Chăm sóc chu đáo, gần gũi và tận tình với bệnh nhân… là hình ảnh đẹp của những nữ tu khoác áo blouse trắng hàng ngày miệt mài với công việc thiện nguyện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Chăm sóc chu đáo, gần gũi và tận tình với bệnh nhân (BN)… là hình ảnh đẹp của những nữ tu khoác áo blouse trắng hàng ngày miệt mài với công việc thiện nguyện tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa.
Tận tình và chu đáo
Bước vào Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (BVĐK tỉnh), quan sát không khí làm việc của các bác sĩ, điều dưỡng, chúng tôi cảm nhận được sự bận rộn và vô cùng căng thẳng. Lẫn trong đội ngũ nhân viên y tế ấy, chúng tôi nhận ra 2 nữ tu của Hội dòng mến Thánh giá Nha Trang, khi nhìn thấy tượng Thánh giá gắn trên cổ áo blouse trắng của họ.
Sơ Trần Ngọc Quế Thanh tình nguyện chăm sóc BN tại khoa gần 2 năm chia sẻ, hàng ngày, các sơ đến khoa làm việc theo giờ hành chính, với các công việc như: thay băng cho BN, súc miệng, hút đờm, xoay trở người cho BN nặng, xử lý thuốc… Do đã được học điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa nên các sơ khá thông thạo việc chăm sóc BN. Không những thế, họ luôn tận tình, gần gũi BN như người thân của mình. Sơ Nguyễn Thị Nhật Khánh tâm sự: “Khi tôi mới vào làm, gặp một BN nữ đã lớn tuổi bị tai biến nằm một chỗ trong thời gian dài, khắp người lở loét, nhiều chỗ bị hoại tử bốc mùi, hàng ngày, tôi cùng các điều dưỡng thay nhau chăm sóc, vệ sinh cho BN. Sau một thời gian dài, các vết lở loét mới bắt đầu khô và liền lại”.
Không chỉ tận tình với BN mà các sơ còn rất chu đáo với người nhà BN, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Đôi khi chỉ là hộp sữa, lon nước yến, miếng tã giấy… nhưng sự chia sẻ của các sơ cũng giúp làm ấm lòng những người đang gặp khó khăn. Đến bây giờ, các sơ và điều dưỡng ở khoa vẫn chưa quên một trường hợp khá đặc biệt, đó là BN V.A.T. (hơn 30 tuổi) ở xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm. BN T. nhập viện vì bị liệt cơ không đi lại được. Điều trị tại khoa một thời gian, do bệnh tình trở nặng nên T. được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình T. quá khó khăn trong khi chi phí điều trị, ăn ở tại TP. Hồ Chí Minh lại quá lớn. Biết được hoàn cảnh của T., các sơ đã trình bày với sơ tổng của Hội dòng mến Thánh giá Nha Trang ủng hộ gia đình T. 5 triệu đồng để có thêm một phần chi phí lúc chuyển viện.
Được biết, các sơ của Hội dòng mến Thánh giá Nha Trang tham gia hoạt động tình nguyện tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc đã gần 4 năm. Ban đầu có 4 sơ tham gia, hiện nay còn 2 sơ, 2 sơ khác đã được cử đi học thạc sĩ từ đầu năm. Gắn bó với các sơ từ những ngày đầu làm việc, chị Nguyễn Thị Điệp (một điều dưỡng đã làm việc tại khoa 17 năm) cho biết: “Các sơ làm việc rất nhiệt tình, tận tâm. Nhiều ca BN nặng, không kiểm soát được vấn đề vệ sinh nhưng họ đều không nề hà, e ngại. Chăm sóc người bệnh như người nhà, thương người như thương mình, đúng với đức hạnh của những nữ tu”.
Hết lòng với bệnh nhân
Tuy mới vào làm chưa được 1 năm ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc và Khoa Nội tổng hợp thần kinh, nhưng nhắc đến sơ Nguyễn Thùy Duy Lam ai cũng biết. Bởi sơ không chỉ là bác sĩ được đào tạo từ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mà còn là người luôn hết lòng với BN. Khó khăn lắm chúng tôi mới có được thời gian nói chuyện với sơ Duy Lam, nhưng buổi nói chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi BN phải thăm khám hôm đó khá đông.
Tại giường của BN Phạm Văn May (Hòn Rớ, Phước Đồng, TP. Nha Trang) đang điều trị vì tai biến tim mạch, sau khi khám, sơ Lam ân cần hỏi thăm việc ăn uống của BN, đồng thời không quên nhắc nhở người nhà cần chú ý không để BN ăn uống đồ ngọt vì có tiền sử bệnh tiểu đường, dễ gây biến chứng. Rời giường BN May, sơ Lam tiếp tục đến khám cho cụ bà bị đột quỵ, đi lại khó khăn. Gặp sơ Lam, cụ bà vui như gặp con cháu trong gia đình. Với giọng nói ấm áp, thân tình, sơ Lam động viên cụ bà cố gắng ăn uống và tập vật lý trị liệu để bệnh chuyển biến tốt.
Được biết, sơ Nguyễn Thùy Duy Lam cũng là nữ tu Hội dòng mến Thánh giá Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp đại học y, sơ được hội dòng cử về tham gia hoạt động thiện nguyện tại BVĐK tỉnh từ đầu năm 2017. Là bác sĩ đa khoa nên ban đầu sơ Lam làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, sau này chuyển sang Khoa Nội tổng hợp thần kinh. Sơ Lam chia sẻ: “Linh đạo của dòng tu là đem hết khả năng của bản thân để giúp đỡ, chia sẻ và yêu thương mọi người. Vì vậy, khi chọn học ngành Y, tôi cũng đã tâm niệm luôn hết lòng chăm sóc, giúp đỡ cho người bệnh được khỏe mạnh, an yên”.
Với sơ Lam, quãng thời gian tham gia hoạt động thiện nguyện tại BVĐK tỉnh có rất nhiều ý nghĩa. Khi sơ đang làm việc tại đây thì bố của sơ cũng nhập viện điều trị bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Những ngày chăm sóc người cha bệnh nặng, sơ Lam càng thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn và cả những đau đớn mà BN lẫn người nhà phải trải qua. Vì vậy, sơ Lam lại cảm thấy họ gần gũi như người thân của mình. “Chính từ hoàn cảnh của mình mà tôi càng gắn bó hơn với con đường đã chọn. Sự sống vốn dĩ rất mong manh, nên làm được gì cho mọi người thì tôi luôn sẵn lòng làm hết khả năng của mình”, sơ Lam tâm sự.
Đưa đạo vào đời
Theo bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, tại khoa luôn có 30 - 35 BN điều trị, chưa kể khoa phải đảm nhiệm gần 280 BN điều trị thận nhân tạo. Trong khi đó, điều dưỡng của khoa chỉ khoảng 60 người. Do BN của khoa phần lớn là bệnh nặng, nên theo quy định của Bộ Y tế, 1 điều dưỡng phải chăm sóc cho 2 - 4 giường bệnh. Tuy nhiên, với số BN của khoa hiện nay, công việc của các điều dưỡng luôn chịu áp lực cao. Vì vậy, có sự giúp đỡ của các sơ Hội dòng mến Thánh giá Nha Trang, công việc chăm sóc BN của khoa được hỗ trợ rất nhiều. “Các sơ làm việc rất nhiệt tình, có trách nhiệm và hoàn toàn thiện nguyện, không có lương hay khoản bồi dưỡng nào. Việc làm của các sơ đã chia sẻ bớt công việc của khoa và đem lại niềm vui cho BN. Hàng năm, bệnh viện tổ chức tri ân những tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thiện nguyện thì luôn có sự hiện diện của các sơ thuộc Hội dòng mến Thánh gia Nha Trang”, bác sĩ Kỷ cho biết.
Được biết, Hội dòng mến Thánh giá Nha Trang đã có nhiều hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Sơ Nguyễn Thị Xinh - sơ tổng của Hội dòng mến Thánh giá Nha Trang cho biết, hiện tại, hội dòng có một cô nhi viện “Mái ấm nhân ái” với khoảng 100 cháu, một ngôi nhà có tên “Mái ấm hy vọng” ở thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm nuôi trẻ em bị khuyết tật, ngôi nhà nuôi những người bệnh phong ở huyện Cam Lâm và nhiều hoạt động thiện nguyện khác. Hội dòng có khoảng 486 sơ đang hoạt động tình nguyện với các công việc khác nhau, từ chăm sóc BN, nuôi dạy trẻ đến chăm người bị bệnh phong, người già cô đơn...
“Bổn phận của hội dòng là luôn mong muốn cứu giúp mọi người, không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo; mang niềm vui, hạnh phúc đến người nghèo, bệnh tật, cô đơn. Đó cũng chính là tâm nguyện sống tốt đời đẹp đạo, đưa đạo vào đời và đến với mọi người của mỗi người tu sĩ chúng tôi”, sơ Xinh chia sẻ.
MAI HOÀNG