12:11, 04/11/2020

Du lịch hướng đến tăng trưởng xanh

Ngành Du lịch chuẩn bị tổng kết Chương trình hành động du lịch Khánh Hòa 2016 - 2020. Theo Sở Du lịch, 5 năm qua, du lịch Khánh Hòa đã có sự tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, sự phát triển "nóng" của du lịch xứ Trầm Hương cũng đặt ra nhiều thách thức, cần điều chỉnh để hướng đến sự phát triển bền vững.

Ngành Du lịch chuẩn bị tổng kết Chương trình hành động du lịch Khánh Hòa 2016 - 2020. Theo Sở Du lịch, 5 năm qua, du lịch Khánh Hòa đã có sự tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” của du lịch xứ Trầm Hương cũng đặt ra nhiều thách thức, cần điều chỉnh để hướng đến sự phát triển bền vững.


Tăng trưởng nhanh


5 năm qua, hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh được phát triển mạnh theo xu hướng đầu tư chiều sâu và quy mô lớn. Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh trở thành điểm đến của nhiều hãng hàng không trong nước và quốc tế. Đến nay, toàn tỉnh có 1.113 cơ sở lưu trú với hơn 52.000 phòng, trong đó có 125 cơ sở đạt chuẩn từ 4 - 5 sao. Toàn tỉnh có 138 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 118 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Khánh Hòa đã được biết đến như một điểm đến hàng đầu của du lịch Việt Nam với nhiều khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí cao cấp. Thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch cả nước và khu vực Đông Nam Á.

 

Khách Trung Quốc chiếm gần 74% số lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa.

Khách Trung Quốc chiếm gần 74% số lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa.


Theo Sở Du lịch, giai đoạn 2016 - 2020, các chỉ tiêu chủ yếu (doanh thu, lượng khách, cơ sở lưu trú…) tăng từ 15 - 20%/năm. Đến năm 2019, đóng góp của ngành Du lịch vào GRDP của tỉnh đạt khoảng 12,3%. Sự tăng trưởng của ngành Du lịch góp phần tăng tỷ trọng của ngành trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển các ngành kinh tế khác, đặc biệt mang lại hiệu quả cao trong vấn đề giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.


Không chỉ có màu hồng


Dù đã có sự phát triển mạnh mẽ, du lịch Khánh Hòa vẫn còn một số hạn chế. Cho đến nay, doanh thu du lịch của tỉnh chủ yếu đến từ dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 50 - 55%), nguồn thu từ dịch vụ hoạt động vui chơi, giải trí và mua sắm còn thấp (chiếm 25 - 30%) và không có dấu hiệu dịch chuyển trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng du lịch Khánh Hòa đang có chiều hướng giảm dần; nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng của lượng khách đang giảm và giá phòng lưu trú ngày càng rẻ.


Trong 5 năm qua, lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa tăng 45,9%, cao hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Tuy nhiên, thị trường khách quốc tế mất cân đối nghiêm trọng; khách Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc tăng mạnh (chiếm hơn 90%); khách các nước Tây Âu, Úc, Mỹ, Canada… sụt giảm mạnh. Lãnh đạo Sở Du lịch thẳng thắn đánh giá, khách Trung Quốc tăng trưởng nhanh (chiếm gần 74% tổng lượng khách quốc tế) đem lại doanh thu du lịch nhưng cũng mang đến nhiều thách thức mới, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững dài hạn của du lịch Khánh Hòa. “Khách Trung Quốc có mức chi tiêu khoảng 800USD/chuyến du lịch, trong khi mức bình quân ở khu vực châu Á là trên 2.000USD. Thực trạng này không chỉ mất cân đối thị trường khách quốc tế mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch về lâu dài”, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết.


Hiện nay, du lịch Khánh Hòa cũng phát triển chưa đồng đều. 84% tổng số cơ sở lưu trú và 87% tổng số phòng lưu trú tập trung ở Nha Trang đã gây quá tải về hạ tầng du lịch. Việc phòng lưu trú tăng nhanh thời gian ngắn, cùng với chiều hướng giảm tốc độ tăng trưởng lượng khách đến, nhất là khách quốc tế đã khiến công suất phòng lưu trú giảm mạnh. Năm 2018, công suất phòng lưu trú đạt 62,3% nhưng đến năm 2019  giảm còn 52,6%. Cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú ngày càng gay gắt, nhiều chủ cơ sở đã giảm giá để thu hút khách, điều này đã dẫn đến chất lượng dịch vụ lưu trú giảm theo.


Giai đoạn 2016 - 2019, lao động trực tiếp trong hoạt động du lịch tăng gấp 4 lần, đến năm 2019 khoảng 120.000 người. Số dự án du lịch tăng nhanh, đặc biệt là khối lưu trú chất lượng cao từ 4 - 5 sao đang tạo ra nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao; tuy nhiên, các cơ sở đào tạo du lịch trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo đáp ứng được yêu cầu.


Hướng đến tăng trưởng xanh


Dịch Covid-19 đã khiến đà tăng trưởng của du lịch Khánh Hòa bị chững lại, thực tế đó cùng những hạn chế trong giai đoạn vừa qua buộc du lịch Khánh Hòa cần phải có những điều chỉnh trong chiến lược phát triển du lịch thời gian tới.


Tại hội thảo góp ý cho tổng kết Chương trình hành động du lịch Khánh Hòa giai đoạn 2016 -2020, ông  Bùi Đào Thái Trường - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Roland Berger Việt Nam cho rằng, để hướng đến sự phát triển bền vững, du lịch Khánh Hòa cần quan tâm hơn nữa đến việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; cơ cấu lại thị trường khách, trong đó chú trọng khai thác thị trường khách châu Âu và Bắc Mỹ. Ông Lê Công An - Phó Giám đốc Trường Đại học Tôn Đức Thắng Phân hiệu Nha Trang cho rằng, du lịch Khánh Hòa cần tăng tính trải nghiệm cho du khách thông qua các lễ hội văn hóa, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống; có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với việc liên kết với các doanh nghiệp du lịch trong công tác này. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, Khánh Hòa cần xây dựng hạ tầng giao thông tương xứng với sự phát triển du lịch; có chính sách thu hút các dự án đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật; chính sách phát triển du lịch cộng đồng; đẩy mạnh truyền thông về thương hiệu du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa…


Ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, du lịch Khánh Hòa thực hiện chiến lược phát triển du lịch theo chiều rộng, đồng thời từng bước chuyển dịch theo chiều sâu, với mục tiêu nâng cao chất lượng khách du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp. Ngành Du lịch Khánh Hòa sẽ tham mưu cho tỉnh để có những giải pháp điều chỉnh, khắc phục hạn chế về cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, nhân lực, thị trường khách du lịch… để hướng du lịch đến phát triển bền vững, hướng đến tăng trưởng xanh.


Xuân Thành