TP. Nha Trang hiện có cả trăm cơ sở thu mua phế liệu nằm xen kẽ trong khu dân cư. Các vật liệu dễ cháy tại những vựa phế liệu khiến hỏa hoạn có thể ghé thăm bất cứ lúc nào.
TP. Nha Trang hiện có cả trăm cơ sở thu mua phế liệu nằm xen kẽ trong khu dân cư. Các vật liệu dễ cháy tại những vựa phế liệu khiến hỏa hoạn có thể ghé thăm bất cứ lúc nào.
Nhếch nhác
Ngay đầu đường Phong Châu (phường Phước Hải), bên cạnh khu đô thị mới là một điểm thu mua phế liệu lấn chiếm toàn bộ vỉa hè. Những chai lọ, lon bia để tràn xuống lòng đường, làm nơi cho ruồi nhặng bu bám. Cả vựa thu mua rộng chỉ vài chục mét vuông nhưng phế liệu chất cao ngất, bao bì, nhựa, bọc ni lông... ngổn ngang khắp nơi. Vựa này nằm lọt thỏm giữa nhiều quán sá và nhà dân. Chỉ đứng quan sát khoảng 10 phút nhưng chúng tôi cảm thấy khó chịu vì mùi hôi bay ra từ đây. Ông Nguyễn Tấn Cang (người dân sống trong khu vực) bức xúc: “Cơ sơ này rất nhếch nhác, đã nhiều lần chúng tôi phản ánh nhưng không hiểu sao không bị xử lý. Có những ngày họ kéo sắt thép, lon bia và các đồ vật xuống lòng đường để đập nghe inh tai, nhức óc. Nước thải từ phế liệu đổ ra rất mất vệ sinh”.
Qua tìm hiểu thực tế, hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang có khoảng 200 cơ sở thu mua phế liệu. Trong đó có 68 cơ sở không phép và hầu hết nằm ngay trong khu dân cư. Hầu như tất cả các vựa phế liệu đều vi phạm về trật tự đô thị. Vỉa hè là khu vực luôn bị các chủ vựa chiếm dụng làm nơi phân loại phế liệu, trong đó có cả rác thải công nghiệp. Do các điểm thu mua là nơi tập kết tạm, quy mô nhỏ hẹp nên bao tải phế liệu thường bị vứt bừa bãi, tràn ra vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông và ô nhiễm môi trường.
Tại cơ sở thu mua phế liệu Tuyết Hương trên đường 2-4 (phường Vĩnh Hải), chúng tôi được bà chủ cho biết, cơ sở hoạt động khoảng 5 năm. Địa điểm này do bà thuê mặt bằng để làm, tuy địa phương nhiều lần nhắc nhở, nhưng trong quá trình mua bán phế liệu, cơ sở vẫn không tránh khỏi những vi phạm về lấn chiếm lòng lề đường gây mất an toàn giao thông. Quan sát kho hàng của cơ sở này, chúng tôi thấy một không gian chật hẹp được sử dụng để chất hàng chục tấn phế liệu. Trong đó, có những loại dễ bắt lửa như: nhựa, ni lông, giấy các-tông được vô tư để gần đường dây điện trông rất nguy hiểm. “Biết buôn bán phế liệu là gây cản trở giao thông, nhưng nghề này nó thế, bây giờ cứ làm thôi, nếu phường kiểm tra thì mình dẹp vào”, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (chủ cơ sở Tuyết Hương) thừa nhận. Còn ông Hoàng Trường - đường Bắc Sơn phản ánh, cơ sở Tuyết Hương nằm ngay góc đường Bắc Sơn và 2-4, nên mỗi lần xuất, nhập hàng hóa thường cho xe tải đậu gây khó khăn cho người đi đường. Trong khi gần đó có Trường Mầm non Hướng Dương, vào giờ tan học, phụ huynh chở trẻ về muốn sang đường thường bị che chắn tầm nhìn bởi hoạt động của cơ sở này.
Cháy nổ rình rập
Đi dọc đường Thủy Xưởng (phường Phương Sơn), chỉ một đoạn ngắn vài trăm mét nhưng chúng tôi thấy san sát những cơ sở thu mua phế liệu. Với người dân địa phương, 9 vựa phế liệu ở đây luôn là nỗi ám ảnh về nguy cơ cháy, nổ, hỏa hoạn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Quan sát hoạt động của một số cơ sở thu mua phế liệu trong khu vực, chúng tôi thấy rõ sự chủ quan của các chủ cơ sở khi các trang bị an toàn lao động, cháy nổ không có. Thậm chí, có cơ sở sử dụng bình gas để cắt sắt bên cạnh các vật liệu dễ cháy. Điều đáng lo ngại, các điểm kinh doanh phế liệu hầu hết đều tạm bợ, việc đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ gần như bị bỏ ngỏ. Minh chứng dễ thấy nhất là bên trong các kho chứa, hệ thống đường dây điện cũ kỹ, giăng mắc chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao. Các cơ sở ít trang bị dụng cụ chữa cháy; nếu trang bị cũng mang tính chất đối phó. Nhiều cơ sở tuy có bình chữa cháy nhưng không đảm bảo về chất lượng. Khoảng cách giữa các thiết bị điện, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và phế liệu chưa đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, do nhận thức còn hạn chế, lại thêm tâm lý chủ quan trước những nguy cơ về mất an toàn phòng, chống cháy nổ, nên phần lớn người kinh doanh phế liệu cứ thấy vật gì bán được là sẵn sàng thu mua. Tại những cơ sở mà phóng viên khảo sát, nhiều nơi người làm công còn hút thuốc lá ngay trong kho phế liệu chứa đầy giấy mà không màng đến nguy cơ hỏa hoạn. Bản thân các chủ vựa phế liệu dường như cũng không ý thức hết những nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. Được hỏi về vấn đề hỏa hoạn, ông Nguyễn Phan Tú (chủ cơ sở phế liệu Anh Khoa) chép miệng: “Phế liệu nhiều như vậy nhưng cứ vài ngày chúng tôi lại cho xuất kho một lần, dễ gì mà cháy được. Bây giờ có sắm bình chữa cháy cũng chẳng để làm gì. Tôi làm nghề này cả chục năm nay nhưng có sao đâu. Mấy năm trước, giấy lộn mua vào còn nhiều hơn thế nhưng ở đây chưa bao giờ bị cháy. Mấy cơ sở làm vàng mã mới lo chứ kinh doanh phế liệu ăn thua gì”. Khi phóng viên đề cập đến vụ cháy vựa phế liệu mới xảy ra ở xã Vĩnh Ngọc, ông Tú cười xòa: “Ối, chỉ là xui thôi. Do chập điện mới cháy, chứ làm phế liệu mà cháy như vậy thì ai dám làm”.
Sẽ di dời
Mới đây tại cuộc họp giao ban tuần, đồng chí Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các điểm, cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn. UBND tỉnh chỉ đạo đôn đốc các đơn vị liên quan phối hợp với UBND TP. Nha Trang đẩy nhanh xây dựng phương án để di dời các điểm, cơ sở thu mua phế liệu ra khỏi trung tâm thành phố, tránh xa các khu dân cư tập trung nhằm đảm bảo mỹ quan và các yêu cầu về môi trường, phòng, chống cháy, nổ. |
Với những ẩn họa mà các vựa phế liệu gây ra, mới đây, UBND TP. Nha Trang đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Phòng Quản lý Đô thị chủ trì. Qua kiểm tra thực tế tại 53 cơ sở thu mua phế liệu, có tới 28 cơ sở không có giấy phép đăng ký kinh doanh. Tổ kiểm tra liên ngành phát hiện 12 cơ sở kinh doanh thu mua phế liệu vi phạm để chất phế thải lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của các hộ xung quanh khu vực và mỹ quan đô thị. Qua đó, Tổ kiểm tra liên ngành đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và đồng thời nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở còn lại nghiêm túc thực hiện quy định không được lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi tập kết chất phế thải. Riêng đối với các trường hợp không có giấy phép đăng ký kinh doanh, Tổ công tác đã yêu cầu tạm dừng kinh doanh cho đến khi làm đầy đủ các thủ tục về cấp giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định mới được tiếp tục hoạt động.
Hiện nay, UBND thành phố đã ngưng cấp giấy phép kinh doanh cho các cơ sở mới thành lập. Trong thời gian tới, sẽ có chủ trương đưa tất cả các vựa phế liệu trong nội ô ra vùng ven. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề này, các chủ cơ sở thu mua phế liệu đều cho rằng nếu di dời thì phải làm hết, chứ chỗ làm chỗ không thì sẽ không hiệu quả. Bởi nghề này phải ở trong khu dân cư mới mua được hàng, còn ở xa thì những người thu mua phế liệu sẽ bán cho các cơ sở ở gần.
Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Khắc Thinh - Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị cho biết: “Phòng Quản lý Đô thị nhận thấy các cơ sở thu mua phế liệu tại 19 phường nội thành đều nằm ở khu đông dân cư, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Do đó, việc di dời các cơ sở này ra khỏi khu vực đông dân cư là cần thiết. Tuy nhiên, qua rà soát hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang không còn quỹ đất để bố trí tập trung các điểm thu mua phế liệu. Do đó, Phòng Quản lý Đô thị đề nghị UBND TP. Nha Trang kiến nghị UBND tỉnh ban hành quy định lộ trình cụ thể về thời gian di dời để các cơ sở thu mua phế liệu tự tìm địa điểm, tự di dời ra khỏi khu vực đông dân cư (kể cả thành phố Cam Ranh, các thị trấn, thị xã…). Sau thời gian quy định sẽ thực hiện cưỡng chế buộc đóng cửa đối với các trường hợp không tuân thủ”.
Đình Lâm - Nhân Tâm