11:03, 13/03/2018

Khai thác quặng trái phép ở Khánh Vĩnh: Ai bảo kê?

Tình trạng khai thác quặng trái phép tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã diễn ra lâu nay với quy mô ngày càng rộng lớn. Tuy chính quyền địa phương đã lập những trạm canh ngay trung tâm khu vực khai thác để ngăn chặn nhưng theo nhiều đối tượng khai thác, đó lại là nơi để họ bán quặng cho những người có chức năng canh giữ!.

 

Tình trạng khai thác quặng trái phép tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã diễn ra lâu nay với quy mô ngày càng rộng lớn. Tuy chính quyền địa phương đã lập những trạm canh ngay trung tâm khu vực khai thác để ngăn chặn nhưng theo nhiều đối tượng khai thác, đó lại là nơi để họ bán quặng cho những người có chức năng canh giữ!.

 

Kỳ 1: Tan hoang rừng phòng hộ đầu nguồn


Theo chân phu quặng lên núi


Hiện tại, khu vực khai thác quặng vonfram trái phép ở khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc xã Khánh Thành đã mở rộng đến hàng trăm héc-ta. Nhiều ngọn núi bị cày xới, cây rừng bị trốc đổ ngổn ngang, vô số khe nước màu vàng cam từ các bãi khai thác ngày ngày chảy xuống suối đổ về dòng sông Khế…

 

Trong vai những người từ nơi xa đi đến đào quặng, sáng 11-3, chúng tôi lên khu vực rừng phòng hộ trên địa bàn xã Khánh Thành để tìm hiểu về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Theo con đường độc đạo từ trung tâm xã về phía nam, hành trình của chúng tôi ngày càng trở nên khó khăn khi phải băng qua gần chục con suối chảy cắt ngang, trong đó có 4 điểm nước ngập nửa bánh xe và những con dốc đứng chi chít đá dăm nhọn hoắt.

 

zzLán trại của quặng tặc mọc chi chít bên sườn núi.

Lán trại của quặng tặc mọc chi chít bên sườn núi.

 

Nghỉ mệt dưới chân một con dốc, chúng tôi gặp nhóm 4 người từ trong căn chòi ở lưng chừng dốc đi xuống. Một người trong số họ lên tiếng: “Các chú đi vào đây làm gì?”. Nghe chúng tôi giới thiệu từ Ninh Hòa lần đầu vào thăm dò với mục đích khai thác quặng “chui”, ban đầu họ tỏ ra ngờ vực, nhưng sau một hồi bắt chuyện, họ đã quyết định hướng dẫn và giúp đỡ chúng tôi lên núi rất nhiệt tình. “Tưởng các chú là người của cơ quan chức năng đến kiểm tra, chứ đã là dân cùng nghề với nhau thì anh em tôi sẵn sàng giúp đỡ. Từ đây lên đến bãi khai thác không phải băng suối nữa mà toàn dốc đứng hiểm trở hơn thế này nhiều, xe của các chú không phải là xe độ nên không thể leo được đâu. Nhưng đã vào đến đây thì chỉ còn cách là kéo xe lên chân bãi quặng cất rồi tiếp tục đi bộ, chứ nếu giấu xe ở đây sẽ bị tụi nó đốt hủy hoặc xả hơi bánh xe. Mà dù chỉ xả hơi thì các chú cũng phải bỏ xe chứ làm sao mà đưa ra khỏi rừng được. Anh em tôi đang tính đi tắt băng rừng, nhưng nếu các chú vẫn quyết lên núi kiếm tiền thì bọn tôi sẽ giúp”, một người phu quặng nói.


Tạo được niềm tin ban đầu với nhóm phu quặng, chúng tôi quyết định thuê họ “hộ tống” chiếc xe lên đến chân bãi khai thác cách đó khoảng 4km. 3 người phụ chúng tôi kéo, đẩy xe vượt qua nhiều con dốc, người còn lại cầm cục đá khá to, đi sát phía sau để làm nhiệm vụ chèn bánh xe những lúc chúng tôi dừng lại nghỉ để xe không bị tuột trở lại. Cứ thế, sau 2 giờ, chúng tôi cũng đến được khu vực rừng cỏ lau rậm rạp để giấu xe, rồi tiếp tục hành trình lên khu vực khai thác quặng cách đó khoảng hơn 1km.


Cày nát rừng phòng hộ


Vượt qua khu vực cỏ lau rậm rạp che khuất tầm nhìn, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là rất nhiều ao chứa bùn đặc sánh, màu vàng cam. Những cái ao này được đắp bờ hoặc quây bằng bạt, được bố trí liền kề nhau theo hình vòng cung dưới chân một ngọn núi. Trên sườn núi này, cây rừng chỉ còn lưa thưa nên rất dễ nhìn thấy hàng chục lán trại do các đối tượng khai thác quặng dựng lên để trú ngụ dài ngày trên núi. “Đây là nước, bùn từ các bãi khai thác quặng chảy xuống. Chúng tôi phải quây thành ao dưới chân núi để lắng bớt bùn trước khi chảy xuống suối nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường”, Cao Miên - một người trong nhóm hỗ trợ chúng tôi cho biết.

 

Cảnh khai thác của một nhóm quặng tặc.

Cảnh khai thác của một nhóm quặng tặc.


Khi chúng tôi tiếp cận được bãi khai thác quặng đầu tiên, mặt trời đã đứng bóng, trời nắng như đổ lửa. Vậy nhưng toàn bộ phu quặng ở khu vực này vẫn miệt mài đào bới, đãi quặng dưới những hầm, hào. Trong những lán trại của họ chỉ còn những đứa trẻ chơi đùa.


Quan sát nhanh khu vực bãi khai thác này, chúng tôi tiếp tục hướng lên đỉnh núi. Nhưng việc vượt qua khu vực này hết sức khó khăn và nguy hiểm, bởi toàn bộ triền núi đã bị đào bới thành những hố sâu từ 3 - 5m và vô số đường hào nối những hầm này với nhau, cây rừng bị trốc gốc, đổ la liệt… Gần đến đỉnh núi, thấy một nhóm 6 người đang hì hục chăng lều, chúng tôi lấy cớ xin nước uống để tiếp cận họ. Sau một hồi trò chuyện, khi không còn những ánh nhìn cảnh giác, một người trong số họ mới tiết lộ: “Nhóm chúng tôi đều là người ở xã Khánh Thành. Biết việc phá rừng để khai thác quặng là vi phạm pháp luật, nhưng thấy giá bán cao và có rất nhiều người cũng khai thác mà không ai bị bắt nên anh em tôi cũng đánh liều lên đây khai thác. Mỗi lần lên núi, chúng tôi chỉ mang theo được lượng nhu yếu phẩm đủ dùng trong 1 tuần nên khi hết lại phải quay xuống lấy thêm. Còn quặng khai thác được thì chúng tôi bán ngay trên này”.

 

Một công đoạn của dân khai thác quặng.

Một công đoạn của dân khai thác quặng.


Theo chỉ dẫn của nhóm người trên, chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào lãnh địa của phu quặng nằm ở ngọn núi phía sau, được họ gọi là núi Bò Rừng. Tại đây, cảnh tượng hoang tàn của khu rừng phòng hộ do nạn khai thác quặng trái phép tạo nên càng khủng khiếp hơn. Hầm, hào khai quặng chi chít như mạng nhện trải rộng cả sườn núi, trên đó lán trại được dựng lên như nấm; có những khu vực, chủ bãi nuôi cả chó, gà để làm thực phẩm tại chỗ. Ảnh vệ tinh từ Google Map thể hiện, toàn bộ khu vực khai thác quặng trái phép chúng tôi đang có mặt là rất rộng lớn, có màu vàng nhạt của đất, nổi bật giữa màu xanh của những khu vực rừng xung quanh.


Hủy hoại môi trường


Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại quặng mà hàng trăm đối tượng đang bất chấp vi phạm pháp luật, hủy hoại môi trường và đánh đổi cả sự an toàn của bản thân để đào tìm nói trên là vonfram - một loại kim loại quý hiếm, có nhiều ứng dụng quan trọng trong công nghiệp chế tạo.


Hiện nay, giá bán tại nơi khai thác cho các đối tượng bảo kê, đầu nậu từ 160.000 - 180.000 đồng/kg. Theo các đối tượng này, tình trạng khai thác quặng trái phép nơi đây bắt đầu từ năm 2012 và ngày càng mở rộng phạm vi khai thác. Chính vì thế, đến nay, hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ đầu nguồn đã bị hủy hoại. Cùng với đó, do quy trình khai thác quặng nơi đây sử dụng rất nhiều nước để vừa xịt vừa đào, rồi đãi. Nước sau khi sử dụng chứa bùn sánh đặc chảy xuống suối, rồi hòa vào sông Khế, khiến nước sông vẩn đục. Trong khi đó, từ trước đến nay, những con suối, dòng sông này là nơi cung cấp nước sinh hoạt quanh năm của đại bộ phận người dân trên địa bàn.

Chính vì vậy, việc khai thác quặng trái phép nơi đây đã khiến người dân địa phương bức xúc suốt nhiều năm qua.


Bản thân người khai thác quặng cũng luôn bị rình rập bởi nguy cơ tai nạn rất cao do sập hầm, đá, cây đè. Nhiều phu quặng cho biết, từ năm 2015 đến năm 2017, ở khu vực này đã có 3 người chết do tai nạn trong lúc khai thác quặng.


Ngay trung tâm khu vực khai thác quặng rộng lớn và rầm rộ nhất trên sườn đồi, từ lâu chính quyền địa phương đã cho dựng căn chòi canh nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác quặng trái phép. Nhưng, rất gần xung quanh nó, việc đào, đãi quặng vẫn diễn ra một cách công khai. Dẫu vậy, chúng tôi không hề ngạc nhiên trước cảnh nghịch lý này, bởi trước đó, nhiều phu quặng cho biết, đây là nơi họ bán quặng cho những người trong lực lượng chức năng canh giữ.   



THÀNH LONG - THẾ ANH