Quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (gọi tắt là khu giết mổ) đến năm 2025 là một trong các nghị quyết quan trọng vừa được HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua tại kỳ họp bất thường ngày 11-5.
Quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (gọi tắt là khu giết mổ) đến năm 2025 là một trong các nghị quyết quan trọng vừa được HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua tại kỳ họp bất thường ngày 11-5. Quyết sách này được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện quy trình cung cấp thực phẩm sạch đến người tiêu dùng.
Chăn nuôi phát triển mạnh
Khoảng 5 năm gần đây, ngành chăn nuôi Khánh Hòa đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh có gần 250 trang trại chăn nuôi heo tập trung, với khoảng 160.000 con, trong đó có 14 trại heo giống có quy mô từ 50 đến 2.600 con nái sinh sản, khoảng 200 trại heo thịt quy mô đàn hơn 200 con. Các cơ sở chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn chủ yếu tập trung ở Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa. Đối với chăn nuôi gà, phương thức hộ gia đình nuôi vài chục con đã dần được thay thế bởi các gia trại, trang trại có quy mô từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn con, góp phần nâng tổng đàn gia cầm lên khoảng 2,8 triệu con. Ở các địa phương như: Cam Lâm, Diên Khánh, Cam Ranh, Ninh Hòa đã xuất hiện hàng trăm trang trại nuôi gà quy mô lớn.
Cùng với sự phát triển về quy mô, những tiến bộ kỹ thuật mới trong công tác sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi và các phương thức tổ chức sản xuất chăn nuôi mới đã được đưa vào áp dụng.
Cơ sở giết mổ hầu hết tự phát
Theo đánh giá của ngành thú y, hầu hết cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh đều tồn tại dưới dạng tự phát, tập trung ở khu đông dân cư, nội thành, nội thị, điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm chưa đảm bảo theo quy định. Các chủ cơ sở thường né tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng và không tuân thủ đầy đủ theo quy định của Luật Thú y hiện hành.
Trong số hơn 190 cơ sở giết mổ trên toàn tỉnh chỉ có 3 cơ sở tập trung, đó là 2 cơ sở giết mổ đà điểu của Khatoco đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, cung ứng sản phẩm thịt đông lạnh theo chuỗi từ chăn nuôi đến tiêu thụ, còn cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại Diên Toàn, Diên Khánh được xây dựng từ năm 2003, đã xuống cấp nặng. “Hầu hết các cơ sở giết mổ chỉ có một cổng để nhập gia súc cũng như xuất thịt ra bán trên thị trường, hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo. Số hộ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chiếm khoảng 45%. Thời gian giết mổ bắt đầu vào lúc nửa đêm và kết thúc vào buổi sáng sớm, vì vậy rất khó khăn cho việc quản lý, giám sát. Ngoài ra, tình trạng giết mổ gia cầm tại các chợ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra hàng ngày, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ lây lan mầm bệnh khi có dịch bệnh gia súc, gia cầm. Các chất thải rắn, khí thải và tiếng ồn từ hoạt động của các cơ sở giết mổ đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, an toàn thực phẩm, sức khỏe con người và an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi”, ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y cho biết.
Đầu tư 18 khu giết mổ tập trung
Đó là mục tiêu mà Quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 vừa được HĐND tỉnh thông qua. Theo đó, từ nay đến năm 2020, sẽ có 7 khu giết mổ được xây dựng đặt tại các xã: Phước Đồng (Nha Trang), Cam Thịnh Đông (Cam Ranh), Cam Đức, Cam Hải Tây (Cam Lâm), Ninh Quang (Ninh Hòa), Vạn Hưng (Vạn Ninh) và Suối Hiệp (Diên Khánh). 11 cơ sở còn lại đầu tư vào giai đoạn 2021 - 2025. Ngoại trừ cơ sở giết mổ ở Phước Đồng thuộc phương thức công nghiệp tập trung, 6 cơ sở còn lại áp dụng phương thức giết mổ bán công nghiệp tập trung.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các hạng mục thiết yếu, đáp ứng các chỉ tiêu về vị trí, xử lý môi trường, điện, nước…, các cơ sở khi vào cơ sở giết mổ tập trung sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục liên quan đến trang thiết bị phục vụ cho việc giết mổ của mình. Bởi vậy, trong tổng mức đầu tư khoảng 470 tỷ đồng cho 18 cơ sở giết mổ từ nay đến 2025, nguồn vốn Nhà nước đầu tư 195,7 tỷ đồng, phần còn lại do các cơ sở khi vào khu tập trung đầu tư. Đối với các cơ sở giết mổ hiện có, theo tính toán có khoảng 50 cơ sở đủ điều kiện để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đáp ứng được các yêu cầu diện tích tối thiểu, quy mô giết mổ, cơ sở vật chất để đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và môi trường… Số còn lại sẽ phải đình chỉ hoạt động, di dời vào khu tập trung hoặc chuyển đổi nghề.
Ông Lê Thắng cho biết thêm, dự báo đến năm 2020, nhu cầu thịt hơi các loại tiêu thụ nội tỉnh đạt 64.700 tấn/năm, tương đương với 177,2 tấn/ngày. Điều này đặt ra nhu cầu bức thiết phải hình thành cho được hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm đạt chuẩn. Việc giết mổ gia súc, gia cầm ở các cơ sở giết mổ tập trung, có kiểm soát là một biện pháp quan trọng để đảm bảo an toàn thực phẩm, chủ động giám sát an toàn dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Hồng Đăng