Gần đây, tốc độ phát triển của ngành Du lịch Việt Nam khá khả quan. Lượng khách du lịch quốc tế ngày càng lớn là một tín hiệu đáng mừng cho du lịch Việt Nam, nhưng cũng đặt ra mối lo về vấn đề nguồn nhân lực trong ngành "công nghiệp không khói" này.
Gần đây, tốc độ phát triển của ngành Du lịch (DL) Việt Nam khá khả quan. Lượng khách DL quốc tế ngày càng lớn là một tín hiệu đáng mừng cho DL Việt Nam, nhưng cũng đặt ra mối lo về vấn đề nguồn nhân lực trong ngành “công nghiệp không khói” này.
Thách thức lớn về nguồn nhân lực
Mối quan tâm chính của ngành DL là chất lượng và hiệu quả của dịch vụ nên nguồn nhân lực được xem là tài sản quý giá nhất, tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp (DN) cũng như sự phát triển bền vững của ngành. Đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội và xu hướng hội nhập quốc tế hiện tại luôn được tất cả các DN kinh doanh DL lưu ý đặc biệt.
Chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế là yếu tố cần thiết cho sự phát triển của ngành Du lịch. Ảnh: BKH |
Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất của ngành DL Việt Nam chính là sự chuyên nghiệp của đội ngũ cung cấp dịch vụ, bao gồm: tác phong, thái độ phục vụ, kỹ năng nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm cộng đồng. Chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế là yếu tố cần thiết cho sự phát triển bền vững và cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như toàn cầu.
Xu thế thị trường hiện nay, du khách trong và ngoài nước đòi hỏi rất cao từ các dịch vụ DL mà họ phải trả tiền. Để đáp ứng đòi hỏi của du khách, đội ngũ cung cấp dịch vụ buộc phải liên tục nâng cao tác phong, kỹ năng và đạo đức để đạt được sự chuyên nghiệp tiêu chuẩn mang tầm khu vực và quốc tế.
Để có nguồn nhân lực chuyên nghiệp đòi hỏi một chiến lược phát triển con người chi tiết và có sự liên kết giữa nhà đào tạo, Nhà nước và DN. Nhưng chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Nhà nước thì triển khai chậm và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ. Chính sách và ngân sách đầu tư cho phát triển nhân tài còn nhiều rào cản, khó khăn. Trong khi đó, DN kinh doanh DL lại chưa được sự ủng hộ và tham gia bảo trợ chiến lược phát triển nhân tài. Hiện các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng đúng nhu cầu DN. Sinh viên ngành DL cho rằng các khóa đào tạo thiếu tính thực tiễn. Các chương trình và phương pháp đào tạo không đặt trọng tâm nhiều về kỹ năng mềm và phát triển nhân cách trong khi những điều này rất cần thiết để thực hiện hiệu quả công việc. Một số công ty lữ hành lớn đã có chương trình tuyển dụng các sinh viên xuất sắc các trường đại học uy tín nhưng khi nhận về, DN vẫn phải đào tạo lại mới có thể đáp ứng nhu cầu thực tế.
Hệ quả là nguồn quản lý trung và cao cấp còn hạn chế về năng lực lãnh đạo. Việc đào tạo nghệ nhân, giám đốc cùng những chức danh quản lý cao cấp khác... chưa được chú trọng đầu tư. Nguồn nhân lực sơ cấp thì kiến thức và kỹ năng nghề chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế, hệ quả là họ thiếu tự tin khi làm việc trong môi trường quốc tế.
Ngày nay, nhận thức và yêu cầu của du khách ngày càng cao. Nhân viên DL chỉ có trình độ tri thức DL cơ bản sẽ khó làm họ hài lòng. Hơn nữa, các sản phẩm DL cũng không thể đơn điệu mà phải ngày càng phong phú để du khách có thể có được những trải nghiệm khó quên, tiếp thu vẻ đẹp và văn hóa của điểm đến do nhân viên DL truyền đạt.
Trình độ ngoại ngữ của nhân viên DL cũng là thách thức lớn của ngành. Theo Tổng cục DL, hiện ở Việt Nam có 32% lao động phục vụ trực tiếp trong ngành DL biết tiếng Anh, chỉ 3,2% biết tiếng Pháp và 3,6% biết tiếng Trung Quốc. Thực tế, một tỷ lệ không nhỏ thị trường khách DL nước ngoài cần hướng dẫn viên rành ngoại ngữ, nhất là tiếng Đức, Nhật, Hàn. Nếu không tìm được lao động chuyên ngành đủ trình độ ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu này thì sẽ lãng phí một thị trường tiềm năng.
Hướng nào phát triển ngành Du lịch Việt Nam?
Thời đại mới cùng những thách thức lớn mở ra từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới đây buộc Chính phủ Việt Nam phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề nguồn nhân lực DL nếu muốn phát triển bền vững ngành này. Thiết nghĩ, Việt Nam nên thiết lập một “Hiệp hội nhân sự khách sạn” hoặc “Ban phát triển nguồn nhân lực” nhằm nghiên cứu tiềm năng nguồn nhân lực DL, từ đó phát triển nguồn nhân lực bền vững theo chiến lược tạo sự nhất quán giữa ba bộ phận lao động gồm: đội ngũ quản lý chung, đội ngũ quản lý theo các nghiệp vụ kinh tế và đội ngũ lao động trực tiếp cung cấp dịch vụ.
Trong đó, đội ngũ quản lý chung của DN DL được chuẩn hóa và nâng cao năng lực lãnh đạo, hoạch định chiến lược kinh doanh DL bền vững nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ DL và nâng cao tính cạnh tranh trong và ngoài nước. Những người quản lý cũng không quên nâng cao ý thức và đóng góp bảo vệ môi trường, đạo đức nghề nghiệp, tích cực trong việc hợp tác với cơ sở đào tạo, tạo cơ hội cho sinh viên kiến tập và thực tập nhằm đóng góp phát triển nguồn nhân lực.
Như đã nói, DL là ngành kinh tế dịch vụ có vai trò quan trọng về nhiều mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường. Đối tượng phục vụ của ngành DL là con người ở nhiều vùng, nhiều quốc gia khác nhau với trình độ hiểu biết và các nền văn hóa khác nhau. Vì vậy, không thể thiếu lực lượng lao động được đào tạo cơ bản, chất lượng. Theo đó, đội ngũ quản lý theo các nghiệp vụ kinh tế cần: (1) Dự báo nhu cầu đào tạo; (2) Định hướng cơ cấu đào tạo hợp lý cho các nghề kinh doanh trong DL, tránh tình trạng mất cân bằng cung cầu lao động trên thị trường, tạo ra một cơ cấu đồng bộ từ nhân viên phục vụ, công nhân lành nghề, đến cán bộ quản lý kinh doanh, quản lý ngành... theo tỷ lệ thích hợp; (3) Giám sát chặt chẽ việc xây dựng nội dung và chất lượng đào tạo, đề cao nhận thức về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành DL là sự nghiệp của toàn ngành. Ngoài ra, cần có sự đầu tư thỏa đáng về tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, gắn kết trường học với các cơ sở thực tế, gắn lý thuyết với thực hành trong đào tạo...
Còn đội ngũ nhân sự trực tiếp cung cấp dịch vụ cho khách phải thông thạo cả về kiến thức lẫn kỹ năng để có thể làm hài lòng du khách trong nước và quốc tế. Có thể nói, khi trả tiền cho một sản phẩm DL, du khách mong muốn gặt hái được những giá trị chân - thiện - mỹ. Người mang lại giá trị đó cho dịch vụ không ai khác chính là nhân viên ngành DL. Chính vì vậy, họ phải là người biết tìm và cảm thụ cái đẹp đồng thời truyền cảm hứng về cái đẹp cho khách DL. Người trực tiếp làm dịch vụ nếu không học tập chăm chỉ, đam mê khám phá, ham thích tìm kiếm cái mới, hoàn thiện bản thân và kỹ năng thì khó lòng đáp ứng những yêu cầu này. Bên cạnh đó, nhân viên DL cũng không thể thiếu những kỹ năng sống gồm: khả năng sử dụng các công cụ kinh doanh thông thường và công nghệ, quản lý và giải quyết các tình huống xung đột.
P.V (Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn )