Sau khi ly hôn, tôi nuôi con chung duy nhất 5 tuổi, tôi không yêu cầu người chồng cấp dưỡng bởi quá trình chung sống anh ấy đã thiếu trách nhiệm với vợ con. Trước đây khai sinh cho con mang họ của chồng tôi, nay tôi muốn đổi họ cho cháu sang họ của tôi được không?
Hỏi: Sau khi ly hôn, tôi nuôi con chung duy nhất 5 tuổi, tôi không yêu cầu người chồng cấp dưỡng bởi quá trình chung sống anh ấy đã thiếu trách nhiệm với vợ con. Trước đây khai sinh cho con mang họ của chồng tôi, nay tôi muốn đổi họ cho cháu sang họ của tôi được không?
Kiều Lan (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa)
Trả lời: Quyền có họ, tên là một trong những quyền nhân thân của cá nhân. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Việc xác nhận họ của một người được ghi nhận tại Bộ luật Dân sự, theo đó, họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Việc thay đổi họ cũng là một quyền của cá nhân. Trong một số trường hợp được pháp luật quy định, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, trong đó có trường hợp thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại.
Theo Nghị định 123/2015 của Chính phủ, khi đăng ký khai sinh, họ (cũng như chữ đệm, tên) của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ và được thể hiện trong tờ khai đăng ký khai sinh. Tờ khai này được Bộ Tư pháp ban hành cũng thể hiện sự thỏa thuận của cha, mẹ về các nội dung khi đề nghị đăng ký. Với việc thay đổi họ, nghị định của Chính phủ quy định rõ: Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.
Các quy định nêu trên cho thấy, bạn không tự ý xin thay đổi họ cho con của mình được, mà việc đó cần có sự đồng thuận của người cha của cháu.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng