11:10, 17/10/2021

Hiệu quả nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ

Nhiều năm qua, việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã mang lại hiệu quả tích cực.

 

Nhiều năm qua, việc ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất nông nghiệp tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã mang lại hiệu quả tích cực.


Chọn giống để tăng năng suất, chất lượng


Từ năm 2013 đến nay, thị xã Ninh Hòa đã triển khai nhiều chương trình, đề tài, mô hình KH-CN nhằm góp phần tăng năng suất, chất lượng vật nuôi, cây trồng trên địa bàn. Địa phương đã đưa vào sản xuất đại trà các giống lúa có năng suất, chất lượng; đồng thời vận động nông dân không dùng các giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ; khuyến cáo nên sử dụng giống xác nhận, giống lai có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế như: ML 48, ML 202, ĐV 108, TH 9, AS 1399, Đài Thơm 8… Các biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” được ứng dụng rộng rãi, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

 

Nuôi tôm theo mô hình semi-biofloc tại Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Ninh Phú.

Nuôi tôm theo mô hình semi-biofloc tại Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Ninh Phú.


Ông Lương Công Vân - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp 1 Ninh Quang cho biết, chính nhờ các chương trình, dự án KH-CN về nông nghiệp, HTX đã đưa vào khảo nghiệm và sản xuất nhiều giống lúa chất lượng cao, có tiềm năng tiêu thụ và xuất khẩu như: Hương Châu, ST 25… Trong đó, giống lúa Đài Thơm 8 có diện tích 15ha với năng suất bình quân vụ đông xuân 7,5 - 8 tấn/ha, vụ hè thu 6 tấn/ha. Thị xã vừa triển khai chương trình khảo nghiệm giống lúa này tại nhiều địa phương như: Ninh Đa, Ninh Giang, Ninh Đông, Ninh Quang…


Bên cạnh đó, địa phương đã khảo nghiệm và chọn được bộ giống rau màu có năng suất, chất lượng, ít sâu bệnh, phù hợp cơ cấu mùa vụ như: Ớt chỉ thiên, ớt 2 mũi tên đỏ, tỏi sẻ Lý Sơn, khổ qua Sumo… Trên địa bàn thị xã đã xây dựng được các HTX trồng rau an toàn với diện tích lớn… Thị xã cũng đã xây dựng thành công nhiều mô hình trồng cây ăn quả tập trung với các giống: Bưởi da xanh, xoài Úc, xoài Đài Loan, xoài cát Hòa Lộc, mít Thái siêu sớm, mít Viên Linh, bơ Booth, cam xoàn…; đồng thời triển khai các mô hình tưới tiết kiệm trên cây ăn quả với gần 20ha…


Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ


Trong lĩnh vực chăn nuôi, chương trình cải tạo đàn bò đã tạo được đàn bò lai chiếm 50% tổng đàn bò địa phương, với giá bán bò lai gấp 1,5 lần bò địa phương cùng lứa tuổi. Chương trình nạc hóa đàn heo từ giống ngoại nâng tỷ lệ đàn heo lai chiếm 90% tổng đàn, rút ngắn chu kỳ nuôi, sinh sản… Công nghệ nuôi tôm theo hướng semi-biofloc góp phần nâng cao năng suất, chất lượng tôm thương phẩm, phòng, chống hiệu quả dịch bệnh. Đánh giá ưu thế của mô hình nuôi tôm semi-biofloc, ông Phạm Thanh Sinh - Chủ tịch UBND xã Ninh Phú cho biết, đây là phương pháp nuôi tôm tiên tiến, sử dụng chế phẩm EM để tạo các khối biofloc làm sạch môi trường, tạo nguồn thức ăn cho tôm nên tôm khỏe, không nhiễm bệnh; năng suất nuôi theo mô hình này có thể đạt 5 tấn/2.000m2/vụ. Đến nay, nông dân trên địa bàn xã đã triển khai nuôi tôm theo công nghệ semi-biofloc trên 15ha.


Nhận xét về công tác KH-CN, ông Lê Minh Tâm - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, thời gian qua, công tác KH-CN triển khai trên địa bàn thị xã đã mang lại hiệu quả tích cực đối với sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống nông dân. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn; đội ngũ cán bộ KH-CN còn thiếu; đời sống nông dân còn khó khăn nên chưa mạnh dạn áp dụng đại trà, vẫn còn dựa vào các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước… Thời gian tới, công tác này cần được sự quan tâm của các cấp, ngành, đặc biệt là các sở, ngành chức năng như: Sở KH-CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tăng cường hỗ trợ cấp huyện nhân rộng mô hình tiến bộ KH-CN; phối hợp hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ thuật, triển khai ứng dụng, chuyển giao công nghệ, phổ biến tuyên truyền kết quả các đề tài, dự án đã nghiệm thu…


V.L