10:03, 28/03/2023

Nông trại Hoa Quả Sơn dưới chân núi Hòn Dù

Nép mình dưới chân núi Hòn Dù, thuộc thôn Suối Lách, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, nông trại Hoa Quả Sơn (Hoa Quả Sơn Farm) rộng16ha của nữ chủ nhân Lê Thị Kim Thanh là một nông trại hữu cơ được chắt chiu xây dựng từ tình yêu của chủ nhân với thiên nhiên. Nông trại được quy hoạch từng vùng cho khoảng 40 loại cây ăn quả như: Chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, dừa xiêm, bưởi, mít, ổi, mận, nhãn, hồng xiêm, măng cụt, thanh long vàng, cam…; ....

Nép mình dưới chân núi Hòn Dù, thuộc thôn Suối Lách, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, nông trại Hoa Quả Sơn (Hoa Quả Sơn Farm) rộng16ha của nữ chủ nhân Lê Thị Kim Thanh là một nông trại hữu cơ được chắt chiu xây dựng từ tình yêu của chủ nhân với thiên nhiên. Nông trại được quy hoạch từng vùng cho khoảng 40 loại cây ăn quả như: Chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, dừa xiêm, bưởi, mít, ổi, mận, nhãn, hồng xiêm, măng cụt, thanh long vàng, cam…; trong đó, chị Kim Thanh đã chọn các loại cây đều là giống mới để tạo sự độc đáo cho nông trại. Ngoài ra, nông trại còn trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như: Cherry, lựu Ấn Độ, chà là… làm nên sự phong phú, đa dạng, mùa nào thức nấy. Chưa kể chuối và đu đủ trồng xen khắp nông trại, trái chín nhiều trên cây, cứ để chim, sóc… đến ăn, góp phần bảo vệ cây cối, mùa màng.

 

Cây kơ nia ở nông trại Hoa Quả Sơn.

Cây kơ nia ở nông trại Hoa Quả Sơn.


Hoa Quả Sơn Farm cũng trồng rất nhiều hoa để tạo cảnh quan, như: Hoa hồng, hoa sứ, phong lan… và khoảng trăm cây muồng hoa đào (còn gọi là muồng anh đào, đậu anh đào…) nở hoa chùm màu hồng và trắng rất nên thơ. Ngoài ra, chủ nhân nông trại còn chú ý đến giá trị kinh tế của cây dó bầu khi thử nghiệm cấy trầm sinh học. Nông trại được xây dựng với các tiêu chí sạch: Không khí sạch, nguồn nước tưới sạch, đất sạch, phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật an toàn để tạo nên một khu vườn bốn mùa cây trái xanh tươi, ra vườn có thể hái trái ăn tại gốc.


Trong khuôn viên nông trại còn có một cây kơ nia (tiếng địa phương gọi là cây cầy) được giới chuyên môn xác định khoảng 350 tuổi. Cây cao 30m, đường kính tán lá cũng khoảng 30m nên dáng cây rất đẹp, cân đối, bề thế, rễ cây ăn sâu và lan rộng đến tận dòng suối Lách róc rách ngày đêm. Ngày 22-5-2020, cây kơ nia ở Hoa Quả Sơn Fram được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận Cây di sản Việt Nam. Đứng dưới gốc cây kơ nia vào lúc mặt trời sắp xuống núi, chim chóc về đậu ríu ran, một cảm giác vừa bình yên vừa hào sảng, trong lòng như có âm vang của bài hát nổi tiếng Bóng cây kơ nia (thơ Ngọc Anh, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc): Trời sáng em lên rẫy/Thấy bóng cây kơ nia/Bóng ngả trên ngực em/Về nhớ anh không ngủ/Trời chiều mẹ lên rẫy/Thấy bóng cây kơ nia/Bóng tròn che lưng mẹ/Về nhớ anh mẹ khóc…


Năm 2023, Khánh Hòa kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh. Đó là cả một quá trình xây dựng và phát triển, công sức của biết bao thế hệ tiền nhân và hôm nay. Bỗng nhiên liên tưởng có một cây kơ nia dưới căn cứ cách mạng Hòn Dù, có tuổi đời cũng xấp xỉ như thế, từng đứng vững trong giông bão thiên nhiên, trong bom đạn của chiến tranh, từng chứng kiến bao sự kiện lịch sử, từng trải qua bao thay đổi của cuộc đời. Một cây kơ nia cổ thụ như ngầm song thoại với con người về vẻ đẹp của thiên nhiên, của phẩm chất con người, của biểu tượng văn học nghệ thuật:


Như bóng cây kơ nia

Như gió cây kơ nia…


CHẾ DIỄM TRÂM