07:09, 10/09/2015

Cân nhắc trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bổ sung quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả do mình gây ra, ....

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bổ sung quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Về vấn đề này, tôi không thống nhất với dự thảo.


Theo tôi, việc người bệnh sử dụng phải thuốc chữa bệnh, phòng bệnh giả đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong. Điều này khắc phục như thế nào khi mạng sống của người bệnh là quan trọng nhất? Đối với tội tham ô, nếu dùng tiền để đổi lại mạng sống thì sẽ tạo kẻ hở cho người phạm tội. Họ sẽ có suy nghĩ cứ tham ô và cơ bản khắc phục thì sẽ thoát án tử hình. Theo tôi, khi phạm vào tội này ở mức án tử hình thì ngoài hình phạt tử hình, còn phải khắc phục hậu quả.


Cũng không nên bổ sung quy định không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên, vì như vậy sẽ tạo cho đối tượng phạm tội lợi dụng quy định để người trên 75 tuổi nhận tội thay để thoát án tử. Chưa kể cũng có thể chính người trên 75 tuổi là người chỉ huy một băng nhóm tội phạm nguy hiểm.


PHẠM THỊ XUÂN TRANG
(Phòng Tư pháp TP. Nha Trang) N.V (ghi)