Hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm xe tải chở mía từ các tỉnh Tây Nguyên theo Quốc lộ 26 và Quốc lộ 1 vào nhà máy đường ở Ninh Hòa và Cam Ranh. Điều đáng nói, những xe này không chỉ chở quá tải mà còn cơi nới thành thùng, không hề che chắn, gây mất an toàn giao thông.
Hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm xe tải chở mía từ các tỉnh Tây Nguyên theo Quốc lộ 26 và Quốc lộ 1 vào nhà máy đường ở Ninh Hòa và Cam Ranh. Điều đáng nói, những xe này không chỉ chở quá tải mà còn cơi nới thành thùng, không hề che chắn, gây mất an toàn giao thông.
Hàng trăm chuyến mỗi ngày
Có mặt tại đèo Phượng Hoàng (phía Khánh Hòa) trong nhiều ngày, chúng tôi nhận thấy đúng như những gì người dân phản ánh. Mỗi ngày có hàng trăm xe tải chở mía từ các tỉnh Tây Nguyên đi qua Quốc lộ 26 và Quốc lộ 1 để nhập hàng vào nhà máy đường tại Ninh Hòa và Cam Ranh. Theo quan sát, hầu hết các phương tiện này có tải trọng trên 10 tấn, cơi nới thành thùng, không che chắn kỹ lưỡng. Trong quá trình vận chuyển, nhiều phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, làm rơi vãi mía ra đường, gây mất an toàn giao thông, làm cho người dân sống dọc tuyến quốc lộ bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Hoa (người dân xã Ninh Tây, Ninh Hòa) có nhà sát mặt đường Quốc lộ 26 bức xúc: “Khoảng một tháng nay vào vụ mía, các xe tải chạy rầm rầm bất kể ngày đêm, từng đoàn một; có khi hàng chục xe đua nhau phóng. Các xe chất hàng quá cao, lại chạy ẩu. Cách đây ít ngày, một chiếc xe biển kiểm soát 81 chạy làm rơi mía xuống đường làm một cháu học sinh đi xe đạp bị xây xước, xe bị hỏng. Vậy nhưng tài xế cứ thế phóng đi không chịu dừng lại. Tình trạng này nếu cứ tiếp tục thì chẳng mấy chốc con đường này sẽ bị xe quá tải cày nát”.
Chân đèo Phượng Hoàng (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) được xem là điểm dừng chân quen thuộc của cánh tài xế xe tải đường dài chở mía. Chủ quán nước là một người đàn ông đã lớn tuổi, cho biết gia đình ông đã sống ở đây mấy chục năm với nghề bán quán nước và xịt xe. Mỗi năm gia đình “kiếm” được nhiều nhất là mấy tháng xe tải chở mía nhập vào các nhà máy đường. “Cứ ra Tết là bắt đầu vào mùa thu hoạch mía. Hàng ngày có cả trăm đến vài trăm xe chở mía từ khắp các tỉnh Tây Nguyên về nhà máy đường ở Ninh Hòa. Nhà tôi mở quán nước phục vụ các lái xe mùa này, thu nhập cũng khá”, chủ quán nước cho biết.
Chở quá tải mới có… ăn?!
Có mặt ở quán nước, chúng tôi thấy hàng chục lái xe chở mía dừng lại nghỉ ngơi. Một tài xế chạy từ Gia Lai xuống cho biết, những tháng gần đây là “tháng củ mật” của cánh lái xe. “Thời điểm này, mía ở các tỉnh Tây Nguyên vào vụ chính nên các chủ mía lùng sục anh em tài xế chở cho họ. Chúng tôi làm nghề này mấy chục năm nay, cứ vào mùa mía là lại khăn gói lên Tây Nguyên chở mía về các nhà máy đường ở Khánh Hòa. Không chỉ Phú Yên mà các xe ở các tỉnh lân cận như: Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum… cũng đều tranh thủ đi chở mía thuê, thậm chí cả tài xế ở Khánh Hòa cũng lên chở hàng”, tài xế này cho biết.
Khi chúng tôi dò hỏi về việc xe chỉ khoảng hơn chục tấn mà chất cao như thế không sợ quá tải thì một tài xế thản nhiên nói: “Chạy đúng tải lấy gì mà ăn! Chỗ nào không biết chứ bọn tôi được chủ hàng khoán trắng mỗi tấn 300.000 đồng. Tài xế phải chịu mọi phí tổn từ xăng xe đến ăn uống, tiền đi đường; có khi phải ăn chực nằm chờ để được xếp tài vào nhà máy vì xe quá đông; vậy nên nhiều khi phải chở gấp đôi thậm chí hơn gấp đôi mới có ăn. Anh nào siêng năng một vụ mía cũng kiếm được mấy chục triệu đồng, có vốn dành dụm phòng những lúc rỗi việc”.
Khó xử lý?
Nhiều ngày bám theo các xe chở mía trên các tuyến đường kể cả ngày và đêm nhưng phóng viên không hề thấy có lực lượng chức năng cân tải trọng các phương tiện này. Thậm chí khi được hỏi về tình trạng xe chở mía quá tải chạy qua địa bàn, ông Lê Xuân Tuyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây khẳng định: “Tôi nghĩ nếu có cũng là ở quanh vùng trồng mía thôi, chứ xe từ Tây Nguyên xuống không dám chở vì có lực lượng cảnh sát giao thông hay thanh tra giao thông kiểm soát. Mà cho dù có thì chắc các xe này cũng chỉ dám chạy ban đêm để qua mặt cơ quan chức năng”, ông Tuyên nói.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết, trước đây lực lượng thanh tra giao thông sở có lập chốt cân tải trọng các xe mía từ Tây Nguyên xuống, nhưng 2 năm gần đây kế hoạch phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an kết thúc nên lực lượng thanh tra sở không còn quản lý vấn đề này trên tuyến Quốc lộ 26 mà việc này giao cho Chi cục Quản lý đường bộ III.3 (Cục Quản lý đường bộ III).
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được ông Tạ Thanh Tình - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 cho biết, việc kiểm soát xe quá tải trọng là vấn đề cần sự vào cuộc của nhiều ngành, kể cả địa phương chứ không phải riêng của chi cục. “Thời gian qua, chi cục cũng tổ chức được một đợt cho anh em lên Quốc lộ 26 cân các xe mía nhưng chỉ cân được vài xe thì hết do các tài xế báo hiệu cho nhau. Khi lực lượng chức năng làm việc thì tài xế tấp vào lề đường hoặc một khu đất trống để tránh. Trong khi lực lượng chức năng mỏng, dàn trải qua cả Phú Yên nên không thể chốt trực 24/24 giờ. Vì vậy, việc xử lý các xe mía quá tải rất khó khăn. Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục lên kế hoạch kiểm soát tải trọng trên các tuyến để hạn chế tối đa tình trạng này”, ông Tình nói. Một thanh tra giao thông cũng cho biết, các phương tiện chở mía đường dài đều có “chim mồi” dẫn đường. Chỉ cần thấy bóng lực lượng chức năng là ngay lập tức báo các tài xế ngừng hoạt động. Chỉ đến khi lực lượng chức năng dời đi các xe này mới hoạt động trở lại.
Thiết nghĩ, nếu để tình trạng xe quá tải chạy hàng ngày trên quốc lộ, “qua mặt” cơ quan chức năng mà không bị xử lý thì sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Việc này không chỉ có nguy cơ cao mất an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường. Vì thế, đã đến lúc cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng này.
THÀNH NAM