Đề án thành lập Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt bắc Vân Phong còn chưa hoàn thiện, nhưng cơn sốt đất ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh đang liên tục nhảy múa. Kéo theo đó, hàng chục héc-ta đất rừng ven biển tại địa phương này đang bị người dân phát, đốt lấn chiếm, sang nhượng trái phép.
Kỳ 1: “Xí phần” đất công
Đề án thành lập Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt bắc Vân Phong còn chưa hoàn thiện, nhưng cơn sốt đất ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh đang liên tục nhảy múa. Kéo theo đó, hàng chục héc-ta đất rừng ven biển tại địa phương này đang bị người dân phát, đốt lấn chiếm, sang nhượng trái phép.
Mạnh ai người đó chiếm
Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi về xã Vạn Thạnh, địa phương hạt nhân của dự án Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt bắc Vân Phong. Bán đảo Đầm Môn như một tòa thiên nhiên lộng lẫy được bao bọc bởi những dãy núi cao đồ sộ. Nhìn từ xa, “lớp áo xanh” che phủ những dãy núi xuất hiện các đốm trắng loang lổ, là nơi mà cây cối đã và đang bị triệt phá với tốc độ chóng mặt.
Từ đường lớn dẫn vào xã, Hòn Trì sừng sững hiện lên ngay mép biển ở thôn Vĩnh Yên. Trong số đảo nhỏ gần bờ, trong ký ức của chúng tôi những lần đặt chân tới trước đây, Hòn Trì xanh mướt, cây cối phủ kín nhìn rất hoang sơ. Nhưng lần này đã khác, gần 1/2 đảo đã bị chặt phá, trong đó, một mảng lớn cây, cỏ bị đốt trụi. Tại Hòn Trì, cái nóng hầm hập của vùng đất vừa bị “bà hỏa” ghé thăm vẫn còn âm ỉ dưới lòng đất. Trên bề mặt, những gốc cây bị đốt trơ trụi, chỉ còn một màu đen của than.
Ông V. - người nuôi ốc hương ngay sát Hòn Trì cho biết, sau cơn bão số 12 năm 2017, một người tên Tân tại thị trấn Vạn Giã nói rằng gần hết Hòn Trì là đất của ông ta. Thời điểm đất vịnh Vân Phong bắt đầu sốt, ông này thuê khoảng chục người đồng bào dân tộc thiểu số đến đây ăn ở phát cây, thậm chí họ còn dùng nhiều máy cưa bất kể ngày đêm phát rẫy. Chỉ trong một thời gian, mấy héc-ta rừng xanh ngắt đã trơ trụi. Cũng theo người đàn ông này, đất ở Hòn Trì đều có chủ, ngoài ông Tân, có mấy người dân trong làng “xí phần” thuê nhân công tới phát, đốt.
Theo Nghị định 102 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng. Phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất. Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở. Bên cạnh đó, buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc trả lại đất đã lấn, chiếm. |
Những mảng đồi bị phát, đốt trơ trụi ở Hòn Trì chỉ là một trong rất nhiều phần đất rừng tại xã Vạn Thạnh đang ngày ngày bị tàn phá. Đi sâu vào xã, phóng tầm mắt ra những hòn đảo, không khó để thấy những mảng lớn cây cối đã bị đốn hạ. Theo người dân địa phương, ngày ngày, không dưới chục người được đưa ra các đảo bằng ghe. Người ta được thuê ra đảo để chặt phá cây lấy đất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài Hòn Trì thì Hòn Nhọn, khu vực Hòn Ngang - Mũi Đá Son, Hòn Ké… cũng đang bị tàn phá. Thậm chí, ngay dọc con đường vào mỏ khai thác đá Suối Sâu tại thôn Vĩnh Yên, nhiều diện tích đất đồi bị chặt hết cây cối; có chỗ người dân thuê cả máy múc, máy ủi san đất thành những mặt bằng phẳng để bán cho có giá. Một người được thuê chặt cây tiết lộ với chúng tôi, những người chủ đất trả từ 300 đến 350 ngàn đồng/ngày công. “Việc chặt hay đốt phải lén lút, thường là vào ban đêm. Mới mấy ngày rồi nhóm của tôi bị cơ quan chức năng phát hiện đang phát rẫy. Tôi bị thu mất chiếc xe máy”, người này cho hay.
Đất rừng hay đất trống?
Mang câu chuyện này đến Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh, chúng tôi được biết, theo bản đồ hiện trạng rừng, phần đất ở Hòn Trì, Hòn Đỏ bị chặt phá không phải là đất rừng, mà là đất có cây gỗ tái sinh, nằm ngoài đất lâm nghiệp. “Nếu đất rừng là chúng tôi biết ngay, phần đất rừng trên địa bàn xã chưa hề giao cho ai khai thác, sử dụng. Còn Hòn Trì, Hòn Đỏ là vùng đất trống, đồi núi trọc, không phải đất rừng, nên trách nhiệm quản lý thuộc về UBND xã”, ông Đỗ Lam Điền - Phó Hạt trưởng Phụ trách Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh khẳng định.
Ông Trần Kim Bảo - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh: Việc chặt, phá cây lấn chiếm đất rừng, đất đồi là trái pháp luật, những hành vi bị phát hiện, sẽ bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, việc mua bán đất đai không có giấy tờ hợp lệ mà chỉ bằng giấy tay không được pháp luật công nhận. Khi có tranh chấp, rủi ro hay thiệt hại, hai bên mua và bán sẽ tự chịu trách nhiệm. |
Tuy nhiên, câu trả lời từ UBND xã Vạn Thạnh về công tác quản lý đất đai trên địa bàn lại khá mơ hồ. Ông Lê Hoàng Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho rằng: “Thực tình bây giờ xã cũng chưa xác định rõ chỗ nào là đất rừng, chỗ nào là đất cây bụi.” Khi được phóng viên cung cấp hình ảnh về một khu đất đồi đã bị san ủi mặt bằng, nằm dọc theo đường vào mỏ đá Suối Sâu, ông Vương cho biết không rõ là đất của ai và chưa nắm về tình trạng này (?).
Theo số liệu mà Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh cung cấp, tổng diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên mà xã Vạn Thạnh quản lý khoảng 8.600ha. Trong đó, rừng tự nhiên là hơn 7.120ha, rừng trồng là 1.480ha. Trong khi đó, cán bộ địa chính xã lại cho biết, rừng của xã quản lý chỉ hơn 800ha, trong đó, rừng tự nhiên là gần 630ha; đất trồng rừng sản xuất là hơn 170ha. Độ vênh số liệu rừng như thế, không hiểu công tác quản lý đất đai trên địa bàn xã này sẽ như thế nào?
Đất đồi tiền tỷ
Cơn sốt giá đất ở Vạn Thạnh đã hầm hập lan sang đất trống đồi núi trọc. Những mảnh đất đồi từ lâu nay “cho không ai lấy” nay bỗng dưng được hét giá hàng tỷ đồng/ha. Ông H. - người dân thôn Vĩnh Yên cho biết: Đất đồi ở những vị trí đẹp giáp biển, giáp đường lớn đã có người mua hết. Vừa qua, ông Th., một người trong thôn đã bán gần 3ha với giá 8,5 tỷ đồng. Với đất không có sổ, giá có phần mềm hơn nhưng vẫn ở mức cao ngất ngưởng, dao động từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha.
Thấy chúng tôi quan tâm, ông H. nhiệt tình giới thiệu bà T. - người có nhu cầu bán đất đồi. Theo bà T., đất nhà bà cùng nhiều hộ quanh đó đều thuộc diện không sổ. Đất nhà bà T. nằm ở tầng thứ 2, nhưng người phụ nữ này nói: “Miếng giáp đường lớn là của một người dưới làng bán mấy hôm trước, giá gần 2,5 tỷ đồng/ha cũng chẳng sổ sách gì. Đất nhà tôi nằm ngay sau đó, rộng hơn chục héc-ta, rất may là gia đình còn một khoảnh khoảng 35m mặt đường để làm lối lên. Nếu muốn mua thì liên hệ sớm, chứ không mấy bữa nay nhiều đại gia Hà Nội vào lùng mua, để trễ sẽ không tới lượt”.
Có một thực tế, những mảnh đất đồi không giấy tờ mà chúng tôi tìm hiểu được chính là diện tích đất do xã quản lý, thế nhưng người dân đã vô tư “xí phần” với chỉ một vài cây họ trồng làm dấu. Điều đáng báo động hơn, những mảnh đất công đó lại được người dân mua bán một cách bất hợp pháp.
MẠNH HÙNG - VĨNH THÀNH