Sáng 26-2, Chi hội Khách sạn (Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa) tổ chức hội nghị đối thoại nhằm tìm giải pháp ổn định giá dịch vụ lưu trú. Tham gia đối thoại có 100 đại biểu là các chủ đầu tư, tổng quản lý các cơ sở lưu trú…
Sáng 26-2, Chi hội Khách sạn (Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa) tổ chức hội nghị đối thoại nhằm tìm giải pháp ổn định giá dịch vụ lưu trú. Tham gia đối thoại có 100 đại biểu là các chủ đầu tư, tổng quản lý các cơ sở lưu trú…
Công suất và giá phòng giảm nghiêm trọng
Theo Chi hội Khách sạn, thời gian qua, lượng phòng lưu trú của Khánh Hòa tăng rất nhanh. Tính đến nay, Khánh Hòa có hơn 720 cơ sở lưu trú với khoảng 39.400 phòng, tập trung chủ yếu ở TP. Nha Trang. Dự kiến, năm 2019, Khánh Hòa sẽ có thêm 10.000 phòng. Năm 2018, lượng khách lưu trú của Khánh Hòa tăng 16,7% nhưng lượng phòng tăng đến 30%. Công suất phòng lưu trú của Nha Trang đã giảm sút nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Tập đoàn Crystal Bay cho biết: “Chưa bao giờ, công suất phòng của Khánh Hòa thấp như hiện nay. Tại thời điểm này năm 2018, công suất phòng khai thác khoảng 63%, hiện nay chỉ còn 43%”. Nắm bắt được điểm yếu này, các công ty lữ hành đã ép giá các khách sạn. Ông Lê Văn Sơn - Tổng Giám đốc khách sạn Liberty Central Nha Trang - Chi hội trưởng Chi hội Khách sạn cho biết: Năm 2017, gần như tất cả các công ty lữ hành đi năn nỉ các khách sạn ký hợp đồng dịch vụ lưu trú, nhưng từ giữa năm 2018, các công ty lữ hành bắt đầu xin giảm phòng. Năm 2019, chỉ có vài công ty được các công ty lữ hành ký hợp đồng trọn năm, còn lại luôn ở trong tình trạng ăn đong… Không những vậy, các khách sạn còn bị các công ty lữ hành ép giá trở lại. Nhiều khách sạn đã chấp nhận giảm giá để giành khách, có khách sạn 3 sao chỉ bán giá 600.000 đồng/đêm.
Tại hội nghị, đại diện nhiều khách sạn bày tỏ bức xúc trước tình trạng hạ giá vô tội vạ. Cuộc chiến về giá đã dẫn đến nhiều hệ lụy: mất lòng tin của khách hàng; giảm chất lượng dịch vụ; chủ đầu tư thu hồi vốn chậm dẫn đến nguy cơ vỡ nợ; chất lượng nhân sự bị sút giảm; ảnh hưởng đến nguồn thu thuế của Nhà nước… “Không thể để cuộc cạnh tranh về giá làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ lưu trú. Đừng để Nha Trang - Khánh Hòa trở thành thị trường du lịch giá rẻ”, ông Lê Văn Sơn bày tỏ.
Đâu là giải pháp?
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, trước mắt để ổn định giá phòng lưu trú, Sở Du lịch cần tăng cường thanh, kiểm tra về chất lượng dịch vụ lưu trú, xử lý nghiêm các trường hợp “tự phong sao” bán phá giá; đồng thời đề nghị các khách sạn đăng ký chất lượng và giá bán tối thiểu… Thay mặt Chi hội Khách sạn, ông Lê Văn Sơn kêu gọi các khách sạn bắt tay xây dựng giá sàn cho khách sạn 3-5 sao. Theo ông Sơn, cơ quan quản lý nhà nước không thể áp đặt về giá, nhưng các khách sạn có thể tổ chức hội nghị hiệp thương để đặt ra một mức giá sàn nhằm giữ chất lượng dịch vụ, ổn định giá dịch vụ lưu trú. Tuy nhiên, bà Lê Thị Hồng - Phó Giám đốc điều hành Khu du lịch Champa Island cho rằng, việc xây dựng một mức giá chung (dù là tương đối) là không khả thi, bởi mỗi doanh nghiệp có một chiến lược kinh doanh riêng, chưa kể sức ép từ chủ đầu tư đối với đội ngũ quản lý. Thay vì cùng bắt tay giữ giá, các doanh nghiệp nên bắt tay làm marketing, xúc tiến điểm đến…
Theo các đại biểu, về lâu dài, du lịch Khánh Hòa cần quan tâm đến việc tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách; các khách sạn phải tự xây dựng thương hiệu của riêng mình để tránh bị ép giá. Ông Lê Văn Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Nhật Minh cho rằng, cần phải làm thị trường tốt, có lượng khách mới giữ được giá lưu trú.Theo ông, các khách sạn cần chủ động tìm khách, chứ thụ động như hiện nay thì không ổn. Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cần vận động các chủ đầu tư cơ sở lưu trú bỏ tiền tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch. Khách đến Nha Trang, nếu dịch vụ tốt thì họ sẽ quay trở lại…
Ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng quản lý khách sạn Rosaka cho rằng, để lấp đầy khách cho các cơ sở lưu trú, du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cần quan tâm hơn đến nguồn khách nội địa. Vì mang tiếng xấu là khan hiếm phòng, bị chặt chém, nên khách Việt Nam đang bỏ Nha Trang để đi Phú Yên, Quy Nhơn….
Ông Nguyễn Đức Chi cho rằng, du lịch Nha Trang mất cân đối trong không gian phát triển du lịch; lượng khách sạn tập trung quá lớn trong trung tâm thành phố đã khiến hạ tầng du lịch quá tải, môi trường du lịch bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, Nha Trang - Khánh Hòa cũng mất cân đối về sản phẩm du lịch, thành phố dày đặc khách sạn nhưng quá ít dịch vụ vui chơi giải trí, không có công viên nước, công viên chuyên đề, vườn hoa… Ngành Du lịch cần phải tái cơ cấu lại không gian du lịch, sản phẩm du lịch và hàng năm cần có thêm những sản phẩm mới, các công trình khác biệt để thu hút du khách quay trở lại.
Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị ngành Du lịch cần có ý kiến với UBND tỉnh sớm giải quyết các vấn đề như: tình trạng kẹt xe, giá dịch vụ ăn uống, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường… để lấy lại “tiếng thơm” của du lịch Nha Trang, thu hút thêm lượng khách đến với thành phố biển, nâng cao công suất phòng lưu trú.
Phát biểu tại hội nghị, ông Cung Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, để đảm bảo chất lượng dịch vụ lưu trú, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các khách sạn mạo nhận sao, tự phong sao. Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa tăng cường phối hợp với Sở Du lịch trong công tác quản lý dịch vụ lưu trú. Nếu phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu sai phạm, cần chấn chỉnh, hiệp hội nên phản ánh với Sở để kiểm tra, xử lý…
THÀNH NGUYỄN