Trong Bộ luật Dân sự có quy định về thời hạn và thời hiệu. Đây là những yếu tố quan trọng nhằm xác định quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự. Vậy, thời hạn và thời hiệu khác nhau như thế nào?
Hỏi: Trong Bộ luật Dân sự có quy định về thời hạn và thời hiệu. Đây là những yếu tố quan trọng nhằm xác định quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự. Vậy, thời hạn và thời hiệu khác nhau như thế nào?
(Lê Công Bình, Diên Khánh)
Trả lời: Thời hạn và thời hiệu được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định từ Điều 144 đến Điều 157.
Theo đó, thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác, được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra. Thời hạn gồm 3 loại: Thời hạn do luật định; Thời hạn thỏa thuận theo ý chí của các bên; Thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định khi xem xét, giải quyết các vụ việc cụ thể. Thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hạn được tính theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 hoặc theo thỏa thuận của các bên tham gia quan hệ dân sự. Thời hạn được tính theo dương lịch, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trong khi đó, thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Thời hiệu thường được tính bằng ngày, tháng, năm tùy theo quy định của pháp luật và được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu. Thời hiệu gồm 4 loại: Thời hiệu hưởng quyền dân sự; Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự; Thời hiệu khởi kiện và Thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.
Luật sư Nguyễn Quang Vinh