Những ngày cận Tết, đón trước nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân, hàng loạt trang Facebook cá nhân ngang nhiên rao bán tiền giả với những lời quảng cáo hấp dẫn…
Những ngày cận Tết, đón trước nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân, hàng loạt trang Facebook cá nhân ngang nhiên rao bán tiền giả với những lời quảng cáo hấp dẫn…
Trên Facebook, phóng viên chỉ cần gõ tìm kiếm “đổi tiền giả”, “mua tiền giả” hoặc “buôn bán tiền giả”, chỉ sau vài giây đã xuất hiện hàng chục trang đang tồn tại với lời chào giá hấp dẫn, để lại số điện thoại để giao dịch mua bán, giao hàng thu tiền (COD) trên toàn quốc. Gần như các trang facebook này đều lấy ảnh đại diện là những cọc tiền mệnh giá lớn, hình ảnh các cô gái xinh đẹp hoặc những người đàn ông lực lưỡng, xăm trổ đầy mình.
Sau hồi tìm kiếm chúng tôi nhận thấy trang facebook cá nhân đang được nhiều người theo dõi có cái tên Trần Phong. Trong loạt quảng cáo của facebook cá nhân này, vẫn là những lời chào mời quen thuộc như: “Bán tiền giả uy tín chất lượng số 1 Việt Nam”, “Tiền giả bên mình chỉ có máy soi mới nhận ra được. Còn mắt thường không phát hiện được nhé”. Không như các trang rao bán tiền giả ẩn danh khác, chủ nhân của trang này đã công khai đăng ảnh những hình ảnh sinh hoạt gia đình và chỉ trong 4 ngày qua mới chuyển sang rao bán tiền giả kèm hình ảnh những cọc tiền giả cao ngút. Không chỉ vậy, người này còn đăng cả clip quảng cáo tiền giả với việc dùng tay vò những tờ tiền để chứng tỏ chất lượng số 1. “Loại tiền giả hiện có gồm: 50k, 100k, 200k, 500k. Hàng giống thật đến 100%. Có độ đàn hồi giống tiền thật”, người này quảng cáo trong clip.
Trong vai một người “cần mua” 10 triệu tiền giả để tiêu xài dịp Tết, trưa 25-1, ngay sau khi nhắn tin đã được facebook cá nhân Trần Phong đáp lại: “Em cần mua thì để lại số điện thoại, địa chỉ và phải đặt cọc trước 500 nghìn đồng, khi nhận hàng sẽ thanh toán thêm 500 nghìn đồng và được tặng thêm 10 triệu tiền giả!”. Khi được hỏi thể thức đặt cọc, Trần Phong thông báo, mua thẻ Viettel mệnh giá 500 nghìn đồng, cào rồi chuyển ảnh qua trang facebook cá nhân của người này. Chúng tôi lấy lý do đang phải làm ca, chưa thể ra ngoài mua card điện thoại, thì người này năn nỉ “em xin nghỉ một chút ra ngoài mua card, nhắn hình ảnh mã số, thì ngay trong chiều sẽ nhận hàng”! Có vẻ Trần Phong nghĩ đã có “cá cắn câu”. Vì thế, khi chúng tôi viện lý do không thể nghỉ giữa ca, Trần Phong tiếp tục năn nỉ chúng tôi sớm mua card và nhắn lại hình ảnh mã số thẻ cào.
Lướt qua các trang facebook quảng cáo tiền giả đều có chung những thông tin đại loại là: giống 98% tiền thật, có thể dùng để thực hiện giao dịch như đi chợ, đổ xăng… mà “không ai phát hiện được”. Hình ảnh quảng cáo là các xấp tiền mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng. Các trang rao bán tiền giả đều quảng cáo tiền giả chất lượng cao và được nhập về từ Trung Quốc hay Thái Lan.
Theo Công an tỉnh, việc mua bán tiền giả là trái quy định pháp luật, tuy nhiên, không loại trừ khả năng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người có nhu cầu mua thông qua hình thức chuyển khoản trước mà sau đó không nhận được “hàng”. Đã có không ít người vì hám lợi đã chuyển tiền đặt cọc trước theo yêu cầu của các chủ tài khoản trên, nhưng đợi mãi không thấy tiền giả chuyển lại thì mới biết là mình bị lừa.
Mặc dù kiểu lừa đảo này ít người quan tâm và khó bị sập bẫy nhưng cũng có một số người do nhận thức hạn chế và lòng tham nên đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Do vậy, Công an tỉnh khuyến cáo người dân, mọi hành vi mua bán liên quan đến tiền giả đều vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thành Long