02:03, 13/03/2014

Việt Nam tiếp tục là nơi "Đất lành chim đậu"

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2014 có nhiều điểm vượt trội so với cùng kỳ, chứng tỏ Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn khách quốc tế ở tất cả các mục đích đến.

 

 

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2014 có nhiều điểm vượt trội so với cùng kỳ, chứng tỏ Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn khách quốc tế ở tất cả các mục đích đến.

 

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm 2014 (nghìn người). Nguồn: Tổng cục Thống kê
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm 2014 (nghìn người). Nguồn: Tổng cục Thống kê

 

Điều thấy rõ trước hết là lượng khách quốc tế đến Việt Nam bình quân 1 tháng trong 2 tháng đầu năm đạt 809.100 lượt người (bằng cả năm 1998), mức cao nhất từ trước đến nay (năm 2013 đạt 606.500 lượt).

 

Bên cạnh đó, tốc độ tăng của lượng khách đến nước ta trong 2 tháng qua đạt tới 33,4% so với cùng kỳ 2013, một tốc độ tăng hiếm thấy trong nhiều năm qua, đồng thời cũng là mức tăng cao hơn tốc độ tăng của các chỉ tiêu thuộc các ngành, lĩnh vực khác trong 2 tháng qua.

Quy mô tuyệt đối và tốc độ tăng nói trên là tín hiệu khả quan để ngành Du lịch hướng tới kỷ lục mới đón trên 8 triệu lượt khách trong năm nay (năm 2013 đón 7,572 triệu lượt). Những con số trên càng có ý nghĩa khi đạt được trong điều kiện nhiều nền kinh tế trên thế giới chưa phục hồi tăng trưởng, thậm chí một số nước vẫn còn bị suy giảm; phần đông người dân vẫn còn thắt chặt chi tiêu, tiết giảm nhu cầu tiêu dùng, mà đi du lịch nước ngoài - nhu cầu tiêu dùng cao cấp - thường bị cắt, giảm đầu tiên và lớn nhất.

Điểm chú ý thứ 3, lượng khách quốc tế trong 2 tháng qua so với cùng kỳ năm trước đã tăng ở tất cả các mục đích đến và với tốc độ khá cao, nên cơ cấu lượng khách theo mục đích đến đã có sự chuyển dịch đáng quan tâm.

Cụ thể, lượng khách đến du lịch, nghỉ dưỡng tiếp tục chiếm đông nhất (61,3%) và có tốc độ tăng khá cao (tăng 33,4%). Đạt được kết quả này do Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa là Di sản Thế giới.

Tiếp đến là lượng khách đến vì công việc (đầu tư, thương mại, lao động), chiếm 16,7% tổng số và tăng khá so với cùng kỳ năm trước (tăng 32,2%). Tốc độ tăng đạt được chủ yếu do quan hệ đầu tư, thương mại của Việt Nam với nước ngoài đã có dấu hiệu khởi sắc từ năm trước, cả về lượng vốn đăng ký, cả về lượng vốn thực hiện. Hoạt động thương mại của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sôi động hơn…

Lượng khách đến Việt Nam đông thứ ba là về thăm thân nhân (chiếm 16,6%) và tăng 34,1% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách đến vì các mục đích khác (học tập, chữa bệnh…) 2 tháng đầu năm tăng khá cao (tăng 35,3%), cao nhất trong 4 mục đích đến.

Điểm chú ý thứ 4 liên quan đến kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch. Nếu dự báo lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2014 đạt 8 triệu lượt thì đây là tín hiệu khả quan để kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch (vốn chiếm hơn 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam) cũng sẽ hướng tới kỷ lục mới. Với giả thiết là mức chi tiêu bình quân 1 lượt khách quốc tế so với năm 2014 bằng với mức chi tiêu bình quân 1 lượt khách của năm 2013 (994,4 USD) và nếu dự báo lượng khách đến Việt Nam đạt trên 8 triệu lượt người như trên, thì số tiền chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam (cũng là tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch) năm 2014 vượt qua mốc 8 tỷ USD (năm 2013 đạt 7,53 tỷ USD).

Đây là nguồn ngoại tệ mạnh, với số lượng không nhỏ, sẽ góp phần làm cho cán cân thanh toán tiếp tục có số dư, tăng dự trữ ngoại hối, tăng tính thanh khoản của quốc gia, tăng tính an toàn tài chính, góp phần ổn định tỷ giá, củng cố lòng tin đối với đồng tiền quốc gia.

Tuy nhiên, xét về thứ hạng, quy mô lượng khách quốc tế đến Việt Nam hiện đứng thứ 41 thế giới, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á (sau Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia); bình quân lượng khách đến trên 100 dân còn thuộc loại thấp (khoảng 8 du khách/100 dân, trong khi nhiều nước đã đạt trên 100, thậm chí trên 200 khách). Vì vậy, cơ quan chức năng, doanh nghiệp liên quan cần tiếp tục quảng bá, tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử; giảm giá dịch vụ; khắc phục cho được tình trạng níu kéo, tranh giành khách; bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông… Có như thế mới tăng được số người đến, tăng số ngày lưu trú, tăng mức chi tiêu của khách...

 

Theo Chinhphu.vn