10:05, 28/05/2021

Đừng suy diễn!

Bị cáo K.T (sinh năm 1969, trú thị xã Ninh Hòa) có vẻ mặt khắc khổ, nước da đen, điển hình của kiểu người quen dãi dầu nắng mưa. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu T. chỉ ngày ngày ra đồng hoặc đi biển đánh bắt. Nhưng T. đã phải hầu tòa về tội giết người, mà nguyên nhân chỉ do bị cáo tự suy diễn.

Bị cáo K.T (sinh năm 1969, trú thị xã Ninh Hòa) có vẻ mặt khắc khổ, nước da đen, điển hình của kiểu người quen dãi dầu nắng mưa. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu T. chỉ ngày ngày ra đồng hoặc đi biển đánh bắt. Nhưng T. đã phải hầu tòa về tội giết người, mà nguyên nhân chỉ do bị cáo tự suy diễn.


Trước tòa, T. thừa nhận mâu thuẫn với bị hại, là anh vợ T., từ khi vợ chồng T. được cha mẹ vợ cho mảnh đất. Chiều đó, bị cáo giấu một chiếc chày gỗ trong người rồi đến nhà người quen ngồi chờ anh vợ đi qua để đánh. Khi thấy anh vợ và một người cùng làng dắt bò qua, bị cáo chặn anh vợ lại, hỏi lý do hôm trước chửi mình. Anh vợ vừa nói “Tao chửi mày hồi nào?” thì bị cáo đã đánh 1 cái vào đầu, gây thương tích 11%. Người đi cùng anh vợ T. thấy vậy can ngăn cũng bị T. đánh 2 cái vào đầu.


T. thanh minh, bị cáo bực bội anh vợ vì biết chắc chắn anh vợ không muốn cha mẹ cho vợ chồng bị cáo mảnh đất. Nghe tòa cho biết không có căn cứ khẳng định như vậy, T. khăng khăng: Rõ ràng anh vợ không muốn vậy! Rồi bị cáo cung cấp “bằng chứng”: Khi tất cả gia đình đã có mặt tại UBND xã để cùng ký giấy tờ, riêng anh vợ bị cáo tới trễ. Chính vì anh vợ không muốn vợ chồng bị cáo được cho đất nên mới chần chừ, lần lữa không chịu ra ký giấy tờ… Đứng chờ anh vợ tới ký, bị cáo rất bực bội và suy nghĩ. Càng nghĩ, bị cáo lại càng bực. Sau chầu nhậu với bạn, sự bực bội đó không giảm mà còn chuyển thành tức giận. Bị cáo quyết đi tìm anh vợ đánh cho hả giận.


Vị chủ tọa hỏi nhẹ nhàng: Thực tế bị hại có đến UBND xã? Có ký giấy đồng thuận cho đất? Im lặng một lát, bị cáo lí nhí: Dạ có! Lúc này, chủ tọa mới phân tích: Việc anh vợ tới UBND xã trễ hơn mọi người bởi nguyên nhân vừa nêu chỉ là suy luận của bị cáo, không có bằng chứng. Nếu đã là suy luận, tại sao bị cáo không nghĩ đến những tình huống khác, như đang làm nốt công việc dang dở ở nhà; bị hư xe giữa đường; thậm chí là vô tình quên giờ hẹn… Nhưng điều quan trọng là anh vợ đã tự đến và ký giấy. Nếu anh vợ phản đối thì đã không đến, không ký, nhất là khi không ai có thể bắt buộc anh làm điều đó. Đáng tiếc, bị cáo không nhìn nhận kết quả cuối cùng quan trọng đó, mà chỉ suy diễn từ biểu hiện đi trễ của anh vợ, từ đó gây ra hậu quả khôn lường, để rồi phải trả giá.


Sau khi tòa tuyên án 8 năm tù, bị cáo T. ngồi lẻ loi một góc chờ ra xe đặc chủng, thi thoảng nhìn xuống phía những người thân và thở dài. Giá như bị cáo suy nghĩ thấu đáo hơn, không suy diễn, không uống đến say mèm để rồi tức tối, hành động hồ đồ, chắc bây giờ, bị cáo đã vui vẻ cùng vợ quản lý, khai thác mảnh đất được cho, thay vì ngồi giữa bốn bức tường lạnh lẽo.


TAM THUẬT