Thời gian qua, trên mạng xã hội facebook xuất hiện một số hình ảnh rạn san hô ở Khu bảo tồn biển (KBTB) Hòn Mun bị gãy đổ, đáy biển rác thải nhiều. Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Thời gian qua, trên mạng xã hội facebook xuất hiện một số hình ảnh rạn san hô ở Khu bảo tồn biển (KBTB) Hòn Mun bị gãy đổ, đáy biển rác thải nhiều. Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Chủ nhân của những hình ảnh trên là anh Nguyễn Hà Minh Trị, người có nhiều năm làm hướng dẫn lặn biển cho khách du lịch ở KBTB Hòn Mun. Anh Trị cho biết, đó là những hình ảnh được chụp ở khu vực phía bắc và phía nam trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của KBTB Hòn Mun. “Sở dĩ đáy biển Hòn Mun chịu những cảnh trên là do tác động của việc neo đậu tàu thuyền, nạn săn bắt trộm hải sản. Ban quản lý (BQL) vịnh Nha Trang nên tổ chức một đội để hàng tuần lặn xuống kiểm tra thực trạng đáy biển và rạn san hô. Ban cũng nên có sự phối hợp với các câu lạc bộ lặn biển để định kỳ thực hiện việc lặn thu gom rác thải dưới đáy biển”, anh Trị đề xuất.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng BQL vịnh Nha Trang cho biết, thời gian qua, ban đã thực hiện công tác tuần tra 24/24 giờ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun và tuần tra trên toàn vịnh Nha Trang. Qua đó, lập 14 biên bản cảnh cáo các phương tiện vào khai thác thủy sản trái phép ở Hòn Mun. Các vụ vi phạm chủ yếu là thúng chai câu mực, đánh bắt tôm gần bờ, lưới trủ bao. Ban đã tạm giữ 6 ống câu mực, 20 lồng bẫy mực, 2 tấm lưới giã cào, hơn 1.000m dây câu thẻo trôi dạt vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun. Đồng thời, lập 9 biên bản nhắc nhở các tàu du lịch neo đậu không đúng quy định; lập biên bản cảnh cáo 5 trường hợp tàu lưới trủ bao khai thác thủy sản trái phép ở Hòn Mun.
Đối với công tác bảo tồn biển, BQL vịnh Nha Trang đã phối hợp với Viện Hải dương học tiếp tục thực hiện chương trình khảo sát chất lượng nước tại 9 điểm trong vịnh Nha Trang. Để cung cấp các kiến thức cơ bản về môi trường sinh thái trong KBTB và các hoạt động đang diễn ra trong vịnh Nha Trang, BQL vịnh Nha Trang biên soạn và phân phát 1.000 quyển Sổ tay vịnh Nha Trang đến các cơ quan của tỉnh và thành phố, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong TP. Nha Trang. Đơn vị còn cử người hướng dẫn khách du lịch tại Trung tâm Thông tin du khách Hòn Mun; làm việc và yêu cầu hướng dẫn viên du lịch nhắc nhở du khách đến Hòn Mun bơi lặn không giẫm, đạp làm gãy san hô.
* Trong năm 2016, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500 khách tham quan đảo Hòn Mun. BQL vịnh Nha Trang đã thu phí tham quan danh lam thắng cảnh này đạt 8,3 tỷ đồng, vượt 176% so với chỉ tiêu. 5 tháng đầu năm 2017, mức phí tham quan thu được đạt hơn 80% kế hoạch giao.
* Liên quan đến việc thu phí tham quan của khách ở mức 22.000 đồng/khách khi lên đảo và 66.000 đồng/khách khi lặn biển, ông Huỳnh Bình Thái cho biết đây là mức thu theo đúng quy định của UBND tỉnh. Để hạn chế những tiêu cực trong vấn đề thu loại phí này, từ tháng 4-2016, BQL vịnh Nha Trang đã tăng cường thêm người, đồng thời thực hiện việc kiểm tra chéo giữa các đội và có đội kiểm tra đi kiểm tra việc thu phí của các nhân viên.
|
Đối với vấn đề rác thải ở đáy biển Hòn Mun, BQL vịnh Nha Trang đã phát động phong trào thu gom rác thải, làm sạch môi trường biển. Ban đã vận động 25 hướng dẫn viên bơi lặn và du khách tham gia thu gom được 120kg rác đem vào đất liền xử lý; vận động các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch đang hoạt động trong vịnh Nha Trang bắt sao biển gai nhằm kiểm soát sự phát triển của chúng trong mùa sinh sản. Thực hiện tiêu chí mỗi tháng có 1 ngày làm sạch môi trường, ban đã vận động các câu lạc bộ lặn tổ chức lặn vớt rác dưới đáy biển Hòn Mun, rác thải thu gom được chủ yếu là chai nhựa, túi nhựa, lưới đánh cá phủ trên rạn san hô.
Nhằm nâng cao ý thức cho các chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện tham gia vận chuyển hành khách tham quan Hòn Mun, ban đã thực hiện việc tuyên truyền về nội dung các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định của Nhà nước trong quá trình vận chuyển hành khách. “Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng trên thực tế, ở KBTB Hòn Mun vẫn có những điểm san hô bị gãy nát, rác thải vẫn tồn tại dưới đáy biển. Điều này một phần đến từ ý thức của người dân, du khách, nhưng cũng có yếu tố tác động từ đặc điểm tự nhiên dòng chảy. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý để hạn chế những tiêu cực như trên. Cùng với đó, sẽ thực hiện việc nghiên cứu tái tạo rạn san hô đã bị gãy”, ông Huỳnh Bình Thái cho biết.
N.T