21:27, 23/05/2023

Phát triển nuôi biển thành ngành sản xuất hàng hóa 

HẢI LĂNG

Tại hội thảo Kết nối cung cầu công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển tỉnh, chủ đề công nghệ nuôi biển do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cần sớm có chính sách để khuyến khích người dân chuyển đổi lồng bè gỗ truyền thống sang sử dụng vật liệu HDPE; khuyến khích phát triển nuôi biển ứng dụng công nghệ cao, quy mô công nghiệp nhằm chuyển nhanh ngành nuôi biển tỉnh sang sản xuất hàng hóa. 

Những vấn đề cần quan tâm

Trên vịnh Vân Phong đã có một số doanh nghiệp sử dụng lồng nuôi vật liệu HDPE để nuôi cá biển quy mô công nghiệp
Trên vịnh Vân Phong đã có một số doanh nghiệp sử dụng lồng nuôi vật liệu HDPE để nuôi cá biển quy mô công nghiệp. 

Theo ông Huỳnh Kim Khánh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thời gian qua, việc phát triển nuôi biển của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng ven biển, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ. Nuôi biển của tỉnh mang tính tự phát, trình độ kỹ thuật thấp, ô nhiễm vùng nuôi, dịch bệnh, đầu ra bấp bênh đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của các nghề nuôi... Muốn phát triển nuôi biển, trước hết phải thay đổi công nghệ nuôi, ứng dụng vật liệu mới để thay thế lồng, bè gỗ truyền thống. Từ thực tế cho thấy, lồng nuôi làm bằng vật liệu HDPE được các doanh nghiệp sử dụng để nuôi cá chẽm, cá chim vây vàng, cá bớp tại một số vùng biển trong tỉnh không bị thiệt hại do mưa bão. Qua các mô hình đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai, việc ứng dụng lồng nuôi HDPE quy mô nông hộ cho thấy hiệu quả, phù hợp với quy mô nhỏ, cần được nhân rộng.

Một số ý kiến cho rằng, trong xu hướng phát triển nuôi biển tỉnh xác định là chuyển nhanh sang sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị của vật nuôi, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản. Trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi thủy sản tập trung, theo hướng trang trại, công nghiệp, gắn vùng nuôi với nhà máy chế biến; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi biển; nghiên cứu, ứng dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi biển để giảm thiểu ô nhiễm do sử dụng thức ăn tươi. Để ổn định đầu ra cho người nuôi, cần hình thành các tổ liên kết, tiến tới thành lập các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản để liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách để thu hút, phát triển các doanh nghiệp đầu tư nuôi biển, nhất là nuôi trên các vùng biển hở; phát triển nguồn nhân lực phục vụ nuôi biển; tổ chức lại sản xuất trên các vùng nuôi…

Ngoài ra, trong phân vùng phát triển nuôi biển, UBND tỉnh cũng cần xác định, đối với vùng ven bờ cần triển khai việc giao mặt nước để người dân yên tâm đầu tư sản xuất, ổn định đời sống; hướng dẫn người dân chuyển đổi từ hình thức nuôi bằng lồng bè gỗ sang vật liệu HDPE chịu được sóng, gió lớn, an toàn, mỹ quan để kết hợp phát triển du lịch. Ở vùng biển này, phát triển nuôi các loài mới có giá trị kinh tế cao, nuôi các sản phẩm chủ lực như: Tôm hùm, cá biển, kết hợp nuôi đa loài để vừa tăng hiệu quả kinh tế vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đối với vùng biển hở, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư nuôi với quy mô công nghiệp, lồng bè hiện đại để tăng nhanh sản lượng thủy sản nuôi theo hình thức công nghiệp…

Xây dựng các chính sách khuyến khích

Nuôi thủy sản bằng lồng bè gỗ, người dân dễ gặp rủi ro trong các mùa mưa bão
Nuôi thủy sản bằng lồng bè gỗ, người dân dễ gặp rủi ro trong mùa mưa bão. 

Theo ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, để phát triển ngành thủy sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, tỉnh đã ban hành một số chính sách khuyến khích như: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn; chính sách tín dụng và mức vốn ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng được thụ hưởng. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đề cương chi tiết “Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa”, trong đó xác định rõ vị trí, đối tượng nuôi, công nghệ để áp dụng nuôi biển công nghệ cao đối với khu vực từ bờ đến 3 hải lý và vùng biển từ 3 đến 6 hải lý. Đề án này còn đề xuất các giải pháp, dự án, chương trình cụ thể về chính sách khuyến khích đầu tư; quản lý và tổ chức sản xuất; thức ăn, con giống, công nghệ nuôi, công nghệ hỗ trợ và dịch vụ hậu cần phục vụ nuôi biển; quan trắc môi trường, phòng, chống dịch bệnh; đào tạo nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường… Hiện nay, các bộ, ngành liên quan đang cho ý kiến, hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt   

Để hỗ trợ người dân hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi từ lồng nuôi bằng gỗ sang sử dụng lồng nuôi bằng vật liệu HDPE; chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè và các phương tiện phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển; chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản nuôi trên biển.

HẢI LĂNG