09:05, 07/05/2021

Quy định về bình đẳng trong bầu cử

Thế nào là nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử? Bình đẳng là nguyên tắc quan trọng xuyên suốt quá trình bầu cử, từ khi lập danh sách cử tri cho đến khi xác định kết quả bầu cử.

Hỏi: Thế nào là nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử?


  (Đức Phát, TP. Cam Ranh)


Trả lời: Bình đẳng là nguyên tắc quan trọng xuyên suốt quá trình bầu cử, từ khi lập danh sách cử tri cho đến khi xác định kết quả bầu cử. Nguyên tắc này nhằm bảo đảm tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều có khả năng như nhau tham gia bầu cử và ứng cử; nghiêm cấm mọi sự phân biệt, kỳ thị dưới bất cứ hình thức nào. Nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử được quy định tại Điều 7 Hiến pháp năm 2013 và Điều 8, Điều 9, Điều 69 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, thể hiện như sau: Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình cư trú; mỗi người chỉ được ghi tên vào danh sách những người ứng cử ở 1 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội hoặc 1 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND thuộc 1 đơn vị hành chính ở cấp tương ứng; mỗi cử tri chỉ được bỏ 1 phiếu bầu đại biểu Quốc hội và 1 phiếu bầu đại biểu HĐND ở mỗi cấp; giá trị phiếu bầu của mọi cử tri như nhau mà không có sự phân biệt.


Nguyên tắc bình đẳng đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, số lượng đại biểu được bầu ở từng địa phương, bảo đảm tính đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội; các dân tộc thiểu số và phụ nữ có tỷ lệ đại diện hợp lý trong Quốc hội, HĐND.


Thạc sĩ Luật học, luật gia Lê Thị Hồng Thanh