Hiện nay, một số tàu vay vốn ngân hàng theo Nghị định 67 đã phát sinh nợ xấu khiến các ngân hàng gặp khó trong thu hồi nợ.
Hiện nay, một số tàu vay vốn ngân hàng theo Nghị định 67 đã phát sinh nợ xấu khiến các ngân hàng gặp khó trong thu hồi nợ.
Chủ tàu nói khó
Cách đây hơn 3 năm, ngư dân Mai Thành Phúc (Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) đã rất hồ hởi khi được duyệt vay vốn ưu đãi đóng tàu theo Nghị định 67. Ông được BIDV Khánh Hòa cho vay hơn 4,4 tỷ đồng để đóng con tàu composite. Ông còn vinh dự được Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (thời điểm ấy) tặng 300 triệu đồng để đóng tàu. Khi ấy, ông Phúc đã rất tự tin vào phương án đầu tư, khai thác cũng như khả năng trả nợ. Tuy nhiên, thực tế lại không được như vậy.
Ông Phúc kể: “Thời điểm đóng tàu, ngư trường khai thác còn dồi dào nên nghĩ chắc làm là thắng. Tàu hạ thủy tháng 5-2015, năm đầu khai thác còn được, không phải trả lãi, nhưng từ năm thứ 2, khi bắt đầu trả nợ thì tình hình khai thác khó khăn, sản lượng giảm sút hẳn. Từ đầu năm đến nay, tàu tôi mới đi được 3 chuyến biển. Chuyến đầu lỗ 83 triệu đồng, chuyến 2 lời 7 triệu đồng, chuyến 3 lại lỗ 10 triệu đồng. Tháng này, tàu nghỉ nằm bờ vì thời điểm giao mùa, cá hiếm nên ra khơi sợ lỗ. Trông hết vào con tàu, nhưng khai thác không hiệu quả nên gia đình mới chỉ trả nợ cho ngân hàng được gần 400 triệu đồng”. Hiện nay, ông Phúc còn nợ BIDV Khánh Hòa hơn 4 tỷ đồng và số nợ này đã chuyển nợ quá hạn từ ngày 31-1-2018.
Ngư dân Trần Văn Đạt (Hòn Rớ, Phước Đồng) cho biết, ông đang gặp khó khăn trong trả nợ theo cách phân kỳ không đồng đều mà ngân hàng áp dụng hiện nay. Ông vay hơn 10 tỷ đồng tại Agribank Khánh Hòa, con tàu hạ thủy từ tháng 12-2016. Đến cuối năm 2017, ông đã trả ngân hàng 166 triệu đồng. Theo phân kỳ trả nợ quý I/2018, ông đã phải xoay xở khó khăn để trả 330 triệu đồng nhưng đang gặp khó cho kỳ trả nợ tiếp theo. Nguyện vọng của ông Đạt và một số chủ tàu 67 vay vốn ở Agribank Khánh Hòa là được phân kỳ trả nợ đồng đều trong suốt thời gian vay. Thế nhưng, kể cả áp dụng phân kỳ trả nợ đồng đều như tại BIDV Khánh Hòa thì đến nay, đã có 5/10 khách hàng vay phát sinh nợ quá hạn. Cụ thể, ông Lê Tuấn Hiệp (Hòn Rớ) vay hơn 10 tỷ đồng, đến ngày 31-10-2017, dư nợ hơn 9 tỷ đồng của ông đã chuyển nợ quá hạn. Ông Bùi Mông (phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh) vay 10,7 tỷ đồng của BIDV Khánh Hòa, đến 29-9-2017, dư nợ hơn 9,8 tỷ đồng đã chuyển nợ quá hạn…
Tại cảng cá Hòn Rớ, chúng tôi gặp chủ tàu Võ Ngọc Tùng (Hòn Rớ, Phước Đồng) và các thuyền viên đang chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến biển mới sau 2 tháng nằm bờ. Ông Tùng có 2 tàu gỗ và vay BIDV Khánh Hòa đóng thêm tàu 67 vỏ composite vào năm 2017. Ông Tùng chia sẻ: “Thắng thua còn do chọn nghề. Trước đây, tôi làm nghề câu đèn nhưng không hiệu quả nên đầu tư 2 dàn lưới rê. Lưới rê là nghề nổi nên hiệu quả hơn”. Tuy nhiên, khi hỏi đến khả năng trả nợ, ông Tùng nói sẽ cố gắng nhưng còn tùy thuộc vào chuyến biển đánh bắt…
Theo các chủ tàu, hiện nay, họ gặp nhiều khó khăn về ngư trường, nguồn lợi thủy sản giảm sút, giá nhiên liệu tăng, lao động đi biển thiếu trầm trọng… Đồng thời, kiến nghị chi trả tiền hỗ trợ dầu, tiếp tục giữ chính sách hỗ trợ bảo hiểm đến 90%.
Ngân hàng lo chuyện thu nợ
Tính đến ngày 31-5-2018, BIDV Khánh Hòa đã cho vay đóng mới 9 tàu và cải hoán 1 tàu với tổng số tiền hơn 75,6 tỷ đồng, dư nợ hơn 73,3 tỷ đồng. Agribank Khánh Hòa đã ký hợp đồng tín dụng đầu tư 20 tàu (18 tàu đóng mới, 2 tàu nâng cấp) chiếm hơn 60% tổng số tàu cũng như số vốn giải ngân trên địa bàn toàn tỉnh; tổng số tiền cam kết cho vay 210 tỷ đồng; số tiền đã giải ngân 200,5 tỷ đồng; thu nợ được 7,5 tỷ đồng, còn 4 con tàu vẫn đang tiếp tục giải ngân. Hiện nay, bên cạnh những chủ tàu trả nợ đúng kỳ hạn cam kết đã phát sinh một số trường hợp khó khăn.
Theo lãnh đạo BIDV Khánh Hòa, thực tế, khi cho các khách hàng vay theo Nghị định 67, ngân hàng đã thẩm định dự án vay vốn theo đúng quy trình, quy định của hội sở chính. Cụ thể, thẩm định hiệu quả đánh bắt hàng năm dựa vào số chuyến tàu đi biển thực tế trung bình hàng năm, sản lượng khai thác theo kinh nghiệm đánh bắt của chủ tàu, các chi phí thực tế phát sinh… từ đó xác định doanh thu, nguồn trả nợ. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, BIDV không thể kiểm soát được nguồn thu từ khai thác của chủ tàu để thu nợ do tính chất của việc đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng.
Còn theo lãnh đạo Agribank Khánh Hòa, theo phương án gửi cho ngân hàng, hầu hết khách hàng xây dựng doanh thu và lợi nhuận khá cao, thời gian hoàn vốn ngắn. Trong quá trình thẩm định, doanh thu và lợi nhuận được ngân hàng tính toán nhỏ hơn phương án khách hàng lập, thời gian cho vay được xác định theo đúng quy định là 16 năm để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thực hiện trả nợ.
Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối tháng 5-2018, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng tín dụng cho vay 31 tàu, gồm 28 tàu đóng mới và 3 tàu nâng cấp, số tiền cam kết cho vay 293 tỷ đồng. Các chủ tàu đã hạ thủy và đưa vào khai thác 25 tàu; trong đó, chuyển nợ xấu 3 tàu với số tiền 23 tỷ đồng (BIDV Khánh Hòa), 1 tàu cơ cấu lại nợ với số tiền 7,6 tỷ đồng (vay Agribank Khánh Hòa). |
Theo ông Cao Thế Trọng - Phó Giám đốc BIDV Khánh Hòa, tình trạng nợ quá hạn đã phát sinh và có khả năng tăng trong tương lai, BIDV Khánh Hòa đã báo cáo Ban chỉ đạo Nghị định 67 tỉnh về tình hình hiện tại và các biện pháp xử lý nợ vay. UBND tỉnh cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất chủ trương đồng hành, hỗ trợ cùng ngân hàng trong việc tháo gỡ khó khăn cũng như xử lý nợ vay theo quy định.
Ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Agribank Khánh Hòa cho biết, ngân hàng chia sẻ với những khó khăn của chủ tàu về ngư trường, nguồn lợi thủy sản giảm sút nhưng mong ngư dân tích lũy trả nợ khi đến hạn. Chi nhánh cũng kiến nghị UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa đề xuất Bộ Tài chính có ý kiến chỉ đạo các công ty bảo hiểm thực hiện bán bảo hiểm một cách đồng bộ, liên tục, tránh ngắt quãng, gây khó khăn cho khách hàng và tiềm ẩn rủi ro với vốn vay ngân hàng.
Theo ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, chi nhánh đã báo cáo NHNN Việt Nam, UBND tỉnh các khoản nợ xấu trong cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67. Trong khi chờ chỉ đạo, các ngân hàng cần phối hợp với chủ tàu thực hiện những biện pháp hỗ trợ như điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ cho khách hàng. Nếu đã thực hiện những biện pháp hỗ trợ nhưng chủ tàu vẫn không trả được nợ, không phối hợp trong việc trao đổi và thống nhất phương án xử lý thì ngân hàng tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật. Mặt khác, các ngân hàng thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu theo quy định tại Nghị định 17. Trường hợp chủ tàu đã vay vốn theo Nghị định 67 nhưng không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu cá, hoặc đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động sẽ bàn giao lại tàu và khoản nợ vay cho chủ tàu mới được UBND tỉnh phê duyệt thay thế.
NAM DU