Mặc dù mang trong mình nỗi đau thể xác, thiệt thòi về tinh thần, nhưng không vì thế mà những người khuyết tật chịu khuất phục trước khó khăn. Ngược lại, ở họ luôn có một nghị lực để vượt lên hoàn cảnh, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội!
Mặc dù mang trong mình nỗi đau thể xác, thiệt thòi về tinh thần, nhưng không vì thế mà những người khuyết tật (NKT) chịu khuất phục trước khó khăn. Ngược lại, ở họ luôn có một nghị lực để vượt lên hoàn cảnh, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội!
Ý chí và nghị lực
Một ngày giữa tháng Tư, chúng tôi đến văn phòng Hội NKT huyện Diên Khánh (thôn 1, xã Diên Phú) khi ông Đinh Công Thạnh - Chủ tịch hội, cùng ông Phan Ra (quản lý văn phòng) đang sắp xếp lại các sản phẩm mỹ nghệ được làm ra từ bàn tay của các thành viên trong hội để chuẩn bị cho buổi lễ kỷ niệm ngày NKT Việt Nam (18-4). Thú vị là văn phòng hội cũng là phòng trưng bày sản phẩm và là nơi giao dịch với các khách hàng. Ngắm những tác phẩm đồ gỗ, vỏ ốc được chạm khắc tinh xảo, những bức tranh thêu sống động hay những đôi đũa tre... được trưng bày nơi đây, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Lần hỏi mãi, chúng tôi cũng gặp được người tạo ra những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ độc đáo ấy. Đó là anh Đoàn Minh Toàn (42 tuổi, ở thôn Phú Ân Nam 3, xã Diên An). Lúc này, anh Toàn cùng vợ và 2 người học trò trẻ tuổi đang chăm chút vào từng nhát đục, nét chạm trên các tấm gỗ. Nhìn người thợ chạm mộc bị liệt bán thân, nhưng đã có hơn 20 năm theo đuổi cái nghề đòi hỏi cao về sự khéo léo này, chúng tôi càng khâm phục ý chí nghị lực của anh. “Năm lên 2, sau cơn sốt bại liệt, tôi bị teo cơ chân trái và tay trái, chỉ có chân phải và tay phải là hoạt động tương đối bình thường. Khi lớn lên, thấy ba mẹ già vất vả làm nông lại còn phải bận bịu chăm sóc đứa con tật nguyền; tôi đã xin ba mẹ cho theo học nghề chạm gỗ từ một người thầy trong xã. Thời gian đầu, bàn tay trái của tôi không cầm nắm được bất cứ thứ gì, nhưng tôi cứ miệt mài luyện tập cho đến khi có thể kẹp được cái đục và giữ nó không bị rơi ra. Nghề mộc đối với một NKT như tôi, chỉ cần vậy là đủ!”, anh Toàn chia sẻ. Sau khi sống được với nghề, anh cưới vợ - chị Lê Thị Mộng Dung - cũng là NKT, rồi anh dạy nghề cho vợ. Hiện tại mỗi tháng, vợ chồng anh có thu nhập gần 10 triệu đồng từ nghề chạm gỗ. Không những thế, anh Toàn đã và đang dạy nghề cho gần 10 người ở địa phương không thu tiền học phí mà anh còn trả công từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng.
Câu chuyện về một thợ sắt bị điện giật cụt 2 tay, ở thôn Lương Phước, xã Diên Bình cũng khiến chúng tôi xúc động và khâm phục ý chí của anh. Anh Lưu Hồng Thơ - người thợ sắt bất hạnh hiện là chủ quán cà phê nhỏ bên con đường liên xã, cho biết: “Năm 2010, khi đang làm công trình ở Ninh Thuận, tôi không may bị điện giật, sau đó 2 tay bị hoại tử, phải cắt bỏ đến nửa cánh tay. Để tự lo cho bản thân và phụ giúp gia đình chữa bệnh cho bố, sau khi lành vết thương, tôi làm nghề phụ hồ một thời gian rồi xin vào Hội NKT của huyện và làm nghề trồng nấm rơm. Nhưng thấy không còn đôi tay, làm việc trồng nấm cũng rất khó nên cuối năm ngoái, hội đã vận động ủng hộ tôi 20 triệu đồng để xây dựng quán và làm vốn bán cà phê”.
Những ngày này, các tổ viên trong tổ trồng hoa, cây cảnh của Hội NKT huyện Cam Lâm đang cần mẫn chăm sóc hoa để kịp bán vào dịp rằm sắp tới. Vừa thoăn thoắt nhổ cỏ, ông Võ Thanh Tòng (50 tuổi, xã Cam Hiệp Bắc) cho biết: “Được tham gia vào sinh hoạt trong hội ngay từ những ngày đầu thành lập, tôi mới có điều kiện tiếp xúc với những người cùng cảnh ngộ. Chúng tôi động viên, chia sẻ và cùng nhau lao động, sản xuất bằng chính sức lực, sự cố gắng của bản thân. Làm việc ở đây, mỗi ngày tôi được chấm công hơn 50.000 đồng. Sau khi thu hoạch và bán sản phẩm, hội sẽ trả tiền công đó cho chúng tôi”. Được biết, ông Võ Thanh Tòng bị liệt 1 chân, thuộc đối tượng khuyết tật nặng. Tuy vậy, hàng ngày ông vượt quãng đường hơn 4km để chăm sóc vườn hoa. Hoàn cảnh gia đình ông Tòng rất éo le, vợ chồng ông sinh được 2 người con, nhưng người con trai đầu cũng bị khuyết tật. Hơn 400.000 đồng tiền trợ cấp hàng tháng của ông không đủ chi phí sinh hoạt cho cả gia đình. Nhiều lần ông đi xin việc làm nhưng không có nơi nào nhận. Rồi khi nghe Hội NKT thành lập và tạo công ăn việc làm cho hội viên (HV), ông đã viết đơn xin tham gia. Từ ngày vào hội, có việc làm, thu nhập từ nghề trồng hoa, cây cảnh và đan giỏ cần xé nên cuộc sống gia đình ông đã phần nào vơi đi khó khăn.
Điểm tựa của người khuyết tật
Để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống cũng như trong lao động sản xuất, năm 2000, khoảng vài chục NKT ở xã Diên Phú lập nên câu lạc bộ NKT; đến năm 2013 thì chính thức thành lập Hội NKT huyện Diên Khánh. Đến nay, hội có 182 HV có độ tuổi từ 16 đến 70 tuổi, chia làm 11 tổ sản xuất. Hội thực sự là điểm tựa vững chắc cho các HV khi hỗ trợ cho họ từ việc dạy nghề, kêu gọi hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất, xây dựng nhà xưởng, tìm kiếm khách hàng. Ông Đinh Công Thạnh cho biết: “Hiện tại, bình quân thu nhập của HV từ 2 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, thời gian qua, rất nhiều gia đình HV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được hội vận động các nguồn hỗ trợ để xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ vốn để tự phát triển sinh kế hay hỗ trợ học bổng cho con em HV học giỏi”.
Ông Võ Chí Bảo - Chủ tịch Hội NKT huyện Cam Lâm cho biết, tiền thân của Hội NKT huyện Cam Lâm là Câu lạc bộ NKT xã Cam Hiệp Nam được thành lập vào năm 2013. Ngày đầu thành lập, CLB chỉ có 26 HV. Tiếng lành đồn xa, nhiều HV ở các xã lân cận như: Cam An Nam, Cam An Bắc, Cam Thành Bắc, Cam Tân… cũng viết đơn xin tham gia sinh hoạt. Sau khi thành lập CLB, các HV đều có mong muốn có việc làm phù hợp để tạo thu nhập và phát triển CLB. UBND xã Cam Hiệp Nam đã giao cho CLB hơn 5.000m2 đất hoa màu, hơn 40 triệu đồng làm nguồn kinh phí để hoạt động. Có đất, có kinh phí, CLB đã đào giếng, lắp đặt đường điện, ống dẫn nước tưới… để trồng rau sạch. Từ đó, CLB dần phát triển và mở rộng quy mô các ngành nghề, tạo việc làm cho HV. Trước sự phát triển của CLB, các ngành chức năng và địa phương đã nâng cấp thành Hội NKT huyện Cam Lâm vào cuối năm 2017. Hiện nay, hội đã phát triển được hơn 200 HV.
Cần lắm sự hỗ trợ
Hiện tại, Hội NKT huyện Diên Khánh hoạt động rất hiệu quả. Theo ông Đinh Công Thạnh, những năm gần đây, sản phẩm của tất cả các ngành nghề của hội đều không đủ cung cấp cho các đơn đặt hàng. Tuy nhiên, một khó khăn mà Ban chấp hành hội luôn trăn trở đó là việc đào tạo nghề cho các HV. Bởi các đặc điểm khuyết tật của HV không giống nhau, trong đó mỗi nghề chỉ có thể có từ 5 đến 7 HV nên rất khó để mời cơ sở dạy nghề đến dạy, trong khi việc các HV đến các cơ sở để học nghề là rất khó khăn, thậm chí là không thể.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Võ Chí Bảo trăn trở, mô hình phát triển sản xuất hoa, cây cảnh và rau sạch của hội NKT huyện còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đầu ra cho sản phẩm thiếu ổn định, trụ sở sinh hoạt của hội vẫn chưa có, số lượng HV xin tham gia sinh hoạt ngày càng đông. Ngoài ra, do nguồn kinh phí ban đầu xã hỗ trợ mới chỉ đủ cho việc đầu tư cải tạo đất, lắp đặt hệ thống điện, đường ống dẫn nước… còn nguồn vốn mua con giống, phân bón, mua sắm dụng cụ sản xuất vẫn còn khá hạn chế. Nhiều ngành nghề gặp khó khăn ở đầu ra hoặc thiếu vốn. Hiện nay, hội đang rất cần sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ từ các cấp, ngành, chính quyền địa phương, nhà hảo tâm để tạo điều kiện cho hội chuyển đổi, mở rộng một số nghề phù hợp, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều HV.
VĂN GIANG - THẾ ANH
Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Hội NKT huyện Diên Khánh và huyện Cam Lâm là địa chỉ tin cậy, điểm tựa của NKT địa phương. 2 hội này đã kịp thời nắm bắt sự hỗ trợ của các tổ chức để đầu tư, mở rộng quy mô việc làm phù hợp cho HV. Từ đó, giúp cho hàng trăm NKT có được việc làm, thu nhập, tạo động lực để họ vượt qua số phận tật nguyền. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đã tích cực hỗ trợ cho NKT tiếp cận học nghề, tìm việc làm phù hợp.
_______________________________________________
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có khoảng 40.000 NKT. Ngành chức năng đã thực hiện xác định mức độ khuyết tật cho hơn 25.500 người. Trong đó, có hơn 17.100 NKT đặc biệt nặng và nặng đang được hưởng trợ cấp hàng tháng với mức từ 450.000 đến 1.080.000 đồng/tháng; hầu hết NKT được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí hàng năm.