Thời gian qua, ngành Thuế tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý thu và chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; số thuế thực tế thu được còn hạn chế.
Thời gian qua, ngành Thuế tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý thu và chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; số thuế thực tế thu được còn hạn chế.
Các tài khoản chủ yếu tại Nha Trang
Thời gian qua, Chi cục Thuế TP. Nha Trang đã gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) quản lý tổ chức các sàn giao dịch TMĐT lớn cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố nói riêng và tỉnh nói chung có tham gia kinh doanh TMĐT. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ cung cấp danh sách website, tài khoản của các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT trên địa bàn thành phố để nắm bắt thông tin. Đến nay, trên địa bàn TP. Nha Trang, cơ quan Thuế đã thực hiện đưa vào quản lý thuế 1.985 tài khoản (shop, website) của tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động TMĐT do các đơn vị cung cấp. Năm 2020, có 77 tổ chức, DN nộp thuế với số tiền 829 triệu đồng; 9 tháng năm 2021, có 37 tổ chức, DN và 35 cá nhân, hộ kinh doanh nộp thuế với số tiền 522 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Nha Trang, hiện nay, công tác quản lý thuế hoạt động TMĐT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến số thuế thu được còn hạn chế. Trong đó, những cá nhân kinh doanh online qua các trang mạng xã hội được xem là đối tượng khó quản lý thuế nhất. Nguyên nhân là do các đối tượng này thường không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ kinh doanh, cư trú rõ ràng, tên đăng ký trên mạng khác với tên ngoài đời thực... Ngoài ra, giá bán, số lượng sản phẩm thường được bên mua và bên bán liên hệ online với nhau, cơ quan thuế không thể xác định chính xác doanh thu; phương thức thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, trả tiền khi giao hàng nên không kiểm soát được doanh thu bán hàng để quản lý thu thuế. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa ngành Thuế với ngân hàng vẫn còn hạn chế. Các ngân hàng chưa cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể để xác định được từng nghiệp vụ phát sinh khi giao dịch, từ đó xác định doanh thu kinh doanh TMĐT..., mà chủ yếu cung cấp sao kê giao dịch trên tài khoản. Vì vậy, không phân biệt được giao dịch nào là giao dịch TMĐT, giao dịch thông thường từ tài khoản của cá nhân.
Nhiều giải pháp tăng cường quản lý thuế
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Trưởng phòng Thanh tra kiểm tra số 4, Cục Thuế tỉnh: Từ ngày 1-7-2020, Luật Quản lý thuế số 38/2019 (thay thế Luật Quản lý thuế số 78/2006) quy định khung quản lý đối với quản lý thuế các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT có hiệu lực thi hành. Theo đó, bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế; việc đăng ký, khai và nộp thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT… Đồng thời, quy định rõ chế tài xử lý sau thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện hành vi trốn thuế. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để ngành Thuế tỉnh thực hiện có hiệu quả việc quản lý thu và chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT trong thời gian tới. |
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Trưởng phòng Thanh tra kiểm tra số 4, Cục Thuế tỉnh cho biết, đến nay, cơ quan Thuế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện rà soát, kiểm tra đưa vào quản lý thuế 237 tổ chức và 2.367 cá nhân do các chủ sở hữu của những website trong nước cung cấp, 158 tổ chức nộp thay thuế nhà thầu nước ngoài, trong đó 80% tài khoản phát sinh trên địa bàn TP. Nha Trang. 9 tháng năm 2021, tổng số thuế thu được từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh gần 1 tỷ đồng.
Từ số liệu cho thấy, số thuế thực tế thu được còn hạn chế so với sự phát triển mạnh của kinh doanh TMĐT hiện nay. Vì vậy, Cục Thuế tỉnh đã xây dựng Kế hoạch tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT nhằm mục tiêu nâng cao ý thức, trách nhiệm kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, tăng cường quản lý thuế nhằm chống thất thu cho ngân sách Nhà nước, tạo môi trường công bằng trong kinh doanh về nghĩa vụ thuế…
Ngoài ra, Cục Thuế cũng phối hợp với cục thuế các tỉnh, thành đang quản lý những DN có các sàn giao dịch TMĐT lớn như: Lazada, Shopee, Tiki, Sen đỏ, Momo, Zalo… đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị phải thực hiện cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân trên địa bàn Khánh Hòa tham gia kinh doanh bán hàng qua mạng trên các sàn; phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đề nghị cung cấp thông tin sao kê giao dịch qua tài khoản ngân hàng của tổ chức, cá nhân có thu nhập từ các nhà mạng chi trả hoặc có hoạt động kinh doanh TMĐT; phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị hỗ trợ cung cấp danh sách DN kinh doanh trò chơi trực tuyến; sản xuất, gia công phần mềm trò chơi qua mạng (Internet, di động…); các website hoạt động TMĐT để quản lý thuế. Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT, Cục Thuế đề nghị cung cấp số lượng hàng hóa vận chuyển của từng tổ chức, cá nhân để phục vụ công tác quản lý về doanh thu và bán hàng không kê khai.
Song song đó, Cục Thuế chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế nhằm kịp thời chấn chỉnh các hành vi gian lận về thuế, đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT vào nề nếp, giúp cho DN tự giác thực hiện kê khai nộp thuế, đảm bảo việc thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách Nhà nước.
C.VÂN