09:09, 23/09/2022

Nên kiềm chế!

Đứng trước bục xét hỏi tại phiên tòa phúc thẩm là đôi vợ chồng T.T.L.Q (sinh năm 1988) và N.T.T (sinh năm 1983), cùng trú thị xã Ninh Hòa. Ngoài họ, còn có bị cáo N.T.L (sinh năm 1965), mẹ đẻ của Q., xin xét xử vắng mặt vì bệnh. Vì sao cả gia đình vướng vòng lao lý là câu hỏi mà người dự thắc mắc khi khai mạc phiên tòa.

Đứng trước bục xét hỏi tại phiên tòa phúc thẩm là đôi vợ chồng T.T.L.Q (sinh năm 1988) và N.T.T (sinh năm 1983), cùng trú thị xã Ninh Hòa. Ngoài họ, còn có bị cáo N.T.L (sinh năm 1965), mẹ đẻ của Q., xin xét xử vắng mặt vì bệnh. Vì sao cả gia đình vướng vòng lao lý là câu hỏi mà người dự thắc mắc khi khai mạc phiên tòa.


Trước tòa, hai vợ chồng bị cáo thanh minh trong ấm ức, rằng không phải họ vô cớ bắt bị hại. Trước đó, Q. đưa cho bị hại 165 triệu đồng để đầu tư kinh doanh đất thổ mộ, nhưng bị hại không thực hiện, cũng không trả lại tiền. Đang lo thắt ruột không đòi được tiền thì sáng đó, Q. thấy bị hại chở con đi qua. Không kịp nghĩ ngợi, Q. vội kêu T. ra chặn xe bị hại để yêu cầu trả tiền. T. lập tức chạy ra, ra hiệu cho bị hại dừng xe. Nhưng bị hại không làm theo và để xe máy va chạm vào T., dẫn tới ngã xe. T. liền bế con bị hại vào quán nhờ người trông hộ. Mẹ con Q. xông ra, dùng tay đánh và khống chế bị hại nằm dưới đất. T. lấy dây đưa cho L, rồi vợ chồng T. giữ chân, tay bị hại để L. trói lại, sau đó gọi điện thoại cho công an xã trình báo việc đã bắt được bị hại.


Tuy nhiên, bị hại không thừa nhận đã nhận 165 triệu đồng. Để chứng minh lý do bắt bị hại, Q. và T. đã cung cấp đoạn ghi âm cuộc nói chuyện với bị hại, thể hiện mối quan hệ làm ăn và bị hại đã nhận số tiền trên. Tòa nhận định, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên; các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án không thể hiện cuộc ghi âm này; mối quan hệ làm ăn và khoản nợ không liên quan đến hành vi bắt người trái pháp luật của các bị cáo.


Tòa đã công bố phán quyết, chấp nhận kháng cáo, chuyển sang hình phạt 9 tháng tù treo đối với Q. do thấy Q. có nhân thân tốt, 2 con còn nhỏ, lại đang mang thai; nhưng bác kháng cáo, buộc bị cáo T. và L. chấp hành 6 tháng tù cùng về tội bắt người trái pháp luật.


Vợ chồng T. ra về trong vui buồn lẫn lộn. Q. đã có thể ở nhà làm ăn, dưỡng thai và chăm sóc con cái. Nhưng bà L. đã có tuổi và T., trụ cột chính trong nhà phải ở tù, cho dù thời gian không dài. Tuy bị hại không thừa nhận, nhưng có người vẫn bàn luận: Không ai tự dưng ra giữa đường chặn, bắt người nếu không có lý do bức xúc. Đang lo mất một khoản tiền không nhỏ đối với gia đình lao động, lại phát hiện kẻ ôm tiền ngay trước mắt thì nhất định phải tóm lấy, không để trốn thoát…


Giả sử việc đầu tư tiền rồi bị quỵt là có thật, dẫn đến bức xúc, thì chung quy cũng bởi tâm lý “của đau, con xót”. Tuy nhiên, càng đau, xót thì càng nên kiềm chế tìm hướng giải quyết đúng đắn, bởi những lúc đó, nếu không tỉnh táo, tâm lý xót của rất dễ xui khiến người ta phạm tội. Đây là bài học không riêng của gia đình Q.


TAM THUẬT