Từ phiên tòa sơ thẩm tới phiên tòa phúc thẩm, mẹ của bị cáo N.V.T (sinh năm 2001, trú Ninh Sim, Ninh Hòa) đều có mặt, vẻ rất thiểu não. Còn bị cáo T. gần 18 tuổi, từng đi làm thêm, nhưng bên mẹ, T. vẫn là đứa trẻ non nớt, luôn ngóng về phía mẹ trước khi trả lời câu hỏi của tòa.
Từ phiên tòa sơ thẩm tới phiên tòa phúc thẩm, mẹ của bị cáo N.V.T (sinh năm 2001, trú Ninh Sim, Ninh Hòa) đều có mặt, vẻ rất thiểu não. Còn bị cáo T. gần 18 tuổi, từng đi làm thêm, nhưng bên mẹ, T. vẫn là đứa trẻ non nớt, luôn ngóng về phía mẹ trước khi trả lời câu hỏi của tòa.
T. khai nhận, hôm đó thiếu tiền tiêu, chẳng nghĩ sâu xa gì, thấy bạn rủ liền gật đầu cùng đi cướp giật. Bị cáo mang điện thoại của mình thế chấp lấy tiền thuê xe, rồi cả hai chở nhau vào Nha Trang cướp giật. Giật được giỏ xách của một phụ nữ trẻ, T. lại làm rơi chiếc túi xách của mình, bên trong có tờ biên nhận cầm đồ ghi tên T. Bị hại đã nhặt được và nộp cơ quan công an.
Nghe con khai, mẹ bị cáo T. thở dài. Bà trình bày, T. ở với mẹ và bà ngoại. Cha của T. bỏ đi từ khi cậu còn bé. Để nuôi 3 con khôn lớn, bà phải bươn chải làm ăn nơi xa, không thể chăm sóc con chu đáo. T. chỉ học đến lớp 6 thì nghỉ, làm việc vặt kiếm thu nhập. Bà đi làm xa nên cũng chỉ biết quan tâm bằng cách thỉnh thoảng gọi điện thoại động viên các con. Khi cướp giật xong, T. vẫn giấu biệt, không cho biết. Mãi sau này, khi T. ra đảo làm phân loại hải sản thuê để kiếm tiền bồi thường cho người bị hại, không may bị điện giật ngã, dẫn tới chấn thương sọ não, bà tức tốc về và lúc đó mới biết chuyện T. đi cướp giật. “T. phạm tội một phần cũng do tôi làm mẹ mà chỉ mải lo làm ăn, chưa quan tâm giáo dục con chu đáo. Nếu tôi thường xuyên gần gũi, có lẽ tầm này cháu đã học lớp 12, không bỏ học theo chúng bạn…”, bà bỏ dở câu nói.
Vị luật sư bào chữa cho T. thêm, bị cáo phạm tội lần đầu, khi chưa đủ 18 tuổi. Sau khi phạm tội, T. đã chủ động đi làm để kiếm tiền bồi thường cho người bị hại. Tai nạn dẫn tới bị cáo bị chấn thương sọ não xảy ra cũng trong quá trình T. đi làm để khắc phục hậu quả. Đây là điều đáng tiếc, nhưng cũng thể hiện bị cáo thực sự ăn năn hối cải. Vị này tha thiết đề nghị tòa xem xét không cách ly bị cáo khỏi xã hội. Phía bị hại cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và cho biết, 2 bị cáo giật được chiếc điện thoại, nhưng trong khi bị cáo T. nỗ lực lao động và bồi thường được 2,5 triệu đồng, bị cáo còn lại vẫn chỉ hứa hẹn. Điều đó cho thấy bị cáo T. rất ăn năn.
Nghe tòa tuyên chấp nhận kháng cáo, chuyển hình phạt cho bị cáo T. sang 2 năm 3 tháng tù treo, mẹ con T. ôm chầm lấy nhau, rơm rớm nước mắt. Bà mẹ líu ríu nói khẽ: Mẹ xin lỗi, lỗi của mẹ! T. lắc đầu nguầy nguậy: Lỗi tại con, con hư… Nhìn cảnh tượng này, một vị thẩm phán bùi ngùi: Hội đồng xét xử chấp nhận cho bị cáo hưởng án treo bởi nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là thấy bị cáo thực sự ăn năn, hối cải. Hy vọng sau này, T. đừng bao giờ lặp lại việc phạm tội, để hội đồng thất vọng!
TAM THUẬT