Những ngày này, cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) nhộn nhịp đón những tàu khai thác xa bờ trở về sau chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, mang theo niềm vui của ngư dân khi hầu hết các tàu đều có lãi khá nhờ sản lượng và giá bán đều cao.
Những ngày này, cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) nhộn nhịp đón những tàu khai thác xa bờ trở về sau chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, mang theo niềm vui của ngư dân khi hầu hết các tàu đều có lãi khá nhờ sản lượng và giá bán đều cao.
Lộc biển đầu năm
Ngư dân Trần Văn Tiến (Hòn Rớ, Nha Trang) cho biết, tàu của gia đình ông hành nghề câu cá ngừ đại dương trên vùng biển Trường Sa - Nhà giàn DK1. Trong chuyến biển xuyên Tết này, tàu may mắn gặp luồng cá, câu được 30 con cá ngừ vây vàng mắt to, sản lượng đạt hơn 1 tấn. Nhờ đánh bắt đạt sản lượng nên tàu trở về cập cảng sớm hơn dự kiến. Cá được thu mua ở cảng với giá cao nên tàu cá của gia đình ông thu lãi khá.
Từng chật vật nhiều tháng bởi tàu cá phải nằm bờ do dịch Covid-19, 2 chuyến biển đầu năm 2022 đã mang lại thu nhập khá cho gia đình ông Trần Tùng (Hòn Rớ) - chủ tàu lưới cản đường dài, khai thác cá ngừ sọc dưa. Ông Tùng chia sẻ: “Tàu cá của gia đình tôi đi biển từ ngày 24 tháng Chạp đã trở về đầu năm mới với sản lượng khai thác gần 12 tấn cá ngừ sọc dưa. Chuyến biển tháng 1-2022, tàu cá của gia đình tôi cũng đạt sản lượng hơn 10 tấn. Với giá cá cân bán cho thương lái hơn 50.000 đồng/kg, tính ra sau 20 ngày bám biển, mỗi chuyến thu lãi hàng trăm triệu đồng, bạn thuyền cũng có thu nhập hàng chục triệu đồng, bù lại cho những ngày phải nằm bờ vì dịch bệnh”.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban quản lý cảng Hòn Rớ, trong 2 chuyến biển đầu năm 2022, ngư dân khai thác xa bờ liên tục đón nhận nhiều tin vui. Thứ nhất, sản lượng khai thác đạt khá cao, trung bình các tàu câu cá ngừ đại dương đạt sản lượng từ 1 tấn trở lên; tàu lưới cản đường dài khai thác cá ngừ sọc dưa cũng đạt sản lượng 10-12 tấn/tàu. Thứ hai, giá cá đang ở mức cao, như cá ngừ đại dương được thu mua tại cảng với giá 150.000 đồng/kg, cao nhất trong hơn 10 năm qua; giá cá ngừ sọc dưa bán ở chợ 50.000 - 60.000 đồng/kg, tăng đến 20.000 đồng/kg so với những năm trước. Nhờ đó, tuy chi phí chuyến biển có tăng do giá nhiên liệu tăng nhưng ngư dân vẫn có lãi khá cao.
Tuân thủ chống khai thác IUU
Toàn tỉnh có 3.369 tàu cá, trong đó nhóm tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, khai thác xa bờ là 715 tàu. Năm 2021, tổng sản lượng hải sản ngư dân toàn tỉnh khai thác được 83.230 tấn, trong đó có 3.105 tấn cá ngừ vây vàng mắt to, 21.705 tấn cá ngừ loại khác. |
Cùng với những tin vui đầu năm, cộng đồng ngư dân khai thác xa bờ trong tỉnh vẫn luôn động viên nhau việc thực hiện nghiêm, không vi phạm các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU) để hướng đến một nghề cá bền vững và có trách nhiệm. “Thời gian qua, việc Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành thủy sản và đời sống của ngư dân. Do đó, cộng đồng ngư dân Khánh Hòa nhận thức rất rõ về trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, từ đó góp phần sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC. Bên cạnh việc cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, trong mỗi chuyến biển, ngư dân đều ghi, nộp nhật ký khai thác với đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm, sản lượng từng loài khai thác; có đầy đủ thiết bị giám sát hành trình, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá…”, ngư dân Nguyễn Tấn Lầu (phường Vĩnh Phước, Nha Trang) cho hay.
Có thể thấy, nhận thức của ngư dân về chống khai thác IUU đã có nhiều chuyển biến tích cực, các chủ tàu đã tuân thủ nghiêm quy định trong quá trình khai thác nên không có tàu vi phạm. Công tác xử lý vi phạm IUU, việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng khai thác thông qua các văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát ở 4 cảng cá trong tỉnh đã được chú trọng; công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản được đảm bảo, hồ sơ được lưu trữ khoa học, thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc… Đây là cơ sở quan trọng phục vụ đoàn thanh tra của EC khả năng cao sẽ đến Khánh Hòa kiểm tra việc khắc phục “thẻ vàng” trong năm 2022.
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, thời gian tới, ngành thủy sản sẽ phối hợp với các địa phương ven biển và cơ quan chức năng tiếp tục triển khai 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác IUU đến ngư dân, doanh nghiệp ở các xã, phường có nghề cá trọng điểm, hướng dẫn ngư dân ranh giới vùng biển Việt Nam để không vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình khai thác; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến, sản lượng cập bến, xử phạt nghiêm các hành vi khai thác IUU; lập danh sách theo dõi, quản lý tàu cá thuộc diện nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU. Bên cạnh đó, tiếp tục cấp đổi, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản, an toàn kỹ thuật, vệ sinh thực phẩm và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 100% tàu cá theo quy định; triển khai hiệu quả kế hoạch chống khai thác IUU năm 2022 đã được UBND tỉnh ban hành…
HẢI LĂNG