02:04, 01/04/2003

Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa trong lịch sử Khánh Hòa 350 năm

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) ra đời đánh dấu mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Từ thực tiễn cách mạng, vai trò lãnh đạo của Đảng trong hơn 70 năm qua đã tập hợp toàn dân đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn thử thách, anh dũng đấu tranh đưa sự nghiệp cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) ra đời đánh dấu mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Từ thực tiễn cách mạng, vai trò lãnh đạo của Đảng trong hơn 70 năm qua đã tập hợp toàn dân đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn thử thách, anh dũng đấu tranh đưa sự nghiệp cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Lịch sử ra đời, quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ Khánh Hòa gắn liền với lịch sử Đảng CSVN. Trong dòng chảy lịch sử Khánh Hòa 350 năm, lịch sử hơn 70 năm của Đảng bộ Khánh Hòa tuy chiếm một thời gian không dài, nhưng để lại nhiều chiến công oanh liệt, nhiều thành tựu to lớn, ghi nhiều dấu ấn lịch sử nổi bật đã và đang được các thế hệ của tỉnh tiếp tục phát huy lên một tầm cao mới.

Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa thành lập, lãnh đạo phong trào cách mạng, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, góp phần vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất nước nhà.

Vào những năm 1925 - 1929, những người yêu nước Khánh Hòa, trong đó đáng chú ý là số thanh niên trí thức, học sinh, công nhân đã nhạy bén tiếp thu những luồng tư tưởng phù hợp với khát vọng giải phóng quê hương, đất nước do những nhà yêu nước theo tư tưởng Nguyễn Ái Quốc như Hà Huy Tập, Ngô Đức Diễn… truyền bá. Từ đó, những cơ sở cộng sản đầu tiên được hình thành, dẫn đến việc chuyển những cơ sở của Đảng Tân Việt sang các chi bộ và thành lập Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản liên đoàn, và sau đó gia nhập Đảng CSVN vào ngày 24-2-1930.

 Vừa mới thành lập, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân vùng lên làm cách mạng. Cuộc biểu tình ngày 16-7-1930 tại huyện Tân Định (nay là huyện Ninh Hòa) là cuộc đấu tranh có quy mô lớn đầu tiên của tỉnh ta và cũng là cuộc biểu tình đầu tiên ở Nam Trung bộ giành được thắng lợi sau khi Đảng CSVN thành lập; góp phần châm ngòi nổ cho cao trào cách mạng nước ta trong những năm 1930 - 1931. Trong cuộc vận động cách mạng 1936 - 1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, trên địa bàn của tỉnh đã diễn ra nhiều cuộc hội họp, mít tinh truyền bá tư tưởng của Đảng, nhiều cuộc biểu tình chống chính sách sưu cao thuế nặng, chống lại chế độ thống trị hà khắc của thực dân, đòi quyền dân sinh dân chủ… Thời kỳ 1939 - 1945, qua thực tế đấu tranh với bao thử thách khốc liệt, những đảng viên của Đảng bộ kiên cường bám trụ, dựa chắc vào quần chúng, xây dựng cơ sở Đảng, phát triển tổ chức Việt Minh, chuẩn bị lực lượng vũ trang, sẵn sàng đón thời cơ khởi nghĩa. Tháng 8-1945, khi thời cơ đến, Đảng bộ đã kịp thời lãnh đạo nhân dân vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng bộ đã lãnh đạo xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, các tổ chức đoàn thể cách mạng, chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 23-10-1945, quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa nổ súng kháng chiến mở đầu cuộc chiến đấu 101 ngày đêm bao vây quân xâm lược Pháp trên mặt trận Nha Trang, góp phần tạo điều kiện cho cả tỉnh và cả nước có thời gian chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, là tỉnh vùng tạm bị chiếm đầy gian lao, ác liệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Khánh Hòa đã xây dựng các chiến khu kháng chiến, xây dựng phong trào du kích chiến tranh vượt qua những chặng đường gian lao thử thách. Đến Đông - Xuân 1953 - 1954, thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương, quân và dân cả tỉnh phối hợp với các chiến trường, áp sát bao vây tiêu diệt địch, góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vượt qua những năm khó khăn, ác liệt nhất của phong trào cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã bền bỉ đấu tranh chống chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, kiên quyết bảo tồn lực lượng cách mạng. Trong khi kẻ thù tập trung đánh phá phong trào ở đồng bằng, thị xã, thị trấn thì Đảng bộ lãnh đạo đẩy mạnh phong trào cách mạng ở miền núi, tiến tới giải phóng miền núi, xây dựng thành căn cứ địa vững chắc cho phong trào kháng chiến toàn tỉnh. Từ năm 1961, quán triệt đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng đề ra cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, vận dụng vào hoàn cảnh thực tiễn của tỉnh, Đảng bộ đã bám chắc vào quần chúng, vừa chiến đấu vừa xây dựng thực lực cách mạng, chuyển phong trào từ thế phòng thủ sang thế tiến công, lập nên nhiều chiến công xuất sắc; góp phần cùng với chiến trường toàn miền, đánh bại các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Đến năm 1975, khi thời cơ đến, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công và nổi dậy giải phóng toàn tỉnh vào ngày 2-4-1975, góp phần vào đại thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sự nghiệp chống Mỹ cứu nước toàn thắng, ghi lại những dấu ấn lịch sử vẻ vang, khẳng định lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần cách mạng kiên cường, ý chí chiến đấu anh dũng của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh; khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng.

Đảng bộ Khánh Hòa trong sự nghiệp đổi mới, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa tập trung sức lực và trí tuệ nhanh chóng tiếp quản tỉnh nhà, xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cải tạo và xây dựng quan hệ sản xuất XHCN, xây dựng cơ sở sản xuất, cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Từ năm 1986, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần VI về sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước, thời gian đầu Khánh Hòa còn nằm trong đơn vị hành chính tỉnh Phú Khánh. Đến tháng 7-1989, Đảng và Nhà nước quyết định chia lại địa giới tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Việc chia lại địa giới hành chính tỉnh phần nào làm xáo trộn về mặt tổ chức, kế hoạch. Đồng thời, những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô tan rã đã tác động sâu sắc đến đất nước và tỉnh. Trong bối cảnh hết sức phức tạp ấy, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 12 (3-1991), tiếp theo là Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh (4-1994) đã bám sát đường lối chủ trương của Đảng, phân tích đánh giá đúng tình hình, nhìn đúng thực trạng, yếu kém, kịp thời đề ra những chủ trương năng động sáng tạo. Tỉnh ủy đã chỉ đạo bố trí lại cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, thế mạnh của tỉnh và cơ chế quản lý mới. Công tác kế hoạch hóa chuyển từ tập trung xây dựng các chỉ tiêu pháp lệnh sang định hướng ở tầm vĩ mô, quan tâm đầu tư tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, sinh lợi nhanh. Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần hình thành, từng bước phát huy tác dụng, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển.

Thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 13 (4-1996), lần thứ 14 (1-2001), tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trên lĩnh vực kinh tế, Tỉnh ủy có những định hướng đúng đắn bằng các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ, du lịch - nông nghiệp, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, phát huy tính năng động, sáng tạo của từng đơn vị, từng hộ gia đình, mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư với nước ngoài, đổi mới công tác kế hoạch và công tác quản lý, nên nền kinh tế của tỉnh phát triển tương đối toàn diện và liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) tính bình quân từ năm 1991 - 1995 đạt xấp xỉ 14%, từ năm 1996 - 2001 trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ khu vực vẫn đạt mức 8,2%, năm 2002 tăng 10,5% đạt bình quân đầu người 7,8 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tính đến năm 2002, tỷ trọng trong GDP của ngành công nghiệp chiếm 39%, dịch vụ du lịch chiếm trên 39%, các ngành nông - lâm - thủy sản 21,5%. Thu ngân sách đạt khá, chiếm trên 18% tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP). Tốc độ thu ngân sách tăng nhanh, năm 1995 đạt trên 500 tỷ đồng, năm 2000 đạt trên 1.000 tỷ đồng, đến năm 2002 đạt 1.772 tỷ đồng, bằng 148% kế hoạch. Chi ngân sách năm 2002 đạt 1.023 tỷ đồng, bằng 106% kế hoạch, trong đó chi cho đầu tư phát triển 388 tỷ đồng.

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, các mặt văn hóa - xã hội cũng được quan tâm đầu tư phát triển. Hệ thống giáo dục và đào tạo từng bước được quy hoạch, sắp xếp; quy mô giáo dục tăng nhanh; chất lượng giáo dục - đào tạo có chuyển biến và tiến bộ; trình độ dân trí được nâng lên rõ rệt. Các hoạt động khoa học và công nghệ hướng vào việc nghiên cứu ứng dụng, góp phần phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường. Mạng lưới khám chữa bệnh được đầu tư đến cơ sở. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, các phòng khám khu vực và trạm y tế xã, phường đã và đang được đầu tư, xây dựng và sửa chữa nâng cấp. Phong trào quần chúng tham gia luyện tập thể dục thể thao phát triển khắp các địa phương. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ đúng định hướng và có bước phát triển khá. Công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường củng cố, xây dựng. Công tác cải cách thủ tục hành chính ở các cơ quan Nhà nước, công tác tiếp dân, giải quyết các vụ việc khiếu kiện của nhân dân bước đầu có tiến bộ.

Những thành tựu và tiến bộ đã đạt được về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên chặng đường cùng cả nước đi lên CNXH, đã khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, khẳng định vai trò, vị trí của Khánh Hòa đối với đất nước, khẳng định ý chí tự lực tự cường, bản lĩnh và sức sống của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa.

Đảng bộ Khánh Hòa - truyền thống vẻ vang
Hơn 70 năm qua, cùng với những thắng lợi quan trọng mà nhân dân Khánh Hòa đã giành được, Đảng bộ đã từng bước trưởng thành, lớn mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đa số đảng viên giữ được phẩm chất cách mạng, xây đắp nên những truyền thống tốt đẹp đáng trân trọng tự hào. Đó là truyền thống:

- Trong bất cứ hoàn cảnh, khó khăn thử thách nào, Đảng bộ luôn tuyệt đối trung thành, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ, nêu cao bản lĩnh cách mạng, tự lực tự cường, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, vận dụng sáng tạo đường lối chủ trương của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương để lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh hòa với nhịp bước đi lên của phong trào cách mạng cả nước.

- Tin vào dân, dựa vào dân, quan hệ mật thiết với dân, đi sát nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân, chăm lo công tác xây dựng mặt trận, các đoàn thể, tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân để Đảng bộ khắc phục sửa chữa khuyết điểm; do đó được nhân dân tin yêu, đùm bọc và toàn tâm, toàn ý đi theo Đảng chiến đấu, xây dựng theo mục tiêu lý tưởng của Đảng.

- Luôn luôn nêu cao tinh thần đấu tranh, chăm lo xây dựng khối đoàn kết trong Đảng cũng như đại đoàn kết toàn dân, khắc ghi lời Bác Hồ dạy: “Cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, coi đoàn kết là cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng vẻ vang và những thành tựu to lớn của tỉnh nhà.

- Không ngừng học tập tu dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, phấn đấu thực hiện sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.

Ở thời điểm kỷ niệm Khánh Hòa 350 năm, so với chiều dài lịch sử của tỉnh, lịch sử Đảng bộ mới chỉ hơn 70 năm, song đây là thời kỳ rực rỡ, vẻ vang nhất vì Đảng bộ đã kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước của các thế hệ đi trước, tiếp thu các yếu tố yêu nước cách mạng mới, tạo nên những chiến công, những thành tựu to lớn và những biến đổi sâu sắc nhất trong lịch sử quê hương. Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa càng tự hào với quá khứ hào hùng mà các thế hệ cha anh đã dày công đấu tranh, xây dựng, càng quyết tâm trong thời gian tới vượt mọi khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

ĐINH HỮU LẠC