11:01, 11/01/2023

Nghiên cứu nhân sinh khối nấm quế linh chi

Một nhóm sinh viên Viện Công nghệ sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nha Trang vừa hoàn thành đề tài về nhân sinh khối nấm quế linh chi (Humphreya endertii) trên môi trường lỏng, mở ra hướng nghiên cứu mới phát triển các giống nấm bản địa mang lại giá trị kinh tế cao.

Một nhóm sinh viên Viện Công nghệ sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nha Trang vừa hoàn thành đề tài về nhân sinh khối nấm quế linh chi (Humphreya endertii) trên môi trường lỏng, mở ra hướng nghiên cứu mới phát triển các giống nấm bản địa mang lại giá trị kinh tế cao.


Sinh viên Nguyễn Thị Thùy Linh - lớp 61 công nghệ sinh học, Viện Công nghệ sinh học và Môi trường - chủ nhiệm đề tài cho hay, nấm quế linh chi là loài nấm hiếm, ở Việt Nam chỉ được phát hiện tại 2 Vườn Quốc gia: Nam Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai) và Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận). Những nghiên cứu gần đây cho thấy loài nấm này chứa nhiều hoạt chất sinh học quý, có khả năng gây độc tế bào ung thư và kháng được 5 chủng vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, trong nấm còn chứa hoạt chất có tính sinh học, là cơ sở cho việc phát triển nguồn dược liệu trong tương lai, góp phần bảo vệ các nguồn gen quý của Việt Nam.

Tuy nhiên, công nghệ nhân giống nấm ở nước ta hiện nay chủ yếu sử dụng trên môi trường thạch từ lúa, que sắn, mùn cưa... Đây là phương pháp truyền thống, đơn giản nhưng thời gian nhân giống kéo dài, chất lượng không đồng nhất, chi phí cao. Trong khi đó, công nghệ sản xuất giống nấm và nhân sinh khối sợi nấm trên môi trường lỏng là phương pháp tiên tiến, với nhiều ưu điểm, như: thời gian nhân giống nhanh, chất lượng giống ổn định, có thể dễ dàng đưa vào sản xuất ở quy mô công nghiệp, từ đó giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Hơn thế, công nghệ này có thể được ứng dụng sản xuất ở quy mô lớn để thu sinh khối sợi nấm có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều hoạt tính sinh học quý với chất lượng ổn định và được kiểm soát chặt chẽ… Vì vậy, nhóm đã triển khai đề tài nghiên cứu quá trình nhân sinh khối nấm quế linh chi nuôi cấy trong môi trường dịch thể.

 

Sinh viên Nguyễn Thị Thùy Linh nghiên cứu sự phát triển của nấm

Sinh viên Nguyễn Thị Thùy Linh nghiên cứu sự phát triển của nấm

 

 

Qua 1 năm thực hiện đề tài, từ tháng 9-2021 đến tháng 9-2022, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện 2 mục tiêu: Tối ưu hóa môi trường lỏng nhân sinh khối lỏng nấm quế linh chi và tối ưu hóa điều kiện vật lý để nhân sinh khối lỏng nấm quế linh chi. Kết quả đã tạo được nguồn giống gốc với ống giống có tơ trắng, khỏe, không có dấu hiệu nhiễm nấm hay vi khuẩn khác, trong đó chủng nấm dòng CT-01 có khả năng sinh enzyme phục vụ việc nuôi cấy tốt nhất.


Theo Thạc sĩ Văn Hồng Cầm - giảng viên hướng dẫn, đề tài nghiên cứu nhằm khảo sát sự sinh trưởng và phát triển của hệ sợi chủng nấm dòng CT-01 được nhận tại Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên. Nấm này có nhiều dược tính tốt, ứng dụng trong việc làm dược liệu chữa bệnh. Các sinh viên đã thực hiện theo công nghệ nuôi cấy nấm lỏng để thay thế các phương pháp làm giống truyền thống, đặc biệt trong việc làm giống hoặc thu sinh khối sản xuất dược liệu. Đề tài tập trung khảo sát sự phát triển của tơ nấm trong điều kiện nuôi lỏng (dịch thể) cho kết quả khả quan, là tiền đề để tiếp tục phát triển nghiên cứu nhân sinh khối các giống nấm có giá trị kinh tế trên địa bàn tỉnh...


V.L