Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ cơ sở có nhiều khởi sắc, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chất lượng sản phẩm hàng hóa; tạo luận cứ khoa học để hoạch định chính sách, xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) cơ sở có nhiều khởi sắc, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chất lượng sản phẩm hàng hóa; tạo luận cứ khoa học để hoạch định chính sách, xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Triển khai 89 đề tài
Theo lãnh đạo Sở KH-CN, từ năm 2016 đến nay, có 89 nhiệm vụ KH-CN cấp cơ sở được triển khai trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như đề tài “Ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) để xây dựng bản đồ dịch tễ về bệnh cúm gia cầm tỉnh Khánh Hòa” đã đưa ra các giải pháp nhằm phát triển ngành chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi và ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh. Hay đề tài “Ứng dụng thiết bị tiết kiệm điện chiếu sáng công cộng theo công nghệ điều chỉnh điện áp tại thị xã Ninh Hòa” triển khai trên tuyến đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh (thị xã Ninh Hòa) góp phần khắc phục tình trạng quá tải của lưới điện, kéo dài tuổi thọ bóng đèn, từ đó giúp tiết kiệm chi phí sửa chữa thường xuyên; giảm 30% điện năng tiêu thụ...
Nhiều đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp có tính ứng dụng cao. Các đơn vị chủ trì đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao đề tài đã nghiệm thu đến cơ sở sản xuất, tổ chức, cá nhân nhằm áp dụng vào sản xuất và nhân rộng kết quả đề tài. Tiêu biểu là các đề tài: Ứng dụng kỹ thuật chế biến phụ phẩm cây mía làm thức ăn cho đại gia súc trên địa bàn thị xã Ninh Hòa; Xây dựng mô hình ủ phân chuồng phục vụ sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh; Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp hạn chế tối đa việc bổ sung đất cát san hô trong canh tác tỏi tại Khánh Hòa; Xây dựng biện pháp kỹ thuật trồng cây kiệu trên địa bàn huyện Cam Lâm; Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt siêu nạc Grimaud thương phẩm trên sàn theo hướng an toàn sinh học...
Ngoài ra, các hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sáng kiến đổi mới sáng tạo; xây dựng, sáng lập, quảng bá, phát triển, bảo vệ thương hiệu; áp dụng, cải tiến, đổi mới chất lượng cũng có những bước tiến mới. Điển hình như Sở KH-CN đã phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, triển khai thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu đối với một loạt sản phẩm nông sản đặc thù như: Dừa xiêm Ninh Đa, dừa Tuần Lễ Vạn Thọ, xoài Cam Lâm, bưởi da xanh Khánh Vĩnh, yến sào Nha Trang…
Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở KH-CN, hoạt động KH-CN cơ sở thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể như: Triển khai đúng tiến độ kế hoạch; hoạt động KH-CN được tăng cường; vai trò trách nhiệm của Hội đồng KH-CN cơ sở, hội đồng sáng kiến ngày càng được nâng lên… Công tác ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật được củng cố góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, tạo ra luận cứ khoa học để hoạch định chính sách, xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, công tác KH-CN còn gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2016 - 2018, ngân sách tỉnh hỗ trợ các đề tài KH-CN cấp cơ sở còn hạn chế (tối đa 100 triệu đồng/đề tài) nên chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra và những yêu cầu cấp bách tại địa phương. Nhiệm vụ KH-CN chủ yếu là hoạt động nghiên cứu ứng dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn xã hội. Các ngành, địa phương chưa chủ động trong việc đăng ký triển khai ứng dụng đề tài KH-CN đã nghiệm thu do khó khăn về kinh phí, đặc biệt là vốn đối ứng. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ KH-CN chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở vật chất, tiềm lực KH-CN cơ bản còn yếu...
Theo lãnh đạo Sở KH-CN, thời gian tới, lãnh đạo các cấp, ngành cần quán triệt sâu rộng việc triển khai ứng dụng KH-CN vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo tinh thần chỉ đạo của các nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng KH-CN cấp huyện triển khai thực hiện nhiệm vụ KH-CN hàng năm; đổi mới hình thức tổ chức để nâng cao chất lượng các hoạt động tập huấn, tuyên truyền nâng cao nghiệp vụ quản lý nhiệm vụ KH-CN cho cán bộ chuyên trách tại địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng mô hình ứng dụng kết quả nghiên cứu đã được đánh giá nghiệm thu từ các nhiệm vụ KH-CN cấp nhà nước, cấp tỉnh, dự án nông thôn miền núi nhằm phát huy lợi thế vùng, phát triển cây, con đặc sản, các sản phẩm truyền thống, xây dựng thương hiệu có thế mạnh…
V.L