10:05, 31/05/2020

Vướng mắc trong xử lý tang vật sung công

Cả hai cơ quan Thi hành án dân sự và Tài chính đều đang gặp vướng ở khâu xử lý tang vật sau khi có quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Nguyên nhân cơ bản do thiếu kho chứa tang vật.

Cả hai cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) và Tài chính đều đang gặp vướng ở khâu xử lý tang vật sau khi có quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Nguyên nhân cơ bản do thiếu kho chứa tang vật.


Ông Nguyễn Thái Hổ - Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết, theo quy định, bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật sẽ được chuyển cho cơ quan THADS để thi hành những nội dung liên quan. Đối với việc xử lý tang vật, bản án, quyết định sẽ đưa ra một trong các quyết định: Trả lại tài sản tạm giữ cho đương sự; tịch thu tiêu hủy hoặc tịch thu sung quỹ nhà nước... Việc xử lý tang vật phải thực hiện theo đúng quy định của Luật THADS, Nghị định số 62/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS, Thông tư số 01/2017 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ trong THADS, Thông tư số 166/2009 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý một số loại tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.


Đối với trường hợp xử lý tiêu hủy vật chứng, tài sản, sau khi thực hiện theo đúng trình tự luật định, trách nhiệm của cơ quan THADS kết thúc khi vật chứng được tiêu hủy xong. Đối với trường hợp trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự, thủ trưởng cơ quan THADS sẽ ra quyết định trả lại cho đương sự theo bản án, quyết định tuyên án rồi thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại. Sau 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực, đương sự vẫn không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì cơ quan THADS làm thủ tục sung quỹ nhà nước hoặc ra quyết định tiêu hủy đối với tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng, hết giá trị sử dụng. Lúc này, việc thi hành án cũng kết thúc, cơ quan THADS đưa hồ sơ vào lưu trữ.


Hiện nay, vướng mắc nằm ở trường hợp xử lý tang vật bị tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước. Theo quy định, trong vòng 10 ngày kể từ ngày ra quyết định thi hành án, cơ quan THADS thông báo và chuyển giao tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước cho cơ quan tài chính cùng cấp để cơ quan này tổ chức xử lý. Biên bản bàn giao phải mô tả cụ thể thực trạng vật chứng, tài sản tạm giữ. Tuy nhiên, hiện tại, do các cơ quan tài chính cấp tỉnh và cấp huyện đều không có kho chứa tang vật nên thường phải gửi tạm tang vật cho cơ quan THADS tiếp tục bảo quản một thời gian đến khi được cơ quan tài chính xử lý. Tuy nhiên, cơ quan THADS cũng gặp khó khăn bởi khi đã bàn giao thì không thể thực hiện thủ tục tiếp nhận lại tang vật trong hồ sơ. Một số cơ quan THADS cấp huyện ở Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh cũng đang thiếu kho chứa vật chứng, hoặc tuy có nhưng chưa đúng quy định, có nơi còn phải sử dụng tạm phòng làm việc làm kho. Đợt bàn giao tang vật mới nhất hồi tháng 3 là ví dụ. Do không có kho chứa tang vật, cơ quan tài chính chỉ tiếp nhận được hồ sơ, Cục THADS tỉnh tạm bảo quản tiếp 5 xe máy thuộc trường hợp tịch thu, sung quỹ nhà nước. Việc cơ quan THADS cho tạm gửi tuy chưa đúng nhưng thực tế không thể làm khác, bởi nếu không bàn giao hồ sơ, việc thi hành bản án, quyết định vì thế cũng không hoàn thành. Tuy nhiên, giả sử phát sinh thiên tai, dịch bệnh, tình huống bất ngờ... tác động đến tang vật, khiến tang vật không còn bảo đảm tính nguyên vẹn, kéo theo những hậu quả khó lường, có thể ảnh hưởng đến trách nhiệm của các bên.

 
Ông Nguyễn Thái Hổ cho biết, tới đây, Cục THADS tỉnh sẽ làm việc với cơ quan tài chính cùng cấp để cùng bàn bạc, xác định chính xác những khó khăn của cơ quan này, từ đó báo cáo đề xuất với tỉnh tìm hướng tháo gỡ, bố trí kho chứa tang vật. Trường hợp tỉnh không thể bố trí, Cục THADS tỉnh sẽ gửi văn bản kiến nghị lên Tổng cục THADS xin cơ chế cho phép cơ quan THADS địa phương được tạm nhận lại tang vật gửi giữ.


NGUYỄN VŨ