10:05, 14/05/2021

Chặt cây để... đòi đất!

Phiên tòa phúc thẩm kết thúc với phán quyết giữ nguyên án sơ thẩm, buộc bị cáo L.V.N (sinh năm 1966, trú thị xã Ninh Hòa) chấp hành 9 tháng tù về tội hủy hoại tài sản. Trong khi bị cáo vẫn còn bực dọc vì không được giải quyết chuyện tranh chấp đất đai thì những người quen bị cáo lại lắc đầu vì không thuyết phục được cho bị cáo hiểu.

Phiên tòa phúc thẩm kết thúc với phán quyết giữ nguyên án sơ thẩm, buộc bị cáo L.V.N (sinh năm 1966, trú thị xã Ninh Hòa) chấp hành 9 tháng tù về tội hủy hoại tài sản. Trong khi bị cáo vẫn còn bực dọc vì không được giải quyết chuyện tranh chấp đất đai thì những người quen bị cáo lại lắc đầu vì không thuyết phục được cho bị cáo hiểu.


Tại phiên tòa, N. không chối chuyện nửa đêm mang rựa ra chặt mấy chục cây ăn trái của ông bà T., làm thiệt hại hơn 7 triệu đồng. N. thanh minh, bị cáo làm vậy là do ông bà T. trồng cây chiếm đất của gia đình bị cáo. Thửa đất này được Nhà nước cấp cho gia đình bị cáo khi thực hiện kinh tế mới từ năm 1979, sau đó vợ chồng ông T. mới lấn chiếm đất, trồng cây. Bị cáo nhiều lần yêu cầu di dời, chặt cây nhưng họ không thực hiện. Bị cáo chặt cây chỉ để lấy lại đất của gia đình, đó là việc làm đúng! Bị cáo không đồng ý bồi thường!


Tòa công bố tài liệu cho thấy thửa đất đã được UBND thị xã cấp cho anh trai ông T. vào năm 1998, đã vào sổ địa chính. Năm 2001, anh trai ủy quyền cho ông T. quản lý, sử dụng liên tục tới nay. Nghe vậy, bị cáo bức xúc trình giấy tờ chứng minh quan hệ cha mẹ - con; do cha đã mất, mẹ bệnh, chưa kịp viết giấy sang nhượng cho bị cáo, giờ anh ông T. thản nhiên làm giấy tờ sang nhượng, ghi nguồn gốc đất khai hoang, bị cáo không chịu, đề nghị tòa phân xử trả lại đất cho gia đình bị cáo!


Phía ngoài hội trường, một vài người quen cho biết, hai nhà đã mâu thuẫn đất đai từ lâu, nhưng bên kia có sổ, bị cáo đâu thể cãi suông được. Mọi người cũng đã khuyên bị cáo khởi kiện đòi đất; cố cãi chỉ làm mất đi cơ hội hưởng khoan hồng, nhưng bị cáo không nghe.


Chủ tọa ôn tồn phân tích, bị cáo không thể đòi đất bằng cách hủy hoại tài sản của người khác. Để giải quyết tranh chấp đất đai, bị cáo cần khởi kiện vụ án dân sự. Nội dung này không thuộc phạm vi xét xử của phiên tòa hình sự phúc thẩm. Nhưng giả sử xét xử dân sự và tòa tuyên đất của gia đình bị cáo, yêu cầu vợ chồng ông T. di dời hoặc chặt cây mà ông bà này không thực hiện, thì bị cáo cũng không có quyền chặt cây của họ. Bị cáo cần yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành bản án, quyết định của tòa. Tòa vẫn áp dụng với bị cáo tình tiết thành khẩn khai báo do bị cáo đã thừa nhận mọi hành vi phạm tội. Việc bị cáo cho rằng chặt cây là đúng chỉ do nhận thức hạn chế.


Kéo bị cáo đang làu bàu tức tối chuyện bị chiếm đất ra về, một người quen nói nhỏ: “Đã nói chặt cây là sai rồi, còn cố cãi! Nghe tòa giải thích chưa, muốn đòi đất thì đi thưa kiện!”.


TAM THUẬT