Hai phiên tòa phúc thẩm diễn ra trong tuần qua xét xử 2 nữ bị cáo và cùng cho hưởng án treo. Được chấp nhận kháng cáo nhưng cả hai vẫn buồn bã. Nước mắt họ không ngừng rơi...
Hai phiên tòa phúc thẩm diễn ra trong tuần qua xét xử 2 nữ bị cáo và cùng cho hưởng án treo. Được chấp nhận kháng cáo nhưng cả hai vẫn buồn bã. Nước mắt họ không ngừng rơi...
N.D.T (sinh năm 1991, trú huyện Diên Khánh) hầu tòa về tội hủy hoại tài sản. T. sụt sùi trình bày, chồng T. ngoại tình với bị hại. Trước đó, T còn nghi ngờ, nhưng sau này, chồng T. chẳng ngại công khai chuyện đó. Trước ngày xảy ra vụ án, chồng T. còn gọi điện thoại bảo T. đi đón mình… tại nhà nghỉ! Khi T. tới đón thì thấy chồng và bị hại tay trong tay cùng bước ra. Cảnh tượng đó khiến T. không thể kiềm chế, gào thét xông tới, đánh nhau với bị hại trước sự chứng kiến thản nhiên của người chồng. Sau hôm đó, nghĩ lại càng thêm ấm ức, T. mới rủ bạn đi đánh ghen. Bị T. chặn đường và xô đạp xe, bị hại chối: “Tao đã chấm dứt với chồng mày rồi, sao mày còn đánh tao? Là chồng mày gọi cho tao”. Câu nói đó càng khiến nhóm T. thấy khó tin. Khi bị hại rút điện thoại ra định gọi cho người thân tới giúp đỡ, bạn T. đã giật lại đưa cho T., rồi cả nhóm xông vào đánh ghen. Khi một thanh niên can ngăn, T. tức tối đập điện thoại của bị hại ném đi, gây thiệt hại hơn 9,5 triệu đồng.
Ở phiên tòa xét xử bị cáo T.T.H (sinh năm 1976, trú thị xã Ninh Hòa), H. cũng vật vã khóc lóc vì trót phạm tội trộm cắp tài sản. H. khai, ban đầu chỉ định tới phòng giao dịch để rút tiền. Nhưng trong lúc chờ đến lượt giao dịch, H. vô tình thấy một túi nhựa đựng 40 triệu đồng của khách hàng để trên bàn không người trông coi. Không cầm được lòng tham, H. lén lút lấy tiền giấu vào túi của mình rồi ra về luôn. Khi được cơ quan điều tra mời làm việc, H. đã khai nhận và giao trả toàn bộ, ngoài ra còn bồi thường 1 triệu đồng cho người bị hại và được người này bãi nại.
Khi tòa tuyên chấp nhận kháng cáo, cho hưởng án treo, H. đã khóc. Nghe tòa giải thích không được phạm tội mới trong thời gian thử thách, H. vừa khóc vừa chắp tay cảm ơn, lắc đầu nói từ nay đến già cũng không dám. Còn T. cũng không sao cầm được nước mắt khi nghe tuyên án. Phiên tòa kết thúc, T. lầm lũi ra về một mình. Chuyện người chồng thi thoảng đi “ngủ lang” ở nhà nghỉ được các bên thừa nhận. Tiếc là như vậy vẫn chưa đủ cấu thành tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Sau khi vụ án xảy ra, bị cáo đã ly hôn. Còn người chồng bội bạc đã về sống với bị hại. Một người dự cảm thán: Rũ bỏ được con người bội bạc để giải phóng tinh thần cho mình cũng coi như là may mắn.
Nhưng giá như T. bớt xúc động, biết kiềm chế, chỉ cần đơn giản bỏ qua một người không xứng đáng với tình cảm của mình, thì lý lịch tư pháp của cô đâu ghi tên bản án này. Còn H., tội trộm cắp tưởng không liên quan, kỳ thực cũng có nguồn cơn từ hoàn cảnh riêng. H. không mấy nổi trội về nhan sắc, lại bị hở van 2 lá khá nặng, lần lượt có 2 đứa con với 2 người đàn ông khác nhau nhưng vẫn phải sống đơn thân, công việc bấp bênh, thiếu thốn đủ bề mà chỉ cần nhắc tới là H. khóc. Sức khỏe kém, lại nông nổi tình cảm đã đẩy H. vào hoàn cảnh khốn khó. Vì vậy, khi xuất hiện tình huống xấu, lòng tham đã thắng sự thiện lương, xui khiến H. phạm tội. 2 nữ bị cáo khóc không chỉ vì hối hận, mà dường như còn khóc vì sự nông nổi của họ.
TAM THUẬT