02:04, 01/04/2003

Thành phố Nha Trang – Những chặng đường hình thành và phát triển

Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là "Ya Trang" (có nghĩa là "sông Lau", tên người Chăm xưa gọi sông Cái Nha Trang). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất: Nha Trang là địa danh của người Việt gọi vùng đất thuộc chủ quyền của mình từ năm 1653.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là "Ya Trang" (có nghĩa là "sông Lau", tên người Chăm xưa gọi sông Cái Nha Trang). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất: Nha Trang là địa danh của người Việt gọi vùng đất thuộc chủ quyền của mình từ năm 1653. Hơn 3 thế kỷ, trải qua nhiều biến động lịch sử, TP. Nha Trang hiện nay là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Khánh Hòa.

Về địa danh "Nha Trang", trong "Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư", tập bản đồ Việt Nam do nho sinh họ Đỗ Bá soạn vào khoảng nửa sau thế kỷ XVII đã thấy có tên "Nha Trang Môn" (cửa Nha Trang)(1). Trong một bản đồ khác có niên đại cuối thế kỷ XVII mang tên "Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ" cũng thấy ghi tên "Nha Trang Hải môn" (cửa biển Nha Trang)(2). Trong thư tịch cổ Việt Nam, đây có lẽ là những tài liệu sớm nhất đề cập đến địa danh này.

Trong thư từ của các giáo sĩ châu Âu đến truyền đạo ở Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVIII, lần đầu tiên ta thấy địa danh "Nha Trang" được ghi lại bằng mẫu tự La tinh. Chẳng hạn trong lá thư đề ngày 31-5-1715 của giám mục người Pháp Marin gửi cho Giám đốc chủng viện kể lại một vụ đắm tàu của người Hà Lan tại vùng đảo Hoàng Sa, tác giả có nhắc đến một địa danh nguyên văn như sau: "Un port nommé NHATLANG" (một cửa biển tên Nha Trang)(3). Trong một lá thư khác đề ngày 16-10-1718 ông lại viết: "le canton de NHATLANG" (tổng Nha Trang)(4). Điều đáng chú ý ở đây là cách ghi âm NHA TRANG bằng NHATLANG. Thật vậy, về mặt ngữ âm, tiếng Việt ở thế kỷ XVI, XVII có một số tổ hợp phụ âm đầu như BL, ML, TL… về sau này không còn nữa mà biến thành một số phụ âm khác, ví dụ TL sau này biến thành TR ("Từ điển Annam - Lusitan - Latinh" của Alexandre de Rhodes xuất bản lần đầu năm 1651 có các từ TLĂM = TRĂM, TLÂU = TRÂU, TLÊN = TRÊN…)(5).

Từ 1653 đến giữa thế kỷ XIX, Nha Trang vẫn là một vùng đất còn hoang vu và nhiều thú dữ của thuộc Hà Bạc, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh. Chỉ qua hai thập niên đầu thế kỷ XX, bộ mặt Nha Trang đã thay đổi nhanh chóng. Với Nghị định ngày 30-8-1924 của Toàn quyền Đông Dương, Nha Trang trở thành một thị trấn (centre urbain)(6). Thị trấn Nha Trang hình thành từ các làng cổ: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phước Hải.

Thời Pháp thuộc, Nha Trang được coi là tỉnh lỵ (chef lieu) của tỉnh Khánh Hòa. Các cơ quan chuyên môn của chính quyền thuộc địa như Tòa Công sứ, Giám binh, Nha Thương chánh, Bưu điện… đều đặt tại Nha Trang. Tuy nhiên, các cơ quan Nam triều như dinh quan Tuần vũ, Án sát (coi về hành chánh, tư pháp), Lãnh binh (coi việc trật tự trị an) vẫn đóng ở Thành Diên Khánh (cách Nha Trang 10km về phía Tây Nam).

Đến Nghị định ngày 7-5-1937 của Toàn quyền Đông Dương, Nha Trang được nâng lên thị xã (commune)(7). Lúc mới thành lập, thị xã Nha Trang có 5 phường: Xương Huân là phường đệ nhất, Phương Câu là phường đệ nhị, Vạn Thạnh là phường đệ tam, Phương Sài là phường đệ tứ, Phước Hải là phường đệ ngũ.

Ngày 27-1-1958, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành Nghị định 18-BNV bãi bỏ quy chế thị xã, chia Nha Trang thành 2 xã là Nha Trang Đông và Nha Trang Tây thuộc quận Vĩnh Xương.

Ngày 22-10-1970, Sắc lệnh số 132-SL/NV của chính quyền Sài Gòn lấy 2 xã Nha Trang Đông, Nha Trang Tây và các xã Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, các ấp Phước Hải (xã Vĩnh Thái), Vĩnh Điềm Hạ (xã Vĩnh Hiệp), Ngọc Thảo, Ngọc Hội, Lư Cấm (xã Vĩnh Ngọc) thuộc quận Vĩnh Xương cùng các hải đảo Hòn Lớn, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Miễu, Hòn Tằm tái lập thị xã Nha Trang, tỉnh lỵ tỉnh Khánh Hòa. Thị xã Nha Trang chia làm 2 quận: quận 1 và quận 2. Quận 1 gồm các xã Nha Trang Đông, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, các ấp Ngọc Thảo, Ngọc Hội và Lư Cấm thuộc xã Vĩnh Ngọc, ấp Vĩnh Điềm Hạ thuộc xã Vĩnh Hiệp; Quận 2 gồm các xã Nha Trang Tây, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên (kể cả các đảo Hòn Tre, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Tằm), ấp Phước Hải của xã Vĩnh Thái.

 Tiếp đó, Nghị định số 357-ĐUHC/NC/NĐ ngày 5-6-1971 chia thị xã Nha Trang thành 11 khu phố: quận 1 có các khu phố Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Ngọc Hiệp, Vạn Thạnh, Duy Tân; Quận 2 có các khu phố Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Phương Sài, Tân Phước, Tân Lập, Phước Hải. Đến Nghị định số 553-BNV/HCĐP/NV ngày 22-8-1972 đổi các khu phố thành phường. Nghị định số 444-BNV/HCĐP/26.X ngày 3-9-1974 sáp nhập các đảo Hòn Một, Hòn Cậu, Hòn Đụn, Hòn Chóp Vung, Hòn Đỏ vào phường Vĩnh Hải (quận 1) và Hòn Nọc vào phường Vĩnh Nguyên (quận 2) thị xã Nha Trang.

Ngày 2-4-1975, Nha Trang - Khánh Hòa hoàn toàn giải phóng. Ngày 6-4-1975, Ủy ban Quân quản Khánh Hòa chia Nha Trang thành 3 đơn vị hành chính: quận 1, quận 2 và quận Vĩnh Xương.

Tháng 9-1975, hợp nhất hai quận: quận 1 và quận 2 thành thị xã Nha Trang.

Ngày 30-3-1977, theo Quyết định số 391-CP/QĐ của Hội đồng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thị xã Nha Trang được nâng lên cấp thành phố trực thuộc tỉnh và là tỉnh lỵ tỉnh Phú Khánh. Phần đất 7 xã của huyện Vĩnh Xương cũ trước đây là Vĩnh Thái, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương được cắt ra khỏi huyện Khánh Xương sáp nhập vào TP. Nha Trang.

Quyết định số 54-BT ngày 27-3-1978 thành lập xã Phước Đồng thuộc TP. Nha Trang.
Ngày 1-7-1989, tái lập tỉnh Khánh Hòa từ tỉnh Phú Khánh cũ, Nha Trang là tỉnh lỵ tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 22-4-1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 106/1999 công nhận TP. Nha Trang là đô thị loại 2.

Địa giới hành chính TP. Nha Trang hiện nay: Bắc giáp huyện Ninh Hòa, Nam giáp thị xã Cam Ranh, Tây giáp huyện Diên Khánh, đông giáp biển Đông. Diện tích tự nhiên: 251km2; Dân số: 337.803 người (tính đến 31-12-2000); Mật độ dân số: 1.346 người/km2 (cao nhất tỉnh)(8); Gồm 27 đơn vị hành chính, trong đó có 19 phường nội thành là: Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Xương Huân, Vạn Thắng, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phương Sơn, Ngọc Hiệp, Phước Hòa, Phước Tân, Phước Tiến, Phước Hải, Lộc Thọ, Tân Lập, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Phước Long (thành lập tháng 11-1998), Vĩnh Hòa (thành lập tháng 4-2002), và 8 xã ngoại thành là: Vĩnh Phương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Lương và Phước Đồng. Từ năm 1998 đến nay, do tốc độ phát triển đô thị gia tăng, nhiều khu quy hoạch mới đã được hình thành như: khu dân cư Hòn Rớ, khu dân cư Bắc Việt, Thánh Gia, Đường Đệ, khu Nam Hòn Khô…

NGUYỄN VIẾT TRUNG

(1) & (2) Hồng Đức bản đồ, bản dịch của Bửu Cầm và cộng sự, Viện Khảo cổ Sài Gòn xuất bản 1962.
(3) & (4) Nguyễn Nhã, Hoàng Sa qua vài tài liệu văn khố của Hội Truyền giáo Paris, Sử Địa số 29, Sài Gòn 1-1975, tr. 268-272
(5) Alexandre de Rhodes, Từ điển Annam - Lusitan - Latinh. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1991.
(6) Theo J.O.I.C trang 1689, bản sao nguyên văn tiếng Pháp lưu trữ tại Phòng Địa chí Thư viện tỉnh Khánh Hòa.
(7) Theo Công báo số 9 năm 1937 của chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam, bản sao nguyên văn tiếng Pháp lưu trữ tại Phòng Địa chí Thư viện tỉnh Khánh Hòa.
(8) Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa, Niên giám thống kê Khánh Hòa năm 2000, Nha Trang 12-2001.