Tuy các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã giảm lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ để hỗ trợ khách hàng, nhưng trong tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài và diễn biến phức tạp, người dân, doanh nghiệp mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét kéo dài thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ.
Tuy các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã giảm lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ để hỗ trợ khách hàng, nhưng trong tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài và diễn biến phức tạp, người dân, doanh nghiệp mong muốn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét kéo dài thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ.
Hỗ trợ kịp thời
Theo ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối tháng 4, toàn tỉnh có 3.391 khách hàng vay vốn (1.026 doanh nghiệp - DN, 2.374 cá nhân) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dư nợ bị ảnh hưởng hơn 24.121 tỷ đồng, chiếm 26,59% dư nợ cho vay toàn địa bàn. Các chi nhánh TCTD trên địa bàn đã điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho 865 khách hàng, với dư nợ 4.005 tỷ đồng; trong đó, có 199 DN, dư nợ 2.943 tỷ đồng. Các chi nhánh TCTD đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 gây ra; kết quả đã thực hiện cho vay mới 1.013 khách hàng với số tiền 3.376 tỷ đồng. Nhiều chi nhánh TCTD trên địa bàn đã giảm chi phí hoạt động nhằm chủ động giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay cũ cho 9.261 lượt khách hàng với dư nợ 10.026 tỷ đồng, số tiền lãi khách hàng được giảm gần 24,8 tỷ đồng.
Trong quá trình chỉ đạo triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí theo Thông tư số 01 của NHNN nhằm đảm bảo thực hiện đúng chính sách. Bên cạnh đó, mở chuyên mục “Covid-19” trên Trang Thông tin điện tử chi nhánh tại địa chỉ www.sbvkh.gov.vn nhằm thông tin kịp thời các giải pháp hỗ trợ khắc phục khó khăn cho người dân, DN; thiết lập đường dây nóng (số điện thoại: 0258.3822157) để tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, đề xuất và khó khăn, vướng mắc của người dân, DN, các hội, hiệp hội trên địa bàn; tham gia đối thoại, giải đáp các kiến nghị của DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Bên cạnh các giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, các TCTD còn áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm các loại phí nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, các chi nhánh TCTD trên địa bàn đã chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội, ủng hộ tỉnh 430 triệu đồng khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 gây ra.
Kiến nghị kéo dài thời gian hỗ trợ
Trong quá trình các chi nhánh TCTD triển khai các giải pháp hỗ trợ, khách hàng đề nghị NH giảm 50% lãi suất, giảm lãi suất vay vốn về mức 0% trong 3 tháng đối với dư nợ hiện tại nhưng các chi nhánh TCTD không thể cân đối chi phí để giảm toàn bộ lãi vay cho khách hàng, bởi nguồn vốn huy động từ người dân, tổ chức đều phải trả lãi suất huy động.
Theo quy định Thông tư số 01 của NHNN, khách hàng phát sinh nợ gốc, lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ trước thời điểm 23-1; khoản nợ gốc, lãi quá hạn của khách hàng phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23-1 đến 15 ngày sau thời điểm hiệu lực của Thông tư số 01 mới được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ trước thời điểm 23-1. Như vậy, chỉ có khách hàng phát sinh nợ quá hạn trong khoảng thời gian nêu trên được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Tuy nhiên, hiện nay, dịch Covid-19 còn kéo dài và diễn biến phức tạp, số lượng khách hàng vay vốn gặp khó khăn, dẫn đến không trả được nợ NH có xu hướng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, Khánh Hòa là địa phương có cơ cấu ngành dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng cao, cần thời gian dài để hồi phục kinh tế và các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, DN trở lại bình thường. Vì thế, người dân, DN mong muốn NHNN xem xét áp dụng thêm thời hạn cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ.
NAM DU