06:01, 29/01/2020

Dịch viêm phổi Vũ Hán khiến nhiều nhà sản xuất ô tô "rút quân" khỏi Trung Quốc

Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đang tiến hành rút nhân viên khỏi Trung Quốc và cân nhắc việc tạm ngừng sản xuất tại đây, trong bối cảnh dịch cúm Vũ Hán đang lan rộng.
 

Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đang tiến hành rút nhân viên khỏi Trung Quốc và cân nhắc việc tạm ngừng sản xuất tại đây, trong bối cảnh dịch cúm Vũ Hán đang lan rộng.
 
Giới chức y tế Trung Quốc hôm nay 29/1 thông báo, tính đến thời điểm hiện tại, số ca tử vong do virus corona mới đã tăng lên 131 người. Con số được xác nhận hôm qua là 106 người.
 
Như vậy, số ca nhiễm virus corona tính đến nay đã lên tới con số 5.496, vượt qua tổng số ca nhiễm SARS trong đợt dịch năm 2003. 
 
Trong diễn biến phức tạp của bệnh dịch, hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn đã hạn chế hoặc thậm chí cấm nhân viên tới Trung Quốc do lo ngại sự lây lan của dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona gây ra.

Công nhân làm việc trong một nhà máy của SAIC-GM-Wuling Automobile ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Ảnh: STR | AFP | Getty Images
Công nhân làm việc trong một nhà máy của SAIC-GM-Wuling Automobile ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Ảnh: STR | AFP | Getty Images
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc vốn đã tạm dừng nhân dịp Tết Nguyên đán bắt đầu vào cuối tuần trước, và thông thường sẽ được khởi động trở lại vào tuần này. Tuy nhiên, do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh, nhiều nhà sản xuất ô tô nước ngoài có cơ sở hoạt động tại Trung Quốc có thể sẽ đóng cửa nhà máy lâu hơn, theo một số nguồn tin nội bộ.
 
Vũ Hán là một trong những "thành phố ô tô" của Trung Quốc, nơi có rất nhiều nhà máy ô tô.
 
Các nhà sản xuất ô tô có hoạt động tích cực tại Vũ Hán gồm: GM, Honda và Nissan.
 
Honda Motor và PSA Group sẽ rút hết nhân viên làm việc ở quanh khu vực Vũ Hán.
 
Một người phát ngôn của Honda hôm qua 27/1 xác nhận có 30 cán bộ cùng với gia đình làm việc tại nhà máy ở gần Vũ Hán đã được đưa về Nhật Bản.
 
PSA Group cho biết quyết định cho nhân viên đang làm việc ở Vũ Hán về nước sẽ được đưa ra dựa trên thoả thuận giữa cơ quan chức năng Pháp với cơ quan chức năng Trung Quốc. Người phát ngôn Pierre-Olivier Salmon của PSA cho biết, dự kiến những người này sẽ bắt đầu từ Vũ Hán bay trở về Pháp vào giữa tuần này.
 
Nissan được cho là cũng có kế hoạch rút phần lớn nhân viên và người nhà họ khỏi Vũ Hán trở về Nhật Bản.
 
“Chúng tôi thực sự lo cho sức khoẻ và sự an toàn của các nhân viên và gia đình họ,” một người phát ngôn của Nissan cho biết qua email, hoàn toàn không đề cập trực tiếp đến kế hoạch rút nhân viên. “Chúng tôi đang thận trọng đánh giá tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc nói chung, cập nhật đầy đủ thông tin cho các nhân viên của mình và sẵn sàng cung cấp những hỗ trợ cần thiết và công cụ phòng ngừa.”
 
Người phát ngôn Eric Booth của Toyota Motor cho biết, hôm 27/1, công ty đã ban hành lệnh hạn chế nhân viên tới Trung Quốc cho đến khi có thông báo tiếp theo. Ông cũng cho biết, Toyota sẽ tiếp tục theo sát tình hình. Toyota không có nhà máy nào đang hoạt động tại Trung Quốc nên không cần phải thực hiện việc rút nhân viên khỏi Trung Quốc như các nhà sản xuất ô tô khác.
 
Hiện chưa có thông tin cụ thể từ các nhà sản xuất ô tô khác về số nhân viên Mỹ, châu Âu và quốc tịch khác sẽ được rút khỏi Trung Quốc.
 
Tại Thượng Hải, lãnh đạo địa phương đang cấm các công ty trong thành phố hoạt động trở lại trước ngày 9/2, theo hãng tin Reuters. Hãng xe điện Tesla, vừa mới khai trương nhà máy đầu tiên tại Thượng Hải, hiện không trả lời bất kỳ câu hỏi nào liên quan tới vấn đề này.
 
Hoạt động thương mại tại Trung Quốc theo kế hoạch sẽ tạm ngừng đến hết ngày 30/1 tới nhân dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, cơ quan chức năng Trung Quốc đã kéo dài thời gian nghỉ tới ngày 2/2 để giữ mọi người ở nhà lâu hơn, tránh nguy cơ lây lan bệnh dịch. 
 
General Motors (GM), hiện là nhà sản xuất ô tô Mỹ lớn nhất ở Trung Quốc, vẫn chưa quyết định có kéo dài kì nghỉ lễ quá ngày 2/2 hay không, đặc biệt là tại nhà máy lắp ráp ở Vũ Hán, nơi sử dụng khoảng 6.000 lao động. GM hiện có 15 nhà máy lắp ráp với các đối tác Trung Quốc.
 
“Để phòng ngừa, GM đã ban hành lệnh hạn chế di chuyển tới Trung Quốc. Các nhân viên của công ty cũng được nhắc nhở áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết mà các cơ quan y tế khuyến cáo. GM sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình.” - công ty cho biết.
 
Các nhà sản xuất ô tô khác, như Ford Motor, Fiat Chrysler và Volkswagen Mỹ, được cho là đang thực hiện các biện pháp tương tự.
 
Hôm 27/1, một người phát ngôn của Ford cho biết dự kiến sản xuất và các hoạt động khác ở Trung Quốc sẽ được khôi phục vào ngày 3/2. Tuy nhiên, các kế hoạch này đều có thể thay đổi dựa trên khuyến cáo của cơ quan chức năng Trung Quốc.
 
Tuần trước, Ford đã cho dừng mọi chuyến công tác tới Vũ Hán. Công ty hiện có các cơ sở sản xuất ở Trùng Khánh và Hàng Châu. Cả hai đều cách xa Vũ Hán hàng trăm cây số.
 
Cuối tuần qua, Fiat Chrysler đã yêu cầu toàn bộ nhân viên huỷ hoặc đổi các chuyến công tác tới Trung Quốc ít nhất là cho tới cuối tháng 2. 
 
Fiat Chrysler có hai nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc: một ở Quảng Châu và một ở Changsha, cách Vũ Hán hơn 300km. Ngoài ra, công ty còn có một số nhà máy phụ tùng ở Trung Quốc.
 
Một người phát ngôn của Volkswagen Mỹ hôm 24/1 cho biết công ty đang tích cực giám sát tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc và sẽ cân nhắc cẩn thận mọi chuyến đi tới nước này./.
 
Theo VOV