Nghề gốm truyền thống nổi danh một thời như gốm Lư Cấm, gốm Vạn Bình… đang đứng trước nguy cơ mai một cho dù nhà nước cũng đã có những giải pháp hỗ trợ.
Nghề gốm truyền thống nổi danh một thời như gốm Lư Cấm, gốm Vạn Bình… đang đứng trước nguy cơ mai một cho dù nhà nước cũng đã có những giải pháp hỗ trợ.
Đìu hiu Làng gốm
Một ngày cuối tuần, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Chưởng để nghe ông kể về thời hoàng kim của làng gốm Lư Cấm (TP. Nha Trang). Hai vợ chồng ông Chưởng ngót nghét tuổi 70, là gia đình cuối cùng ở Lư Cấm còn sống với nghề.
Làng gốm Lư Cấm nằm bên bờ sông Cái, có hàng trăm năm hưng thịnh với nhiều mặt hàng đa dạng như: lu, vại, lò, bình... Gốm Lư Cấm còn vươn ra ngoài tỉnh, xuất bán đến Phan Rang, Phú Yên. Ông Chưởng nhớ thời đó, ở Lư Cấm, đi đâu cũng chỉ thấy làm gốm, xe lớn ra vào tấp nập lấy gốm chở đi bán khắp nơi. Ngày trước, gốm ở đây lấy đất sét ở xã Vĩnh Thạnh, có màu sắc hồng, đỏ tươi rất bắt mắt, thợ gốm cũng có tay nghề cao nên đồ làm ra có tuổi thọ lâu, ai cũng thích. Ấy vậy mà, đến nay, cả một làng chỉ còn độc một hộ còn tồn tại với nghề.
Ông Chưởng cho biết: “Sở dĩ người ta bỏ nghề hết vì chi phí đầu vào ngày càng cao, đô thị ngày càng phát triển, hết ruộng để lấy đất. Cùng đó, giá nhân công cũng tăng theo thời gian, mà giá thành sản phẩm gốm lại quá rẻ. Một lò gốm thành phẩm làm ra, tôi bán lại cho bạn hàng giá có 25.000 đồng/lò, chả lời lãi bao nhiêu, ấy vậy mà các lò gốm từ Bình Định vào đây bán giá còn rẻ hơn 10.000 đồng/lò, nên không cạnh tranh lại”. Ngày trước, một tháng nhà ông Chưởng bán được ít cũng phải 500 lò, giờ đây, một mẻ nung với hơn 500 lò thành phẩm, ông bán cả năm trời mới hết hàng, nên những năm gần đây, lò nung nhà ông cũng không còn đỏ lửa thường xuyên như trước. Hướng tay về góc vườn, ông chỉ cho tôi xem một lò nung bị đổ từ đợt bão cuối năm 2017 đến nay còn chưa được dựng lại.
Cũng bất đắc dĩ nhận lấy danh hiệu “độc nhất”, nhà bà Trần Thị Thu là hộ cuối cùng trụ lại với nghề gốm truyền thống ở thôn Trung Dõng 3 (xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh). Các lò nung của người dân trong thôn đã nguội lửa từ lâu, những đôi tay điêu luyện đã già, không còn đủ sức tiếp tục. Rơi rớt dần, nghề gốm truyền thống thôn Trung Dõng 3 cũng chỉ còn một hộ. Những mặt hàng như lò, lu nước, chậu cây cảnh, nồi gốm... vẫn đều đặn được bà làm ra mỗi ngày, nhưng trong thâm tâm, bà tiếc vì nghề không còn hưng thịnh như trước. “Thời đó, gốm Trung Dõng còn đi hội chợ ở khắp các tỉnh thành, nhà tôi cũng tham gia. Nhưng giờ chẳng còn nữa, hàng tôi làm bán cũng duy trì vậy thôi chứ hết phát triển được” - bà Thu bộc bạch.
Loay hoay mưu sinh
Ngày trước làm giàu nhờ gốm, thì nay, để giữ nghề, hai vợ chồng ông Chưởng còn phải nuôi thêm heo. Nhẩm tính một hồi, bà Hoà vợ ông Chưởng chậc lưỡi, thu nhập từ gốm của hai vợ chồng được khoảng gần 2 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể các thương lái, bạn hàng nợ tiền. Những năm gần đây, thu nhập từ gốm của hai vợ chồng ông bà không phải nhờ bán sản phẩm, mà nhờ các đoàn khách du lịch đến tham quan mô hình; bên cạnh đó, các trường học ở địa phương thi thoảng tổ chức cho học sinh đến hoạt động ngoại khoá, học làm gốm. Bà Hòa tâm sự: “Thỉnh thoảng có các đoàn khách đến tham quan thì tôi làm cho người ta xem, rồi người dẫn tour trả chi phí lại, cũng không cao, khoảng hơn 200.000 đồng/một đoàn. Rồi các học sinh đến thực hành làm gốm xong, đặt làm mô hình gì thì tôi cũng làm cho các cháu. Nhờ đó mà cũng loay hoay giữ được nghề đến giờ”.
Với bà Trần Thị Thu, mỗi tuần, bà phải thuê xe chở hàng vào thị xã Ninh Hòa để bỏ cho các bạn hàng. Ngày trước, bạn hàng của bà nhiều, thường đến tận nơi lấy, nay thì chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. “Mỗi tuần nung được một lò, tính ra tôi lời cũng được vài triệu, nhưng cũng là lấy công làm lời, bên cạnh đó, ba người con trong gia đình phụ làm, nên đâu cũng vào đó thôi. Thu nhập từ gốm giờ cũng chỉ cho nhà sống đủ ăn” - bà Thu nói.
Trăn trở bài toán bảo tồn
Năm 2016, nghề làm gốm Lư Cấm và gốm thôn Trung Dõng đã được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Nhờ đó, đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ chính quyền để phát triển. Chính quyền các địa phương cũng đang nỗ lực triển khai công tác hỗ trợ các gia đình. Hộ gia đình bà Thu đang được xã Vạn Bình làm thủ tục hỗ trợ mua máy nghiền đất với kinh phí 90 triệu đồng, bên cạnh đó, còn có tiền học tập, nâng cao tay nghề. Ông Trần Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Bình cho biết, xã cũng đã hướng dẫn gia đình bà Thu làm thủ tục vay vốn không lãi suất để phát triển nghề.
Còn gốm Lư Cấm hiện đã không còn khả năng cạnh tranh với gốm các địa phương khác. Vì vậy, UBND phường Ngọc Hiệp đã làm việc với một số công ty lữ hành nhằm kết nối đưa khách du lịch đến tham quan mô hình nghề truyền thống, tạo nguồn thu cho nghề gốm. Bên cạnh đó, với 370 triệu đồng kinh phí hỗ trợ của tỉnh, phường đã lên kế hoạch triển khai mua máy móc, xây mới lò nung, nhà xưởng, gian trưng bày... cho hộ gia đình ông Chưởng.
Tuy nhiên, câu chuyện về bảo tồn và phát triển nghề vẫn là trăn trở chưa có lời giải. Ông Nguyễn Tiến Quốc - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Hiệp cho biết: “Trước mắt, địa phương tập trung hỗ trợ gia đình ông Chưởng bảo tồn tốt nghề gốm. Nhưng để giữ nghề vẫn là bài toán chưa có lời giải, vì các thế hệ sau của gia đình không mặn mà với nghề nữa, trong khi hai vợ chồng ông Chưởng cũng đã già. Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai tuyên truyền rộng về nghề truyền thống này với mong muốn kêu gọi các gia đình quay lại với nghề, địa phương sẽ hỗ trợ đào tạo miễn phí hoàn toàn”. Còn ở Trung Dõng, niềm hy vọng duy nhất của nghề gốm là thế hệ kế cận của vợ chồng bà Thu còn lắm mông lung. “Còn làm được thì tôi cũng cố động viên con cái làm, còn sau này thì cũng không biết sẽ ra sao” - bà Thu nói.
Được biết, ngoài các chính sách hỗ trợ trực tiếp, các nghề truyền thống còn được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với lãi suất 0% trong vòng 3 năm. Cùng đó, các cấp chính quyền đang nỗ lực hỗ trợ bảo tồn, phát triển nghề truyền thống. Mong rằng, nghề gốm truyền thống sẽ sớm có lời giải cho bài toán phát triển và bảo tồn, để những lò gốm Lư Cấm và gốm Trung Dõng còn đỏ lửa cho đến mai sau.
V.THÀNH