liệu mới về dân cư, nghề nghiệp, truyền thống, văn hóa, tập quán ở từng khu vực để có đề xuất phù hợp. Đề án phải xác định lấy ngư dân, khách du lịch làm trung tâm; xây dựng được loại hình dịch vụ phục vụ du lịch của làng ngư dân ven biển. Theo đó, đơn vị tư vấn sẽ nghiên cứu xây dựng phương án tổng thể nhiều vị trí (Hòn Rớ, Bình Tân, Trí Nguyên, Bích Đầm, Vĩnh Lương) để phát triển các nghề bám biển, kết hợp du lịch để thu hút người lao động tại khu vực, đồng thời tạo chỗ ở ổn định cho người dân. “Đề án nhằm giúp các hộ đang sống bám núi có công việc ổn định, không nặng vào việc phải sống gần cảng, gần biển để tránh những tại họa lở núi như vừa qua. Hiện nay, thành phố đang thực hiện bước lập quy hoạch, sau này đầu tư xây dựng sẽ kêu gọi xã hội hóa”, ông Thọ thông tin.
Đình Lâm - Văn Kỳ
Gần 1.500 hộ thuộc diện cần di dời
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, TP. Nha Trang có gần 1.500 hộ ở gần đồi núi có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa và thuộc diện cần di dời. Trong đó, nhiều nhất là xã Phước Đồng với khoảng 1.000 hộ, phường Vĩnh Trường 238 hộ, phường Vĩnh Hòa 100 hộ, các xã: Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc mỗi địa phương có khoảng 40 hộ ở các nơi thuộc diện xung yếu.